Hiển thị các bài đăng có nhãn Tim Cook. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tim Cook. Hiển thị tất cả bài đăng

Tim Cook nhận lương CEO cao nhất nước Mỹ

vncongnghe.com - Kể từ khi nắm trọng trách điều hành toàn bộ đế chế Apple cách đây 18 tháng, Tim Cook đã trở thành bộ mặt mới của Táo khuyết. Không có gì bất ngờ khi ông đã nhận được khoản tiền lương khổng lồ cho vai trò đó.


Theo CNBC, Tim Cook hiện là CEO được trả lương cao nhất tại Mỹ, với tổng thu nhập khoảng 95 triệu USD. Ông bỏ xa người đứng thứ hai là CEO Larry Ellison của Oracle, người nhận lương 70 triệu USD/năm và Ron Johnson – một cựu binh của Apple nay chuyển sang điều hành chuỗi bán lẻ JC Penney.

Một trong những phương diện thú vị nhất của danh sách này là cả ba CEO hàng đầu đều có ít nhiều mối liên hệ với Apple. Nếu như Johnson từng giữ trọng trách Phó chủ tịch phụ trách bán lẻ của Apple trong gần 8 năm, thì Ellison là một người bạn khá thân của thầy phù thủy quá cố Steve Jobs.

Xét tổng thể, có rất nhiều công ty và tên tuổi xuất hiện trong danh sách của CNBC. Bạn sẽ không bất ngờ trước sự góp mặt của Tim Cook hay ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của Tập đoàn News Corp, nhưng hẳn là CEO của những hãng ít đình đám hơn như Abercrombie & Fitch, Honeywell hay Abbott Laboratories sẽ khiến bạn ít nhiều ngạc nhiên.

Tim Cook tiếp quản Apple từ tháng 10/2011 khi nhà đồng sáng lập kiêm cựu CEO Steve Jobs từ chức vì lý do sức khỏe. Dưới thời của Cook, Apple đã có nhiều thay đổi nhưng giá cổ phiếu của hãng vẫn tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Tất cả các sản phẩm mới mà Apple tung ra như iPhone 5, iPad Mini đều thành công về mặt thương mại.

Y Lam
Theo Vietnamnet.vn
>> Xem thêm

Apple thay đổi ra sao dưới bàn tay Tim Cook?

VNC - Một năm sau ngày mất của Steve Jobs, Apple đã thay đổi một cách chậm rãi hình ảnh của mình, từ bỏ một số đặc trưng “khắc nghiệt” vốn gắn liền với Jobs để khoác lên mình nhiều nét tính cách của vị thuyền trưởng mới.

Tim Cook

Tuy là bậc thầy xuất chúng về thiết kế sản phẩm nhưng Jobs lại chẳng mấy hào hứng với việc bắt tay các đối tác hay nhà đầu tư. Ngược lại, Apple dưới thời Cook có vẻ cởi mở với bên ngoài hơn, hay họp hành, thăm thú hơn.

Chẳng hạn, tháng Năm vừa qua, Cook đã đến Washington để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hạ viện, mở ra những kênh tiếp xúc gần như bị phong tỏa trong quá khứ. Dù Apple không lạ lẫm gì với việc lobby (dẫu so với những đối thủ khác trong thung lũng Silicon như Google thì Apple chẳng thấm tháp gì), nhưng việc đích thân Cook đến Washington là một thông điệp rõ ràng cho giới chính trị gia. Đại ý rằng, Apple đã sẵn sàng để vun đắp quan hệ với đồi Capital và trong tương lai, hãng sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề chính trị chứ không “tự thủ bàng quan” như dưới thời Jobs.

Một sự thay đổi đáng ghi nhận khác là Apple đã nỗ lực lấy lòng phố Wall hơn. Các nhà đầu tư có thể tham gia một tour tham quan trên xe buýt với điểm dừng là đại bản doanh của Apple ở Cupertino, nơi họ sẽ được mời ăn bánh quy và trò chuyện với Giám đốc Tài chính của Apple. Cũng không thể không kể hành động thiện chí chia cổ tức cho nhà đầu tư mà Tim Cook đã ký duyệt – lần đầu tiên trong suốt 17 năm qua. Và trong cuộc họp với các nhà đầu tư hồi tháng 2, Cook đã trả lời mọi thắc mắc, pha trò, thể hiện đầy cởi mở và thân thiện.

Chưa hết, sau làn sóng phản đối về điều kiện làm việc khắc nghiệt tại chuỗi nhà máy đối tác của Apple (đáng kể nhất là Foxconn), Cook đã ra tay phản ứng rất nhanh. Ông bay đến Trung Quốc và tự mình tham quan nhà máy Foxconn. Apple cũng cho phép Liên đoàn Lao động Bình đẳng được kiểm tra toàn diện điều kiện làm việc ở các nhà máy Trung Quốc. Hãng cam kết sẽ tăng lương và giảm giờ làm cho các nhân công.

Và thí dụ gần đây nhất cho thấy sự thay đổi về giọng điệu của Apple chính là cách mà hãng phản ứng sau scandal Apple Maps ở iOS6. Ứng dụng bản đồ mới này do Apple tự phát triển để thay thế Google Maps trên iPhone và iPad, nhưng nó đầy rẫy lỗi và thông tin thiếu chính xác.

Một tuần sau khi iPhone 5 chính thức lên kệ, Cook đã công khai xin lỗi người dùng vì Apple Maps và hài hước đến bất ngờ khi khuyên khách hàng chuyển sang dùng tạm sản phẩm đối thủ.

Phương châm “Tự nhận lỗi – Lỗi tại tôi (Mea culpa)” này của Cook hoàn toàn khác với Jobs và mở rộng hơn, Apple dưới thời Cook cũng rất khác với kỷ nguyên Jobs. Cook là người thoải mái hơn, dễ tiếp cận hơn và không thích làm trung tâm của mọi sự chú ý. Các màn giới thiệu sản phẩm dưới thời ông không phải là show độc diễn của một người: trái lại, phần thuyết trình sẽ được chia đều cho các quan chức cấp cao của Apple.

Một bài báo gần đây đăng trên Bloomberg Businessweek cho biết, nhiều cựu và đương kim lãnh đạo, nhân viên, đối tác của Apple cảm thấy “công ty vui vẻ hơn, thậm chí là minh bạch hơn” thời của Jobs trước đây. Họ không thường xuyên phải nhận các cuộc gọi khẩn giữa đêm, không phải cắt ngắn hay hủy bỏ kỳ nghỉ để kịp tiến độ phát triển sản phẩm mới nữa. (Gần đây Cook thông báo hầu hết nhân viên Apple ở trụ sở chính sẽ được nghỉ cả tuần Lễ Tạ ơn mà vẫn nhận đủ lương).

Điều không may cho vị Tổng giám đốc mới của Apple, một người đàn ông sở hữu giọng nói nhỏ nhẹ, phong cách điềm đạm, là ông luôn bị so sánh từng ly từng tí với vị tiền nhiệm quá cố, nhất là sau mỗi lần xuất hiện, mỗi thành công hay thất bại.

“Luận điệu Apple sẽ không mắc phải sai lầm đó nếu như Jobs còn lãnh đạo hoàn toàn sai lầm”, nhà phân tích Michael Gartenberg của Gartner bình luận. Chẳng phải dưới thời Jobs, Apple đã từng thất bại với Ping, một mạng xã hội xoay quanh âm nhạc đó sao?

Cook chưa công bố bất cứ sản phẩm mới đột phá nào trong suốt 12 tháng qua. Apple chỉ mới tung ra những phiên bản cập nhật vừa phải cho các sản phẩm ăn khách, chẳng hạn như laptop tốc độ cao hơn, hệ điều hành Mac mới, iPhone 5 mỏng hơn, dài hơn. Tuy vậy, chúng đều nhận được đánh giá tích cực từ phía giới chuyên môn và bán rất chạy.

Apple đã tiến tới trở thành doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử. Một năm trước, ngày 4/10/2011, giá cổ phiếu của hãng chỉ là 381.8 USD/cổ phiếu. Nhưng hôm qua, nó đóng cửa ở mức 671,45 USD.

Thế nhưng Cook cũng khiến nhiều người lo ngại rằng ông có thể thiếu vắng óc tưởng tượng và khả năng tạo ra những sản phẩm đột phá đặc trưng của Jobs. Cũng không ít người thắc mắc trong thành công của quý tài chính mới nhất thì có bao nhiêu phần là công của Cook và bao nhiêu phần là di sản thừa hưởng từ Jobs? Jobs đã chuẩn bị cho Apple cùng bộ sậu lãnh đạo hiện tại duy trì tầm nhìn, hướng đi phù hợp trong những năm tới, xây dựng Apple để có thể vận hành trơn tru khi không có ông. Có gì ngạc nhiên khi Apple vẫn làm ăn tốt sau khi Jobs mất?

Nhưng Gartnenberg tiết lộ rằng dù vẻ ngoài Jobs luôn tỏ ra là người kiểm soát tuyệt đối, nhưng trên thực tế không phải Jobs thiết kế một mình mọi sản phẩm mới từ A đến Z. Apple có tới 12.000 nhân viên riêng tại Mỹ (không tính các nhân viên bán lẻ và hỗ trợ kỹ thuật). Đó là một cỗ máy lớn, tra dầu trơn tru luôn biết cách thiết kế và bán những sản phẩm xinh đẹp mà người dùng muốn.

Một chuyên gia khác tin rằng, giờ chưa đến lúc Cook phải đưa ra những quyết định lớn để chứng tỏ mình. Một số quyết định trong đó Jobs sẽ không bao giờ nghĩ đến khi sinh thời, chẳng hạn như việc giảm giá iPhone để nó có thể cạnh tranh hơn tại các thị trường đang phát triển. Ngược lại, Cook đã chứng tỏ ông rất quan tâm tới doanh số tiêu thụ ở thị trường quốc tế: việc iPhone 5 sẽ hiện diện ở 100 nước trước cuối năm nay là tốc độ phân phối iPhone nhanh, rộng chưa từng có trong lịch sử.

Vẫn còn quá sớm để ai đó dám dự đoán về thành công hay thất bại dài hạn của Cook. Và tác động thực sự của việc Jobs vắng bóng sẽ không thể hiện rõ trong ít nhất là 2 năm nữa.

“Thách thức lớn nhất của Apple không phải là sản phẩm, mà là làm sao quản lý di sản huyền thoại của Steve Jobs”, Gartenberg kết luận.

Trọng Cầm
Theo vietnamnet.vn
>> Xem thêm

4 điểm Tim Cook hơn Steve Jobs

vncongnghe - Dưới sự điều hành của Tim Cook, Apple nhiệt tình hơn với các hoạt động từ thiện, quan tâm tới các nhà máy tại Trung Quốc, “hào phóng” hơn với các nhà đầu tư...

Tim Cook, người kế nghiệm Steve Jobs, vừa mới trải qua năm đầu tiên ở vị trí lãnh đạo Apple.

Bất chấp những nghi ngờ ban đầu về tương lai của Apple thời hậu Steve Jobs, Tim Cook thực sự ghi được những dấu ấn nhất định sau một năm đảm nhận vị trí mới.

Ở một số lĩnh vực nhất định, Tim Cook dường như đã thành công hơn người tiền nhiệm cửa mình.


1. Tim Cook tới thăm nhà máy sản xuất tại Trung Quốc

Không phải mới đây Apple mới bị cáo buộc về điều kiện làm việc nghèo nàn tại các nhà máy của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Nhưng chỉ đến năm nay, lãnh đạo Apple, cụ thể là Tim Cook, mới có hành động cụ thể trước vấn đề này. Sau khi thời báo New York Times công bộ tài liệu về những tổn thất nhân lực cần thiết để sản xuất ra một chiếc iPad, Tim Cook đã tới Trung Quốc để thăm hiện trường sản xuất. Steve Jobs được biết chưa bao giờ đặt chân tới một nhà máy nào ở Trung Quốc.

Hành động này không chỉ là một chiêu trò PR khi Tim Cook đồng thời yêu cầu Hiệp hội bảo vệ người lao động (Fair Labor Association – FLA) kiểm tra Foxconn và các nhà máy sản xuất linh kiện khác. Hồi tháng Ba, các nhà điều tra phát hiện ra rằng người lao động thường phải làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần. Kể từ đó, Apple được biết đã có kế hoạch điều chỉnh thời gian làm việc cho nhân viên.


2. Tim Cook cởi mở với nhân viên hơn

Mặc dù chưa thể lấy ý kiến xác nhận của toàn bộ 60.000 nhân viên của Apple, bài viết của tác giả Adam Lashinsky trên tạp chí Fortunes cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tim Cook, “không khí của những buổi họp đã trở lên thoải mái, thậm chí là vui vẻ, trái ngược với cảm giác ảm đạm và sợ hãi dưới quyền Steve Jobs”.


3. Tim Cook nhiệt tình với các hoạt động từ thiện hơn Steve Jobs

Steve Jobs nổi tiếng với nhiều ý tưởng đột phá và tư tưởng tiến bộ, nhưng không phải hoạt động từ thiện. Tim Cook, ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức, đã khởi động một chương trình kêu gọi nhân viên làm từ thiện. Những hoạt động kiểu này rất phổ biến tại các công ty Mỹ, nhưng là lần đầu tiên diễn ra tại Apple. Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple cũng quyên góp 50 triệu USD cho các bệnh viện tại Stanford.

4. Tim Cook “hào phóng” với các nhà đầu tư

Mặc dù không phải hoạt động từ thiện, nhưng điều này cũng thể hiện sự hào phòng của vị tân CEO. Trong khi Steve Jobs không chia cho các nhà đầu tư một đồng xu nào từ kho tiền khổng lồ của Apple dưới hình thức mua lại cổ phiếu hoặc cổ tức, hồi tháng 2, Apple đã phát hành cổ tức 2,65 USD/ năm và hứa sẽ mua lại cổ phiếu với giá trị 10 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Theo ICTNews / Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Những dấu ấn đáng nhớ của Tim Cook sau một năm “trị vì” Apple

vncongnghe - Ngày 25/8 vừa qua đánh dấu thời điểm trong 1 năm Tim Cook chính thức kế thừa vị trí CEO tại Apple do Steve Jobs để lại. Cùng điểm qua những khoảnh khắc đáng nhớ của Tim Cook sau 1 năm tại vị ở Apple.

Tim Cook

Sau sự ra đi đột ngột của CEO huyền thoại Steve Jobs, nhiều người đã lo ngại rằng Apple sẽ như một con tàu mất lái khi khó có thể tìm được một người xứng đáng để có thể thay thế được vị trí mà Steve Jobs để lại.

Tuy nhiên, với những gì Tim Cook làm được trong 1 năm qua, có vẻ như ông không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mà Tim Cook đang dần thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Steve Jobs bằng những quyết định và hành động chưa từng có dưới triều đại Steve Jobs tại Apple.

iPhone 4S là sản phẩm quan trọng đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của triều đại Tim Cook. Sản phẩm được Tim Cook giới thiệu vào ngày 4/10 năm ngoái, chỉ 1 ngày trước khi người tiền nhiệm của ông, Steve Jobs qua đời vì căn bệnh ung thư.

iPhone 4S là sản phẩm rất thành công của Apple, không chỉ giúp Apple lập nên những kỷ lục mới về doanh thu mà còn giúp “quả táo” cạnh tranh với nền tảng Android ngày càng bùng nổ của Google
>> Xem thêm

Tim Cook tiết lộ về tương lai và sản phẩm Apple

vncongnghe - Nối tiếp người tiền nhiệm Steve Jobs, Tổng giám đốc hiện tại của Apple lên sân khấu trò chuyện về các mối quan tâm của của hãng này thời gian tới tại diễn đàn All Things D lần thứ 10 (D10) ở California (Mỹ).

Tim Cook đã trả lời một cách khôn khéo và ẩn ý trước một loạt câu hỏi của 2 nhà báo nổi tiếng Walt Mossberg và Kara Swisher về các dự án quan trọng tại hãng này như TV, iPhone, mối quan hệ với Facebook... Tuy nhiên, người nghe vẫn có thể phần nào hình dung về hướng đi của Apple sắp tới.

Tim Cook trên sân khấu D10. Ảnh: The Verge.

Apple TV

Với truyền thống giữ bí mật tại Apple, Tim Cook không bàn nhiều về sản phẩm chiến lược của họ. Tuy nhiên, ông khẳng định họ sẽ "công bố một thứ khó tin và tuyệt vời trong thời gian tới. Tôi nghĩ các bạn sẽ yêu nó".

Giới quan sát tin rằng thứ mà Cook nhắc tới là một chiếc TV. Vị CEO này nói TV là "mối quan tâm đặc biệt đối với chúng tôi". Dù không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Apple có đang phát triển một hệ thống TV hoàn chỉnh hay không, Cook chia sẻ ông đã nghe nhiều người nói rằng trải nghiệm TV là điều mà mọi người chưa thực sự hài lòng nên "chúng tôi muốn biết chúng tôi sẽ làm được những gì".

Ông cũng không bình luận về các thông tin rò rỉ liên quan đến iPhone và iPad mini gần đây nhưng khẳng định họ đang lên kế hoạch để những sản phẩm có tính chất quan trọng sẽ còn được tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt gấp đôi.
Dây chuyền sản xuất

Apple chọn Trung Quốc là nơi sản xuất và lắp ráp sản phẩm. Không ít người thắc mắc tại sao họ không đầu tư dây chuyền ngay tại nước Mỹ. Cook tiết lộ rằng thực ra động cơ (engine) cho iPhone và iPad được phát triển ngay ở Mỹ. Kính trong iPhone cũng ra lò từ một nhà máy ở Kentucky.
Siri

Trợ lý giọng nói Siri của Apple bị chỉ trích là hoạt động kém cỏi, thậm chí một cựu nhân viên của hãng này còn chia sẻ trên báo Wired rằng Steve Jobs hẳn đã mất trí khi đồng ý đưa phần mềm chưa hoàn thiện vào iPhone. Cook cho biết ở Apple có cả một đội chuyên phát triển Siri và các tính năng mới cũng như "một vài ý tưởng thú vị" dành cho Siri sẽ được công bố trong vài tháng nữa.
Thiết bị chơi game

Với sự thống trị trên nhiều mảng sản phẩm, Apple được đánh giá là đối thủ đáng gờm nếu tham gia vào thị trường máy game cầm tay (iPhone và iPad đã trở thành nền tảng game phổ biến). Nhưng Cook tuyên bố không hứng thú trong việc ganh đua với Nintendo, Sony và Microsoft: "Mọi người thích chơi game và chúng tôi có thể sẽ tiếp cận lĩnh vực này trong tương lai, nhưng tôi không muốn tham gia vào thị trường thiết bị console truyền thống như mọi người đã biết". Đồng thời ông cũng cho rằng chơi trò chơi trên TV sẽ mang đến "những trải nghiệm thú vị".
Facebook

Facebook từ lâu không hoạt động tốt trên thiết bị của Apple. Chẳng hạn, iOS 5 hỗ trợ chia sẻ thông tin dễ dàng lên Twitter hơn là Facebook. Cook khẳng định: "Chúng tôi luôn muốn đem đến cho người sử dụng cách đơn giản và tinh tế nhất để thực hiện những gì họ muốn. Facebook có hàng trăm triệu người sử dụng, do đó với những thành viên đang dùng iPhone và iPad, chúng tôi cũng mong họ có được trải nghiệm như thế". Điều này cho thấy có thể việc thỏa thuận giữa hai bên đang gặp rắc rối nhưng sẽ sớm được tháo gỡ.

Châu An
Theo vnexpress.net
>> Xem thêm

Tim Cook phá vỡ lề lối của Steve Jobs

vncongnghe - Tim Cook kính trọng di sản của Steve Jobs nhưng ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và kiến thức riêng. Ông gần gũi nhân viên và làm cho Apple trở nên cởi mở hơn.

Tim Cook tiếp quản công việc điều hành Apple từ Steve Jobs đã được gần 9 tháng, từ không lâu trước khi Steve Jobs qua đời. Tim Cook cởi mở hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Đó là kết luận của Adam Lashinsky trên tạp chí Fortune.

"Rõ ràng, đa số nhân viên của Apple cảm thấy thoải mái hơn với Cook - Lashinsky viết - Cook thường ngồi gần ai đó trong số họ trong quán cà phê vào giờ nghỉ trưa, trong khi Steve Jobs thường ăn trưa cùng trưởng bộ phận thiết kế Jonathan Ive. Đó không phải là việc làm to tát nhưng mang nhiều ý nghĩa: nhân viên Apple đã có thể nói chuyện cùng CEO của mình".

Đồng nghiệp từ những công ty khác cũng có những nhận xét tích cực về Cook. Một người đứng đầu một công ty công nghệ cao có uy tín chia sẻ: "Khi tôi gặp ông, ông hoàn toàn gần gũi, không hình thức, trông tự nhiên chú ý đến từng chi tiết nên nói chuyện với ông rất dễ dàng. Tôi quên mất là đang nói chuyện cùng với CEO của Apple. Khi gặp gỡ với Steve Jobs, tôi không có cảm nhận như vậy".

"Ở Apple, mọi người vừa kính trọng, yêu thích, vừa sợ hãi Steve Jobs - tác giả bài báo viết tiếp - Cook rõ ràng là người lãnh đạo có đòi hỏi rất cao nhưng ông không làm người ta sợ hãi. Trong công ty, Cook được tôn trọng nhưng không kiểu như tôn kính. Ở giai đoạn phát triển mới, Apple không cần một giám đốc điều hành kiểu 'ông Trời' mà chỉ cần một người bình thường hiểu mình phải làm việc gì mà thôi".

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất với các nhà đầu tư là cuộc gặp mặt hồi mùa Đông vừa rồi, khi họ có thể nói chuyện với Cook một cách thoải mái và Cook đã cởi mở trả lời từng câu hỏi đặt ra mà không bị nhầm lẫn. Các cổ đông lần đầu tiên trong nhiều năm có khả năng này vì Jobs hiếm khi để ý và lắng nghe ý kiến của họ.

Tim Cook biến Apple thành Công ty cởi mở và gắn kết hơn (Ảnh: CNews)

"Thỉnh thoảng Cook bắt tay vào trực tiếp giải quyết một việc nào đó từ lâu đã khiến cho công ty và nhân viên bất an - Lashinsky viết tiếp - Có cảm tưởng rằng ông có danh sách những vấn đề nổi cộm cần theo dõi, và những vấn đề đó thường bị người tiền nhiệm Steve Jobs bỏ qua chỉ vì một lý do là sự bướng bỉnh của Jobs".

Lashinsky khẳng định rằng Cook luôn nhớ tới Jobs và di sản của Jobs nhưng lại hành xử sao cho có lợi hơn cho Apple theo cách của ông và ông hành động hoàn toàn độc lập. "Ông không tự hỏi Jobs sẽ làm thế nào mà tự mình ra quyết định", Lashinsky viết.

"Cách hành xử và giọng điệu đã thay đổi, nhưng những thay đổi này hoàn toàn tự nhiên. Một số thay đổi liên quan đến những quy trình then chốt trong phát triển sản phẩm. Nhìn chung, Apple đã trở thành một công ty cởi mở và gắn kết hơn. Đồng thời, "cựu binh" 14 năm này vẫn giữ nguyên phần lớn văn hoá doanh nghiệp độc đáo của công ty.

Cũng có những mặt tiêu cực trong phong cách điều hành của Cook. Fortune nêu ra một điểm, thông qua lời cựu Phó Chủ tịch kỹ thuật Max Paley đã rời bỏ Apple cuối năm 2011 sau 14 năm làm việc: "Người ta kể với tôi rằng bây giờ, các cuộc họp quan trọng chủ yếu gồm các lãnh đạo dự án và những người quản lý quan hệ với các nhà cung cấp. Khi tôi còn ở đó, các kỹ sư đưa ra những đòi hỏi, còn công việc của các nhà lãnh đạo là phải đảm bảo cho họ tất cả những thứ cần thiết".

NND
Nguồn: CNews.ru 
Theo pcworld.com.vn
>> Xem thêm

CEO Apple và Samsung đối mặt trong 16 giờ, không ai chịu ai

(vncongnghe) - CEO Tim Cook của Apple và CEO Choi Gee-sung vừa gặp nhau trong 2 ngày để hòa giải, sau khi cả hai bên đã đâm đơn "tứ tán" kiện nhau vi phạm bản quyền sáng chế.

Hôm 23/5/2012 tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) cho biết, các CEO "không đạt được thỏa thuận nào rõ ràng thông qua các cuộc đàm phán", khiến 2 công ty không có lựa chọn nào khác ngoài "chiến đấu" tại tòa án.

CEO Tim Cook CEO Choi Gee-sung (Ảnh: Redmond Pie)

Hồi tháng 4/2012, thẩm phán của Tòa án Mỹ quận Bắc California yêu cầu cả ông Cook và ông Choi cùng các luật sư của họ gặp nhau tại San Francisco (Mỹ) để cố gắng đạt dàn xếp những bất đồng giữa hai bên. Vào thời điểm đó, phiên xử được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 30/7/2012, nhưng nếu không thoả thuận nào được ký kết, tòa án có thể buộc phải đẩy lùi phiên xử sang năm 2013.

Mặc dù hai vị CEO không đi đến thỏa thuận, nhưng họ tỏ ra rất cố gắng. Theo blogger Florian Mueller, một người theo khá sát vụ này, ông Cook và ông Choi đã đàm phán trong 9 giờ vào hôm 21/5/2012, và tiếp tục thảo luận 7 giờ về các vụ kiện vào hôm 22/5/2012.

Apple và Samsung đã “lôi nhau ra tòa” trên khắp thế giới. Cả 2 bên đều quả quyết rằng, bên kia vi phạm các bằng sáng chế mà họ nắm giữ liên quan đến phần cứng và phần mềm di động, và đang tìm cách để các sản phẩm của đối thủ bị cấm bán. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa bên nào chiếm ưu thế.

Gần đây nhất, Samsung kiện nhà sản xuất iPhone và iPad vi phạm 8 bằng sáng chế, một sự "trả đũa" sau khi Apple kiện nhằm ngăn bán điện thoại Samsung Galaxy Nexus tại Mỹ.

Bạch Đình Vinh 
Nguồn: CNET
Theo pcworld.com.vn
>> Xem thêm
/
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang