Madhur Maini CEO ngoại của Masan

vncongnghe - Ông Madhur Maini đã đóng góp quan trọng giúp Masan huy động 500 triệu USD vốn từ nước ngoài.

Chào sàn giá 43.200 đồng một cổ phiếu, đến nay qua bao thăng trầm của thị trường, giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan (MSN) đã lên đến 115.000 đồng một cổ phiếu. Qua hơn 2 năm, thị giá MSN tăng 2,6 lần so với tháng 11 năm 2009.

Là một tập đoàn đa ngành, Masan sở hữu nhiều thương hiệu đầu ngành như: nước tương Chinsu, mì Omachi, mì ăn liền Tiến Vua. Một đơn vị thành viên khác nổi tiếng không kém của Masan Group là Ngân hàng Techcombank có tốc độ tăng trưởng tài sản và lợi nhuận ấn tượng trong 3 năm qua, trung bình tăng tương ứng là 12% và 36% một năm. Đây là ngân hàng có giá trị tài sản lớn thứ 6 trong các ngân hàng thương mại cổ phần sau Ngân hàng Công thương, Vietcombank, Ngân hàng Á Châu, Sacombank và Ngân hàng Sài Gòn sau hợp nhất.

Madhur Maini
Madhur Maini (phải) - CEO của Masan Group. Ảnh: DĐDN. 

Đánh giá về hiệu quả điều hành của ông Madhur Maini, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, người ta không chú ý lắm về khả năng đem lại các khoản lợi nhuận từ 2 đơn vị trực thuộc là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Techcombank vì ở đó có các CEO giỏi điều hành. Điều mà các chuyên gia trong ngành tài chính nể phục ông Madhur Maini là khả năng kêu gọi các tổ chức nước ngoài đầu tư vào các công ty con của Masan. Tài của ông trong việc thực hiện các thương vụ M&A nhiều doanh nghiệp; cũng như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Hồi đầu năm 2011, Công ty quản lý quỹ Mout Kellet (USA) đã đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng để có được 20% cổ phần của Công ty Tài nguyên Masan (đơn vị sở hữu mỏ Núi Pháo). Núi Pháo là một mỏ đa kim loại với trữ lượng đã được ước đoán có cơ sở là 55,4 triệu tấn, khai thác có thể kéo dài 16 năm. Toàn bộ nguồn tài chính đầu tư dự án Núi Pháo khoảng 9.240 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.255 tỷ đồng đã được giải ngân. Đầu năm 2013, dự án này đi vào hoạt động, dự kiến doanh thu hơn 6.300 tỷ đồng một năm.

Cuối năm 2011, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan hoàn tất việc mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa. Số cổ phiếu trên được mua lại theo hình thức chào mua công khai với giá 80.000 đồng một cổ phiếu, thấp hơn giá thị trường của VCF lúc đó dao động trong khoảng từ 90.000 -100.000 đông một cổ phiếu.

Thành công khác của Masan Group dưới thời ông Madhur Maini là việc quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Kohlberg Kravis Roberts (KKR) bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% vốn chủ sở hữu trong Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Vụ giao dịch này được báo chí nước ngoài cho là thương vụ góp vốn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Một điểm khiến cho nhà đầu tư an tâm là mặt hàng sản xuất của Masan thuộc hàng thiết yếu, giá trị thấp, dù cho tình hình lạm phát cao, người tiêu dùng vẫn phải mua. Một ưu thế khác của Masan là có một hệ thống phân phối rộng lớn, đứng hàng thứ hai tại Việt Nam sau Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Còn về mảng marketing hàng tiêu dùng thì Masan Group được đánh giá là luôn có những "phép" biến hóa.

Anh Lê Hồng Trường, thành viên Quỹ VP Capital cho biết, mặc dù không làm việc chung, nhưng giới đầu tư đều biết, kể từ khi ông Madhur Maini tham gia tập đoàn, Masan liên tục gọi được vốn từ những quỹ đầu tư lớn như BankInvest, TPG, IFC…

Tiếp đó, Ngân hàng Goldman Sachs cho Masan vay 30 triệu USD vốn có thể chuyển đổi thành trái phiếu. Sự kiện này giúp Massan có thể gây quỹ tiếp theo từ những tổ chức tài chính lớn khác dễ dàng hơn.

Trong hai năm qua Masan Group đã huy động được tổng cộng 500 triệu USD vốn đầu tư tư nhân. Đây chính là những yếu tố cơ bản để Masan Group có được những bước đi mạnh mẽ trên thị trường.

(Theo DĐDN)
taichinh.vnexpress.net


In bài này
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang