Xuân du hạo đãng, thị niên niên hàn thực, lê hoa thời tiết.
Bạch cẩm vô văn hương lạn mạn, ngọc thụ quỳnh bao đôi tuyết.
Tĩnh dạ trầm trầm, phù quang ái ái, lãnh mạn dung dung nguyệt.
Nhân gian thiên thượng, lạn ngân hà chiếu thông triệt.
Hồn tự cô xạ chân nhân, thiên tư linh tú, ý khí thù cao khiết.
Vạn nhị sâm sai thùy tín đạo, bất dữ quần phương đồng liệt.
Hạo khí thanh anh, tiên tài trác lạc, hạ thổ nan phân biệt.
Dao đài qui khứ, động thiên phương khán thanh tuyệt.
Tiết trời lạnh hoa lê đang rộ,
Khách nhàn du lãng đãng chơi xuân.
Hương thơm bay tỏa không gian,
Cành cây trắng xóa lộc non nở đầy.
Ánh trăng lạnh canh khuya thanh tĩnh,
Chiếu trên cao thấp thoáng sông ngân.
Tâm tình một vẻ miên man,
Trời cho tính khí cao sang vẻ người.
Chen lẫn vẻ muôn hoa rực rỡ,
Vẻ thanh cao vẫn tự vươn cao.
Thanh anh trác lạc hơn người,
Dẫu trong ngọc đá có chiều nọ kia.
Dao đài ai kẻ đi về,
Hương trời đôi lứa đã kề bên nhau.
Bài từ “Vô Tục Niệm” này vốn là của một vị võ học danh gia, cũng là một đạo sĩ ở vào cuối đời Nam Tống họ Khưu tên Xứ Cơ, đạo hiệu Trường Xuân Tử. Ông là một trong Toàn Chân thất tử và là nhân vật xuất sắc của phái Toàn Chân. Trong “Từ Phẩm” đã bình về bài từ này như sau :
“Trường Xuân, người đời vẫn coi là một vị tiên, nên lời từ mới hay và xuất sắc đến thế”
Bài từ tuy nói về hoa lê, nhưng thật ra chính là để ca tụng một thiếu nữ xinh đẹp mặc áo trắng, coi nàng "thực không phải người phàm, thiên tư linh tú, khí độ cao khiết", lại nói nàng "hạo khí thanh anh, tiên tài trác lạc", "bất dĩ quần phương đồng liệt" (không giống như những người khác). Người con gái đẹp mô tả trong bài từ này, chính là truyền nhân của phái Cổ Mộ, Tiểu Long Nữ. Nàng vốn ưa mặc đồ trắng, chẳng khác gì gió thổi qua cây ngọc, đóa quỳnh nở trong tuyết, chỉ hiềm tính khí lạnh lùng, nên mới tả hình dung là “lãnh mạn dung dung nguyệt”. Khưu Xứ Cơ tặng nàng ba chữ “Vô Tục Niệm” thật mười phần xác đáng.
Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ ở ngay bên cạnh nàng tại Chung Nam Sơn, một lần gặp mặt nên viết ra bài từ này. Lúc bấy giờ Khưu Xứ Cơ tạ thế đã lâu, Tiểu Long Nữ cũng đã làm vợ Thần Điêu đại hiệp Dương Quá.
Trên sơn đạo núi Thiếu Thất, tỉnh Hà Nam, có một thiếu nữ, đang cúi đầu lẩm nhẩm bài từ này. Cô gái ước chừng mười tám, mười chín tuổi, mặc áo màu vàng nhạt, cưỡi một con lừa đen, đi chầm chậm lên núi, vừa đi vừa nghĩ thầm: “Chỉ có người như Long tỉ tỉ mới xứng đáng lấy được chàng mà thôi”.
Chữ “chàng” hiển nhiên là nói đến Thần Điêu đại hiệp Dương Quá. Cô gái lỏng dây cương, cứ để cho con lừa tự ý, thẳng đường lên núi. Một lúc lâu sau, cô lại lẩm bẩm: “hoan lạc thú, ly biệt khổ, tựu trung cánh hữu si nhi nữ. Quân ứng hữu ngữ, diểu vạn lý tằng vân, thiên sơn mộ tuyết, chích ảnh hướng thùy khứ?”
Gặp nhau lòng những vui vầy,
Xa nhau dạ những luống đầy khổ đau.
Cõi tình mê đắm ai đâu?
Chim kia thiếu bạn tiếng sầu lẻ loi.
Từng mây muôn dặm xa xôi,
Núi cao tuyết trắng nơi nơi cũng là.
Một mình cô tịch gần xa,
Trăm năm bến cũ biết là về đâu?
Cô gái lưng đeo đoản kiếm, sắc mặt có nhuốm đôi chút phong trần, hiển nhiên đã viễn du lâu ngày. Gương mặt xinh tươi, đang ở vào tuổi vô tư lự, nhưng sao dung nhan như có gì muộn phiền, đầu mày cuối mắt không thể che dấu được.
Nàng họ Quách, tên chỉ có một chữ Tương, chính là con thứ của đại hiệp Quách Tĩnh và nữ hiệp Hoàng Dung, còn có ngoại hiệu là Tiểu Đông Tà. Nàng một lừa, một kiếm, lang thang một mình, những tưởng phiền muộn trong lòng vơi đi, ai ngờ sầu lại thêm sầu, nơi danh sơn lẻ bóng lại càng hiu quạnh.
Núi Thiếu Thất thuộc tỉnh Hà Nam cũng khá cao, đường lên núi là những bậc thang bằng đá rộng rãi, qui mô lớn lao, công trình không phải nhỏ, là do vua Đường Thái Tông đến thăm chùa Thiếu Lâm mà bỏ ra tạo dựng, dài cả thảy tám dặm. Quách Tương cưỡi lừa uể oải trèo lên, thấy trước mặt từ ngọn trên núi ào ào đổ xuống năm dòng thác tung tóe như ngọc, lại nhìn những ngọn núi khác chỉ nhỏ như đàn kiến. Theo đường sơn đạo chuyển vào một khúc quanh, thì thấy một tòa tự viện tường vàng ngói xanh.
Nàng đứng ngắm dãy chùa một hồi, nghĩ thầm: “Thiếu Lâm tự vốn là nguồn gốc võ học của thiên hạ, nhưng sao hai kỳ luận kiếm Hoa Sơn, trong số ngũ tuyệt không thấy cao tăng nào của chùa Thiếu Lâm cả? Không lẽ hòa thượng trong chùa không tài cán gì, sợ mất uy danh, nên không dám phó hội? Hay là tăng lữ tu hành tinh thâm, không còn tham luyến hư danh, võ công tuy cao, nhưng không muốn tranh cường đổ thắng với người ngoài?”.
Nàng xuống lừa, lững thững đến trước cửa chùa, chỉ thấy cây cối rậm rạp, bóng râm che phủ một khu rừng bia. Bia đá quá nửa đã bị hủy phá, nét chữ mơ hồ, không biết viết những gì. Nàng nghĩ thầm: “Chữ khắc sâu trên đá, theo năm tháng cũng mòn, thế nhưng sao những gì khắc trong tim ta, thời gian càng lâu càng sâu đậm?”.
Chợt thấy một tấm bia lớn khắc việc Đường Thái Tông ban cho chùa Thiếu Lâm ngự trát, khen tăng nhân về việc lập công trừ loạn. Trong bia nói là khi Đường Thái Tông còn là Tần Vương, đem binh đánh Vương Thế Sung, hòa thượng chùa Thiếu Lâm đầu quân, xuất sắc nhất có cả thảy mười ba người. Trong số đó chỉ có Đàm Tông nhận phong làm Đại Tướng Quân, còn mười hai người còn lại không muốn làm quan, Đường Thái Tông ban cho mỗi người một áo cà sa bằng lụa tía. Nàng tưởng tượng ngay từ thời Tùy Đường mà võ công chùa Thiếu Lâm đã danh vang thiên hạ, mấy trăm năm nay lại càng thêm tinh xảo, không biết trong chùa có bao nhiêu ngọa hổ tàng long.
Quách Tương từ khi chia tay với vợ chồng Dương Quá, Tiểu Long Nữ ở trên đỉnh Hoa Sơn tới giờ đã ba năm không nghe chút tin tức gì của hai người. Trong lòng mong nhớ, nàng thưa với cha mẹ, nói là muốn đi ngao du sơn thủy, nhưng thực ra là để nghe ngóng tin tức của Dương Quá. Nàng thực tâm cũng chẳng cần phải gặp mặt cặp vợ chồng này, chỉ cần nghe tin họ hành hiệp ra sao cũng đã thỏa mãn. Thế nhưng từ khi từ biệt, hai người không lộ diện giang hồ, chẳng biết ẩn cư nơi nào. Thành thử Quách Tương đi từ bắc xuống nam, lại từ đông sang tây, tưởng chừng đã đặt chân quá nửa đất trung nguyên, thủy chung vẫn không nghe thấy ai nói đến Thần Điêu đại hiệp Dương Quá cả.
Một hôm nàng đến đất Hà Nam, chợt nhớ ra chùa Thiếu Lâm có một nhà sư tên Vô Sắc là bạn thân của Dương Quá, hồi mình sinh nhật mười sáu tuổi, nể mặt họ Dương nên ông đã sai người đem tặng một món quà. Tuy chưa bao giờ gặp mặt nhà sư này nhưng cũng nên lên hỏi thử một câu, biết đâu ông ta lại rõ tung tích của hai người. Vì thế Quách Tương mới lên chùa Thiếu Lâm.
Đang lúc xuất thần, bỗng nghe thấy từ chòm cây bên cạnh rừng bia truyền ra tiếng leng keng, loảng xoảng và tiếng người niệm kinh Phật:
Thị thời Dược Xoa cộng vương lập yếu, tức ư vô lượng bách thiên vạn ức đại chúng chi trung, thuyết thắng diệu già tha viết: do ái cố sinh ưu, do ái cố sinh bố; nhược li ư ái giả, vô ưu diệc vô bố ...[1]
(Khi đó Thế Tôn đứng giữa thiên vạn ức người mà giảng rằng: Vì yêu mà sinh ra buồn phiền, vì yêu mà sinh ra sợ hãi, nếu như dứt được yêu, chẳng buồn cũng chẳng sợ ...)
Quách Tương nghe bốn chữ kệ đó, bỗng thấy ngơ ngẩn, trong lòng cũng nhẩm theo: "do ái cố sinh ưu, do ái cố sinh bố; nhược li ư ái giả, vô ưu diệc vô bố". Chỉ nghe thấy tiếng loảng xoảng cùng tiếng tụng kinh xa dần.
Quách Tương cúi đầu : “Để ta hỏi ông ta làm cách nào có thể thoát khỏi tình yêu, làm cách nào để không buồn không sợ?”.
Thuận tay nàng buộc lừa vào một gốc cây, vạch lùm cây đuổi theo. Chỉ thấy đằng sau tàn cây là một đường mòn lên núi, có một tăng nhân gánh một đôi thùng lớn, đang đi chầm chậm. Quách Tương rảo bước chạy theo, đến cách nhà sư chừng bảy, tám trượng, bỗng giật mình. Chỉ thấy người đó gánh một đôi thùng sắt lớn, so với thùng gánh nước thường phải hơn gấp đôi, vậy mà trên cổ, cánh tay, cẳng chân còn quấn quít đầy xích lớn, mỗi khi đi đứng tiếng kêu loảng xoảng. Hai chiếc thùng không cũng đã đến hơn hai trăm cân, trong lại đầy nước, phải nặng đến kinh người. Quách Tương kêu lên:
- Đại hòa thượng, xin dừng chân, tiểu nữ có điều muốn thỉnh giáo.
Nhà sư đó quay đầu lại, hai người nhìn nhau, đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Hóa ra vị hòa thượng đó là Giác Viễn, ba năm trước, hai người đã gặp nhau tại đỉnh Hoa Sơn. Quách Tương biết ông ta tuy tính hơi cổ hủ nhưng nội công tinh thâm, không kém bất cứ cao thủ nào hiện thời, nên nói:
- Tưởng ai hóa ra là Giác Viễn đại sư. Tại sao ông lại ra nông nỗi này?
Giác Viễn khẽ gật đầu, mỉm cười, chắp tay hành lễ, nhưng không trả lời, quay mình bước đi. Quách Tương vội gọi:
- Giác Viễn đại sư, ông không nhận ra tôi sao? Tôi là Quách Tương đây mà!
Giác Viễn quay lại mỉm cười, khẽ gật đầu nhưng không ngừng bước. Quách Tương lại hỏi:
- Ai lấy xích buộc ông vậy? Sao lại hành hạ ông như thế?
Giác Viễn đưa tay trái ra sau đầu xua xua mấy cái, như ám chỉ cô ta đừng hỏi nhiều.
Quách Tương thấy chuyện kỳ quái, lẽ nào không tìm cho ra đầu đuôi? Lập tức cất bước đuổi theo, tính sẽ chặn trước mặt nhà sư. Nào ngờ Giác Viễn tuy toàn thân đầy xích, lại gánh đôi thùng sắt, vậy mà dẫu Quách Tương hết sức chạy, thủy chung vẫn không vượt qua được ông ta. Tính trẻ con của cô gái nổi lên, thi triển khinh công gia truyền, hai chân nhún một cái, người bay vọt lên, vươn tay chụp vào thùng nước. Mắt trông tưởng ra tay ắt sẽ trúng, nào ngờ vẫn còn cách đến hai tấc. Quách Tương kêu lên:
- Đại hòa thượng giỏi thật, nhất định tôi phải đuổi kịp ông mới thôi.
Chỉ thấy Giác Viễn rảo bước đi, tiếng xích sắt leng keng như tiếng nhạc, mỗi lúc một xa về phía sau núi.
Quách Tương đuổi theo một lúc hơi thở đã dồn dập, thế nhưng vẫn cách ông ta đến hơn một trượng, trong lòng không khỏi bội phục: “Cha mẹ ta lúc ở trên núi Hoa Sơn, đã từng nói là vị hòa thượng này võ công cực cao, lúc đó ta không tin, đến nay thử một chuyến, thấy lời hai ông bà quả thật không sai”.
Chỉ thấy Giác Viễn quẹo vào đằng sau một ngôi nhà nhỏ, đổ hai thùng nước vào trong một miệng giếng. Quách Tương hết sức kỳ quái, kêu lên:
- Đại hòa thượng, ông không điên đấy chứ? Đổ nước vào trong giếng để làm gì thế?
Giác Viễn thần sắc bình hòa, lắc đầu. Quách Tương chợt hiểu ra, cười:
- À, hóa ra ông đang luyện một môn nội công rất cao thâm.
Giác Viễn lại lắc đầu lần nữa. Quách Tương hơi bực mình, nói:
- Rõ ràng tôi nghe ông tụng kinh, tức không bị câm, sao bây giờ không trả lời tôi?
Giác Viễn chắp tay chào, vẻ mặt hơi sượng sùng, không đáp lời, quảy đôi thùng đi xuống chân núi. Quách Tương thò đầu nhìn vào trong giếng, chỉ thấy nước trong vắt, không thấy điểm gì đặc biệt, ngẩn ngơ nhìn theo lưng Giác Viễn, lòng đầy nghi hoặc.
Cô ta đuổi theo một hồi thấy đã hơi mệt nên ngồi xuống thành giếng, quan sát phong cảnh bốn bề. Nơi đó cao hơn những tòa nhà trong chùa Thiếu Lâm, nhưng thấy núi Thiếu Thất vươn thẳng lên trời, trải ra như một bức bình phong, bên dưới khói tỏa lung linh, tiếng chuông theo gió vang lại, khiến bao nhiêu nỗi phiền tục bay đi cả. Quách Tương thầm nghĩ: “Người đệ tử của ông hòa thượng này đi đâu, nếu ông ta không nói, ta đi hỏi thiếu niên này vậy”.
Nghĩ vậy cất bước hạ sơn, định đi kiếm đệ tử của Giác Viễn là Trương Quân Bảo hỏi cho ra lẽ. Đi được một quãng, lại nghe tiếng xích leng keng, Giác Viễn lại gánh nước đi tới. Quách Tương lẻn ra sau một gốc cây, nghĩ thầm:” Để ta rình xem ông ta định làm trò quỉ quái gì”.
Tiếng xích sắt tới gần, chỉ thấy Giác Viễn gánh đôi thùng sắt, tay cầm một quyển sách, chú tâm vào đọc. Quách Tương đợi ông ta đến gần bên, hết sức nhảy vọt ra, kêu lên:
- Đại hòa thượng, ông đọc sách gì thế?
Giác Viễn thất thanh kêu lên:
- Ôi chà, làm tôi hết hồn, hóa ra là cô.
Quách Tương cười:
- Tưởng ông giả câm, sao bây giờ lại nói được?
Giác Viễn hơi có vẻ sợ hãi, nhìn quanh một lượt, xua tay. Quách Tương hỏi:
- Ông sợ cái gì?
Giác Viễn chưa kịp trả lời, đột nhiên từ trong rừng cây có hai nhà sư mặc áo màu xám tro bước ra, một cao một lùn. Nhà sư cao gầy quát:
- Giác Viễn không giữ giới pháp, dám tự tiện mở mồm nói chuyện với người ngoài chùa, nhất là lại nói chuyện với một thiếu nữ trẻ tuổi? Mau đi gặp thủ tọa giới luật đường.
Giác Viễn lủi thủi, chỉ gật đầu, đi theo hai tăng nhân nọ.
Quách Tương vừa tức, vừa giận, lớn tiếng hỏi:
- Trên đời này sao lại có lề luật đâu cấm người ta nói chuyện bao giờ? Tôi quen biết vị đại sư này, tôi nói chuyện với ông ta, việc gì đến các ông?
Nhà sư cao gầy trừng mắt nhìn, nói:
- Từ một nghìn năm nay, chùa Thiếu Lâm không cho phép nữ lưu bước chân vào. Mời cô nương xuống núi, đừng để chúng tôi phải làm phiền.
Quách Tương nổi giận:
- Nữ lưu thì đã sao? Đàn bà con gái không phải người à? Các ngươi tại sao làm khó dễ vị Giác Viễn đại sư này? Đã lấy xiềng xích trói người ta, lại còn không cho người ta nói chuyện?
Nhà sư đó cười nhạt:
- Việc của bản tự, đến hoàng đế cũng chẳng can thiệp được. Không dám để cô nương phải nhọc lòng hỏi đến.
Quách Tương càng giận hơn:
- Vị đại sư này là người thực thà trung hậu, thấy người ta hiền lành, các ngươi hiếp đáp. Hừ hừ, Thiên Minh thiền sư đâu? Vô Sắc, Vô Tướng hòa thượng đâu? Các ngươi đi gọi họ ra đây để ta hỏi họ xem thế là thế nào?
Hai nhà sư nọ nghe thấy thế đều giật mình. Thiên Minh thiền sư là phương trượng của chùa, Vô Sắc thiền sư là thủ tọa La Hán đường, còn Vô Tướng thiền sư là thủ tọa Đạt Ma đường. Ba người địa vị tôn quí nên tăng lữ trong chùa trước nay chỉ gọi là lão phương trượng, thủ tọa La Hán đường và thủ tọa Đạt Ma đường, chứ không dám gọi bằng pháp danh. Ngờ đâu một cô gái trẻ tuổi lại dám lên núi hô hoán thẳng tên như thế.
Hai tăng nhân này đều là đệ tử của thủ tọa giới luật đường, được lệnh tọa sư sai đi giám thị Giác Viễn. Nghe thấy Quách Tương ăn nói không kiêng nể gì ai, nhà sư cao gầy quát:
- Nữ thí chủ nếu còn làm rộn chốn Phật môn thanh tịnh thì đừng trách tiểu tăng vô lễ.
Quách Tương nói:
- Bộ tưởng ta sợ sư sãi các ngươi hay sao? Mau mau tháo dây xích xiềng trói Giác Viễn đại sư ra thì ta để yên, nếu không ta sẽ lôi Thiên Minh lão hòa thượng ra hỏi đấy.
Nhà sư lùn nghe thấy Quách Tương ăn nói lếu láo, bên hông lại đeo đoản kiếm, nên gằn giọng:
- Cô tháo binh khí để lại, chúng tôi không cãi lý với cô, mau xuống núi đi.
Quách Tương tháo đoản kiếm ra, hai tây nâng lên cười nhạt:
- Hay lắm, xin tuân lệnh tôn đài.
Gã sư lùn từ nhỏ xuất gia, trước nay nghe sư bá, sư thúc, sư huynh đều nói là Thiếu Lâm tự là nguồn gốc chung của võ học, lại nghe là dù thanh vọng lớn đến thế nào chăng nữa, võ lâm cao thủ tài ba đến mấy chăng nữa, cũng không ai dám đeo binh khí tiến vào trong chùa Thiếu Lâm. Cô gái trẻ tuổi này tuy chưa bước chân vào cổng chùa, nhưng cũng đã thuộc phạm vi của Thiếu Lâm, hẳn là cô ta cũng sợ nên líu ríu giao đoản kiếm. Nghĩ thế nên y đưa tay nhận kiếm. Tay gã vừa chạm vào bao kiếm bỗng thấy cánh tay chấn động như bị điện giật. Một luồng sức mạnh từ đoản kiếm truyền lên, hất về phía sau, chân đứng không vững khiến gã ngã bổ chửng. Gã đang đứng tại triền núi dốc, bị ngã liền lộc cộc lăn xuống mấy trượng, may cố gượng mới dừng lại được.
Nhà sư cao gầy vừa tức vừa sợ, quát:
- Ngươi ăn tim sư tử, uống mật báo hay sao mà dám tới Thiếu Lâm tự gây rối hả?
Y xoay người lại, tiến lên một bước, tay phải tung ra một chưởng, tay trái cũng đi theo đè lên tay phải, hai tay cùng đánh ra, chính là thế thứ hai mươi tám trong “Sấn Thiếu Lâm” Phiên Thân Phách Kích.
Quách Tương tay cầm cán kiếm, dùng cả kiếm lẫn bao nhằm vai gã điểm tới. Nhà sư hạ vai xuống phản kích, vươn tay chộp lấy bao kiếm. Giác Viễn đứng bên thấy thế hoảng hốt kêu lên:
- Xin đừng động thủ, đừng động thủ! Hãy từ từ nói chuyện phải quấy.
Lúc đó tăng nhân đã nắm được bao, đang định vận kình đoạt kiếm, chỉ thấy lòng bàn tay bị chấn động, hai cổ tay hơi tê đi, kêu lên một tiếng: “Hỏng rồi”, Quách Tương chân trái đã quét ngang, đá y văng xuống sườn núi.
Y bị đòn so với gã sư lùn nặng hơn nhiều, lăn xuống, trên đầu, trên mặt bị va vào đá máu chảy lênh láng, mãi mới ngừng lại được. Quách Tương nghĩ thầm: “Ta lên chùa Thiếu Lâm vốn chỉ muốn dò hỏi tin tức đại ca, vô cớ cùng bọn họ động thủ, xem ra không ổn rồi”.
Liếc mắt thấy Giác Viễn mặt mày buồn thiu đứng tại bên cạnh, nên rút đoản kiếm ra, chặt những xích buộc ở tay ông ta. Tuy đoản kiếm đó không phải là vật hi hữu, quí báu, nhưng cũng là một loại binh khí rất sắc bén, chỉ nghe loảng xoảng mấy tiếng, dây xích đã đứt thành ba khúc. Giác Viễn luôn mồm kêu:
- Không được đâu! Không được đâu!
Quách Tương hỏi lại:
- Cái gì mà không được?
Rồi chỉ tay về phía hai tăng nhân cao lùn đang chạy vào chùa mà nói:
- Hai tên ác hòa thượng đó hẳn là vào chùa phi báo, mình phải chạy ngay. Đồ đệ họ Trương của ông đâu? Dắt cậu ta theo với.
Giác Viễn chỉ xua tay. Bỗng phía sau có tiếng người nói:
- Đa tạ cô nương quan tâm, tôi đang ở đây.
Quách Tương quay lại, thấy đằng sau lưng một thiếu niên chừng mười sáu, mười bảy tuổi, mày rậm mắt to, thân thể cao lớn, nhưng mặt vẫn còn trẻ con, chính là Trương Quân Bảo, người ba năm trước đã gặp trên núi Hoa Sơn. So với bây giờ, cậu ta đã cao lớn hơn nhiều, nhưng dung mạo không thay đổi mấy. Quách Tương mừng quá, vội nói:
- Bọn ác hòa thượng ở đây chèn ép sư phụ ngươi, mình nên chạy ngay đi.
Trương Quân Bảo lắc đầu:
- Không ai chèn ép sư phụ tôi đâu.
Quách Tương chỉ Giác Viễn:
- Hai gã ác hòa thượng đó lấy xích buộc sư phụ ngươi, lại một câu cũng không cho nói, chẳng chèn ép thì là gì?
Giác Viễn nhăn nhó lắc đầu, chỉ xuống chân núi, ý muốn Quách Tương mau mau thoát thân, đừng để bị rắc rối. Quách Tương biết rằng trong chùa Thiếu Lâm số người võ công cao hơn nàng không biết bao nhiêu, nhưng thấy việc bất bình trước mắt, không thể xuôi tay bỏ qua; lại ngại cao thủ trong chùa chạy ra ngăn trở, nên một tay nắm Giác Viễn, một tay nắm Trương Quân Bảo, dậm chân nói:
- Chạy mau, chạy mau, có chuyện gì xuống núi đã rồi hãy nói cũng được.
Hai người chỉ đứng yên không trả lời. Bỗng thấy cửa chùa ở triền núi bên dưới chạy ra bảy tám tăng nhân, tay cầm tề mi đại côn, kêu lên:
- Con nhỏ mất dạy nào dám đến chùa Thiếu Lâm mà phá phách?
Trương Quân Bảo đưa tay làm loa kêu lớn:
- Các vị sư huynh không được vô lễ, đây là...
Quách Tương hoảng hốt:
- Đừng nói tên tôi ra.
Nàng nghĩ chuyện ngày hôm nay xem chừng không nhỏ, thể nào rồi cũng đồn ra đến tai cha mẹ, nên thêm một câu:
- Bọn mình nên theo đường núi chạy ngay, tuyệt đối đừng đề cập đến tên cha mẹ, bạn bè tôi.
Chỉ nghe thấy sườn núi phía sau cũng có tiếng người la ó, lại thêm bảy tám nhà sư nữa chạy ra. Quách Tương thấy trước sau đều có sư bao vây, nhíu mày, trách:
- Các ngươi cứ lừng chà lừng chừng, không có chút khí phách gì của nam nhi, chạy hay không nào?
Trương Quân Bảo nói:
- Sư phụ, cô nương đây có lòng tốt...
Ngay lúc đó, cửa chùa bên dưới lại ra thêm bốn nhà sư áo vàng, phấp phới chạy thẳng lên, tay không cầm binh khí nhưng thân pháp nhanh nhẹn, gió thổi vào áo phần phật, xem ra võ công không phải tầm thường. Quách Tương thấy tình thế như vậy, xem chừng chạy thoát thân một mình cũng không xong, nên ngưng khí đứng yên, chờ xem chuyện gì xảy ra. Nhà sư chạy đầu đến cách cô ta chừng bốn trượng, lớn tiếng nói:
- Thủ tọa La Hán đường sư tôn truyền rằng, người đến chùa mau bỏ binh khí, xuống lều tranh dưới núi nói rõ sự tình, để nghe pháp dụ.
Quách Tương cười nhạt:
- Gớm, các đại hòa thượng chùa Thiếu Lâm quan cách quá, nghe thật lọt tai. Xin hỏi các đại hòa thượng là quan của hoàng đế Đại Tống, hay là quan của hoàng đế Mông Cổ đấy?
Khi đó đất đai phía bắc sông Hoài không còn thuộc về nhà Đại Tống nữa, khu vực chùa Thiếu Lâm cũng đã thuộc về Mông Cổ từ lâu. Thế nhưng quân Mông nhiều năm qua còn bận công thành Tương Dương chưa được, phải lo điều binh khiển tướng không hơi sức đâu mà lo chuyện chùa chiền, nên chùa Thiếu Lâm mọi sự vẫn y như ngày trước.
Gã tăng nhân nghe Quách Tương mỉa mai thật là chua cay, nên không khỏi đỏ mặt, cảm thấy đối với người ngoài mà truyền dụ như vậy quả không ổn, nên chắp tay nói:
- Không biết nữ thí chủ có chuyện gì mà quang lâm tệ tự, xin để binh nhận, mời xuống vi đình dưới chân núi uống trà nói chuyện.
Quách Tương thấy y đổi giọng hòa nhã, nên cũng muốn làm hòa, nên nói:
- Các ông không cho tôi vào chùa thì thôi. Hừ, hay là trong chùa có báu vật, tôi trông thấy sẽ được thơm lây chăng?
Nói rồi liếc nhìn Trương Quân Bảo, nói nhỏ:
- Có chạy hay không thì bảo?
Trương Quân Bảo lắc đầu, nhếch mép về phía Giác Viễn, ý nói muốn ở lại hầu hạ sư phụ. Quách Tương lớn tiếng nói:
- Thế thì thôi ta không lo cho nữa, ta đi đây.
Nói rồi rảo bước chạy xuống núi.
Nhà sư áo vàng đi đầu né sang nhường lối. Người thứ hai và người thứ ba giơ tay ngăn lại, cùng nói:
- Hãy khoan, để binh khí lại.
Quách Tương nhướng mày, tay để lên cán kiếm. Nhà sư thứ nhất nói:
- Chúng tôi không dám giữ binh nhận của nữ thí chủ đâu. Khi xuống đến chân núi, chúng tôi lập tức đem bảo kiếm giao lại. Đây là qui củ của chùa Thiếu Lâm hàng nghìn năm nay, xin lượng thứ cho.
Quách Tương nghe y ăn nói lễ độ, trong lòng thầm tính: “Nếu như mình không để kiếm lại, thế tất phải đánh nhau, ta chỉ có một mình, đâu phải là địch thủ của tăng chúng chùa Thiếu Lâm. Thế nhưng nếu để kiếm lại, chẳng há đem thể diện ông ngoại, cha mẹ, đại ca ca, Long tỉ tỉ bỏ đi sao?”.
Nàng còn đang trù trừ chưa quyết, chỉ thấy trước mắt một bóng vàng thấp thoáng, một người thét:
- Đã đeo kiếm đến chùa Thiếu Lâm, lại đả thương người, trên đời này đâu có lý nào như thế.
Kình phong xô tới, năm ngón tay đã chộp lấy bao kiếm. Giá như tăng nhân đó để yên không ra tay, Quách Tương thấy trước mắt tình thế bất lợi, ắt sẽ tạm nhịn cái khí nhất thời, sau sẽ cùng với ông ngoại, cha mẹ bàn luận rồi quay lại tính chuyện. Thế nhưng đối phương đột nhiên ỷ mạnh, chẳng lẽ để y khơi khơi đoạt kiếm sao?
Cầm nã thủ pháp của nhà sư đó quả thực xảo diệu, vừa nắm được bao kiếm, nghĩ là thể nào Quách Tương cũng giựt lại, một hòa thượng cùng một cô gái co co kéo kéo, trông rất bất nhã, nên y vận kình đẩy sang bên trái, thuận thế lại kéo về bên phải. Quách Tương bị y vừa nắm vừa đẩy như thế quả nhiên không cưỡng lại được phải lỏng tay ra, vội chụp lấy cán kiếm, chỉ soẹt một tiếng, hàn quang lấp lánh. Tăng nhân nọ tay phải tuy cầm được bao kiếm nhưng hai ngón tay trái đã bị đoản kiếm thuận thế cắt đứt, đau quá phải ném bao kiếm, lui sang một bên.
Chúng tăng nhân thấy đồng môn bị thương, vừa kinh vừa giận, múa trượng giơ côn cùng xông lại. Quách Tương nghĩ thầm: “Thôi thì đến đâu thì đến, hôm nay chuyện xem không xong rồi”. Nghĩ rồi sử dụng tài nghệ gia truyền “Lạc Anh kiếm pháp”, vừa múa vừa xông xuống chân núi. Các nhà sư xếp thành ba vòng, chia nhau đỡ gạt.
Lạc Anh kiếm pháp vốn do Hoàng Dược Sư theo Lạc Anh chưởng pháp mà chế ra, tuy không tinh diệu bằng Ngọc Tiêu kiếm pháp, nhưng cũng là một tuyệt kỹ của đảo Đào Hoa. Chỉ thấy ánh xanh lấp loáng, kiếm hoa từng điểm, như phất phới đang rơi khắp bốn bề. Trong chốc lát đã có hai tăng nhân bị thương. Thế nhưng phía sau lại có mấy nhà sư xông lên, thế từ cao đánh xuống. Nếu theo lý thì Quách Tương không thể nào đương cự nổi, nhưng tăng chúng Thiếu Lâm lấy từ bi làm gốc, không muốn hại đến tính mệnh cô ta, chiêu số đánh ra không dùng sát thủ, chỉ cốt đánh ngã, dạy dỗ một phen, giữ binh khí lại, đuổi xuống chân núi. Thế nhưng Quách Tương kiếm quang mù mịt, không dễ gì tới được gần.
Lúc đầu tăng chúng nghĩ rằng cô gái tuổi còn trẻ, nên coi thường. Đến lúc thấy kiếm pháp tinh kỳ, biết là không thuộc giòng giõi danh môn cũng là đồ đệ danh sư, không nên đắc tội, phải ra chiêu dè dặt, một mặt cấp báo cho thủ tọa La Hán đường Vô Sắc thiền sư.
Đang lúc đó, một vị sư già thân thể cao gầy chầm chậm đi tới, hai tay luồn trong tay áo, mỉm cười xem hai bên giao đấu. Hai tăng nhân chạy đến trước mặt ông ta, nói khẽ vài câu. Quách Tương lúc này đã thở hồng hộc, kiếm pháp lăng loạn, kêu lớn:
- Vậy mà dám gọi là nguồn gốc võ công thiên hạ, hóa ra hơn một chục hòa thượng vây đánh một người, lấy đông thắng ít.
Vị lão tăng đó chính là thủ tọa La Hán đường Vô Sắc thiền sư, nghe vậy, liền nói:
- Mọi người dừng tay!
Những nhà sư nghe thế vội ngưng lại nhảy ra ngoài. Vô Sắc thiền sư nói:
- Cô nương tên họ là gì, lệnh tôn và lệnh sư là ai? Đến chùa Thiếu Lâm chẳng hay có chuyện gì thế?
Quách Tương nghĩ thầm “Ta không nên nói tên họ cha mẹ cho ông ta biết. Việc ta đến chùa Thiếu Lâm để thăm hỏi tin tức của đại ca cũng không thể nói ra cho mọi người nghe được. Mình đã gây rắc rối thế này, cha mẹ và đại ca biết được thể nào cũng rầy rà, chi bằng mình cứ lặng thinh là hơn. “ Vì thế nàng đáp:
- Tên họ tôi không thể cho ông biết được, chẳng qua tôi thấy trên núi phong cảnh đẹp đẽ, nên lên ngắm cảnh đấy thôi. Nào ngờ chùa Thiếu Lâm so với nội viện hoàng cung còn khó khăn hơn, chẳng làm gì cũng đòi giữ binh khí người ta lại. Xin hỏi đại sư, tôi đã bước chân vào cổng chùa chưa? Ngày trước Đạt Ma tổ sư truyền võ nghệ, chẳng qua cũng chỉ để cho tăng chúng thân thể khỏe mạnh, khiến việc tu hành cho tinh tiến, nào hay danh tiếng càng to, võ công càng cao, thì cái việc cậy đông cậy mạnh lại càng lớn. Hay lắm, nếu các ông muốn giữ binh khí của tôi, thì tôi để lại, trừ phi giết tôi đi, chứ việc hôm nay đừng tưởng trên giang hồ không ai biết đến.
Cô ta bản chất nhanh mồm khéo miệng, việc này lại không phải hoàn toàn lỗi ở nàng, chỉ một câu khiến Vô Sắc thiền sư cứng họng không trả lời được. Quách Tương nhìn mặt đặt tên, nghĩ thầm: “Việc quấy phá này chính ta mới là người sợ lộ ra ngoài, nhưng xem ra Thiếu Lâm tự còn ngại hơn. Hơn một chục hòa thượng vây đánh một cô gái trẻ tuổi, nghe có gì là hay ho?”. Nghĩ thế bèn hứ một tiếng, ném đoản kiếm xuống đất, quay mình bước đi.
Vô Sắc thiền sư lạng người tiến lên, phất tay áo một cái đã cuộn được thanh kiếm, hai tay cầm lấy lưỡi kiếm, nói:
- Cô nương nếu không nể tình thầy trò chúng tôi, thanh bảo kiếm này xin cầm lại. Lão nạp cung kính tiễn cô xuống núi.
Quách Tương nghe vậy cười đáp:
- Xem ra lão hòa thượng thông đạt tình lý, thế mới gọi là phong phạm của bậc danh gia.
Cô ta thấy mình được thế nên thuận mồm khen Vô Sắc một câu, rồi thò tay nhắc kiếm, bỗng thấy giật mình. Nguyên lai lòng bàn tay đối phương sinh ra một hấp lực, tuy cô ta đã cầm được cán kiếm nhưng không sao nâng lên được. Nàng ra sức vận kình ba lần nhưng vẫn không sao lấy được đoản kiếm, bèn nói:
- Hay nhỉ, ông định khoe công phu chăng.
Đột nhiên tay trái vung ra, nhẹ nhàng hướng vào hai huyệt Thiên Đỉnh, Cự Cốt ở bên trái cổ ông ta phất tới. Vô Sắc kinh hãi, né người tránh, khí kình hơi lỏng ra nên Quách Tương thuận thế mà lấy được đoản kiếm.
Vô Sắc nói:
- Công phu Lan Hoa Phất Huyệt Thủ hay thực. Chẳng hay cô xưng hô Đào Hoa đảo chủ như thế nào?
Quách Tương cười đáp:
- Đào Hoa đảo chủ ư? Tôi gọi ông ta là Lão Đông Tà.
Đào Hoa đảo chủ Đông Tà Hoàng Dược Sư chính là ông ngoại của Quách Tương, tính tình khác người, trước nay vốn không câu nệ lễ phép, thường đùa cô cháu ngoại gọi là Tiểu Đông Tà, Quách Tương liền gọi lại ông ngoại là Lão Đông Tà, Hoàng Dược Sư không những không la rầy, còn tỏ ra hoan hỉ.
Vô Sắc lúc thiếu thời vốn là lục lâm, tuy đã nương thân cửa thiền mấy chục năm tu trì, Phật học uyên thâm, nhưng hào khí xưa vẫn chưa dứt, nếu không làm sao kết bạn được với Dương Quá? Thấy cô gái này không chịu khai sư thừa lai lịch, định thử một chuyến, nên lớn tiếng nói:
- Tiểu cô nương tiếp ta mười chiêu, để xem nhãn lực lão hòa thượng thế nào, có nói ra được môn phái của cô chăng?
Quách Tương hỏi lại:
- Nếu như mười chiêu mà không nhìn ra, thì ông tính sao?
Vô Sắc thiền sư lớn tiếng cả cười:
- Nếu như cô nương tiếp được lão nạp mười chiêu, thì cô muốn chuyện gì ta cũng nghe theo.
Quách Tương chỉ Giác Viễn:
- Tôi cùng vị đại sư này trước đây có duyên một lần gặp gỡ, nên muốn thay ông ta cầu chút tình. Nếu như mười chiêu mà ông không nói được sư phụ tôi là ai, chỉ xin ông đáp lời, đừng làm khó dễ vị đại sư này nữa.
Vô Sắc hết sức ngạc nhiên, nghĩ thầm Giác Viễn tính tình ngơ ngơ ngẩn ngẩn, mấy chục năm qua tại Tàng Kinh Các giữ sách, trước nay chưa từng cùng người ngoài giao thiệp, tại sao lại quen được với cô gái này? Bèn nói:
- Chúng tôi vốn đâu có làm khó dễ gì y. Tăng chúng trong chùa phạm giới luật, dù ai cũng vậy, cũng phải chịu phạt chứ đâu phải là làm khó dễ.
Quách Tương bĩu môi, cười:
- Hừ, nói qua nói lại, ông cũng đều né tránh cả.
Vô Sắc vỗ tay một cái, nói:
- Được rồi, theo lời cô. Nếu như lão nạp thua, sẽ thay sư đệ Giác Viễn gánh ba nghìn một trăm linh tám gánh nước. Cô nương lưu ý, ta xuất chiêu đây.
Khi đang nói chuyện, Quách Tương đã thầm tính trong lòng: "Lão hòa thượng này khí ngưng thần tĩnh, võ công cao cường, nếu như để ông ta xuất chiêu, ta ắt phải hết sức chống đỡ, không thể nào không lộ võ công của cha mẹ mình ra. Chi bằng ta chiếm tiên cơ, đánh ra mười chiêu liền”. Nghe ông ta vừa nói hai câu “Cô nương lưu ý, ta xuất chiêu đây” nên không đợi ông ta ra quyền cước, nghe vèo một tiếng đoản kiếm đã nhắm thẳng vào ngực đâm tới, sử dụng một chiêu trong Lạc Anh kiếm pháp của đảo Đào Hoa, tên là Vạn Tử Thiên Hồng, mũi kiếm đâm ra liên tiếp rung động, để cho đối thủ không biết công vào chỗ nào. Vô Sắc biết là lợi hại, không dám trả miếng, nên chỉ nghiêng mình tránh ra.
Quách Tương lại kêu: “Chiêu thứ hai này”, đoản kiếm quay lại, từ dưới đâm lên trên, chính là một chiêu trong kiếm pháp phái Toàn Chân tên là Thiên Thần Đảo Huyền. Vô Sắc nói:
- Hay lắm, đó là Toàn Chân kiếm pháp.
Quách Tương nói:
- Chưa hẳn thế đâu!
Đoản kiếm vừa đâm vào khoảng không, thấy Vô Sắc phản thủ vi công, đưa tay ra toan nắm lấy cổ tay mình, trong lòng hơi sợ: “Lão hòa thượng quả nhiên giỏi thực, trong khi kiếm chiêu hung hiểm như thế, vậy mà dám đưa tay không ra công kích”. Vừa thấy bàn tay ông ta đến trước mặt, đoản kiếm vội vàng vung lên mấy vòng, sử dụng chiêu Ác Cẩu Lan Lo[2]ä thuộc chữ Phong trong Đả Cẩu Bổng Pháp.
Cô ta từ nhỏ vẫn thường giao hảo với bang chủ tiền nhiệm Cái Bang là Lỗ Hữu Cước, cùng nhau uống rượu đánh đố, có khi còn cùng y tỉ thí võ nghệ. Tuy Cái Bang có qui củ, Đả Cẩu Bổng Pháp là thần kỹ trấn bang, không phải bang chủ không được truyền thụ, nhưng khi Lỗ Hữu Cước sử dụng, Quách Tương cũng học lóm được một chiêu nửa thức. Huống gì mẹ nàng Hoàng Dung là bang chủ tiền nhiệm, bang chủ hiện tại Gia Luật Tề là anh rể nàng, môn Đả Cẩu Bổng Pháp này nàng xem không biết bao nhiêu lần. Tuy không rõ quyết khiếu bên trong nhưng cứ nhái theo cách thức đánh ra, cũng làm cho người ta kinh hãi.
Ngón tay Vô Sắc vừa sắp chạm đến cổ tay nàng, bỗng thấy bạch quang lấp loáng, thế kiếm đâm tới hết sức thần diệu, năm ngón tay suýt bị chặt đứt, nhưng vì ông ta võ công trác tuyệt, biến chiêu thật nhanh, trong lúc nguy cấp nhảy lùi về sau hai bước, nhưng nghe soẹt soẹt, ống tay áo bên trái đã bị đoản kiếm cắt rách một đường dài. Vô Sắc thiền sư nhìn chỗ áo rách mà mặt mày biến sắc, lưng toát mồ hôi lạnh.
Quách Tương rất lấy làm đắc ý, cười hỏi:
- Cái đó là kiếm pháp gì thế?
Thực ra trong thiên hạ không có loại kiếm pháp đó, vốn nàng chỉ học lén được một thế Đả Cẩu Bổng Pháp, dùng lẫn vào trong, nhưng Đả Cẩu Bổng Pháp quá ư áo diệu, tuy nàng dùng chẳng đi đến đâu, nhưng cũng làm cho một vị cao tăng Thiếu Lâm danh tiếng lẫy lừng hết sức nghi hoặc, không biết phải đối đáp thế nào cho phải.
Quách Tương nghĩ thầm: “Ta chỉ cần sử dụng vài chiêu Đả Cẩu Bổng Pháp là thể nào cũng đánh bại được lão hòa thượng này, tiếc rằng ngoài thế này ra, ta không biết thêm thức nào nữa”.
Không đợi cho Vô Sắc nghỉ mệt, đoản kiếm lại vung lên nhẹ nhàng đâm tới, tư thái phiêu phiêu như tiên, mũi kiếm nhắm hạ bàn đối phương điểm liên tiếp mấy nhát, chính là một thế học trong Ngọc Nữ kiếm pháp của Tiểu Long Nữ tên là Tiểu Viên Nghệ Cúc (trồng cúc trong vườn nhỏ).
Ngọc Nữ kiếm pháp vốn do nữ hiệp Lâm Triêu Anh sáng tác, không những kiếm chiêu lăng lệ mà tư thế lại thoát tục, phong nhã, chúng tăng chưa nhìn thấy bao giờ, khiến vừa kinh hãi lại vừa vui mừng. Đạt Ma kiếm pháp, La Hán kiếm pháp của chùa Thiếu Lâm đều theo đường cương mãnh, còn Ngọc Nữ kiếm pháp đã rất ít xuất hiện trên giang hồ, bản chất so với kiếm pháp của Thiếu Lâm hoàn toàn tương phản. Thực ra nếu cứ kiếm pháp mà luận, vị tất đã thắng được các lộ kiếm thuật Thiếu Lâm, chỉ vì thoạt nhìn, trông hết sức đẹp mắt, chẳng khác gì trong kinh Phật viết là: dung nghi uyển mị, trang nghiêm hòa nhã, đoan chính khả hỉ, quan giả vô yếm (hình dung ẻo lả, trang nghiêm hòa nhã, đoan chính càng nhìn càng vui, xem không biết chán).
Vô Sắc thiền sư thấy kiếm thuật vừa tinh diệu, vừa mỹ lệ cũng muốn xem thêm thức khác, nên né mình tránh ra, chờ nàng đánh thêm. Bỗng Quách Tương đổi kiếm chiêu, chạy qua đông lại nhảy sang tây, liên tiếp đâm ra mấy nhát. Trương Quân Bảo đứng bên nhìn mà xuất thần, bỗng kêu “Ồ” một tiếng. Nguyên lai chiêu Quách Tương vừa sử dụng là chiêu Tứ Thông Bát Đạt, ba năm trước trên đỉnh núi Hoa Sơn, Dương Quá đã dạy cho Trương Quân Bảo, Quách Tương đứng ở bên cạnh xem, nay đem ra sử dụng. Thế nhưng lúc đó Dương Quá dạy Trương Quân Bảo là chưởng pháp, bây giờ Quách Tương lại biến thành kiếm pháp, tuy uy lực kém đi mấy phần, nhưng cũng rất tinh kỳ, khiến Vô Sắc trong lòng phải thầm kinh hãi.
Tính ra, Quách Tương đã sử dụng năm chiêu nhưng Vô Sắc chưa nhìn ra chút đầu mối nào. Khi còn trẻ, ông ta tung hoành giang hồ, lịch duyệt nhiều, mười mấy năm qua giữ chức thủ tọa La Hán đường, lại càng gia tâm nghiên cứu các nhà, các phái, so sánh võ công của chùa với bên ngoài, lấy trường bổ đoản, sửa lại những chỗ còn khiếm khuyết. Thành ra ông ta rất tự tin, nghĩ rằng dù cao nhân phương nào, chỉ cần vài chiêu là có thể nhìn ra lai lịch. Ông ta ước định với Quách Tương mười chiêu, là đã tính già lắm rồi. Nào ngờ cha mẹ, thầy bạn của Quách Tương đều là đệ nhất lưu cao thủ đương thời, chỉ cần sử dụng võ công mỗi người một chiêu, chỗ này một chút, chỗ kia một chút đã khiến cho Vô Sắc hoa cả mắt, rối cả trí, còn nói gì đến chuyện nói ra môn phái.
Khi tám thức, bốn đường kiếm của chiêu Tứ Thông Bát Đạt vừa chấm dứt, Vô Sắc nghĩ thầm: “Nếu như ta cứ để cho cô ta xuất chiêu, chỉ e rằng quái chiêu sẽ liên miên bất tuyệt, nói chi mười chiêu, đến một trăm chiêu chắc gì đã tìm ra manh mối. Chỉ có cách là ta tấn công mãnh liệt, cô ta không thể không giở võ công bản môn ra chống đỡ”.
Lập tức chuyển thân qua bên trái, tung ra một chiêu Song Quán Thủ, hổ khẩu hai nắm tay chầu vào nhau, vẽ thành một hình vòng, đánh thẳng vào.
Quách Tương thấy kình lực của ông ta rất mạnh, không dám chống đỡ, uốn mình một cái đã theo khoảng trống giữa hai cánh tay đối phương mà lọt ra ngoài. Trước đây cô đã từng thấy Anh Cô đấu với Dương Quá tại Hắc Long Đàm, thế yếu không chống nổi mạnh nên đã sử dụng Nê Thu Công (công phu con trạch ở trong bùn) để thoát thân, nay cũng theo như thế. Tuy thân pháp và công phu của cô không bằng Anh Cô, nhưng Vô Sắc thiền sư vốn không định tâm dùng sát thủ, nên để cho Quách Tương nhẹ nhàng thoát ra.
Vô Sắc cất tiếng khen:
- Thân pháp hay lắm, tiếp thử một chiêu nữa xem nào!
Tả chưởng xòe ra, cùi chỏ thu vào ngực, hổ khẩu hướng lên trời, chính là thế Hoàng Oanh Lạc Giá trong Thiếu Lâm quyền. Ông là võ học đại sư của chùa Thiếu Lâm, thân phận hai bên bất đồng, tuy sở học bác tạp hơn Quách Tương nhiều, nhưng mỗi chiêu, mỗi thức sử dụng đều thuần chính võ công bản môn. Thiếu Lâm quyền rất rộng lớn, thoạt xem bình thường không có gì lạ nhưng luyện đến chỗ tinh thâm, uy lực thật không biết đến chừng nào.
Bàn tay trái của ông vừa xòe ra, Quách Tương đã thấy thượng bán thân bị lọt vào trong chưởng lực, vội vàng xoay kiếm lại, dùng cán kiếm thay ngón tay, sử dụng một chiêu Nhất Dương Chỉ học lỏm được của Võ Tu Văn, dùng kình điểm ba huyệt Uyển Cốt, Dương Cốc, Dưỡng Lão trên cổ tay Vô Sắc. Thực ra công phu điểm huyệt Nhất Dương Chỉ nàng chỉ học được chút vỏ bên ngoài, rất là thô thiển. Thế nhưng một chỉ điểm ba huyệt chính là tinh yếu của công phu này.
Trước đây Nhất Dương Chỉ của Nhất Đăng đại sư vang danh thiên hạ, Vô Sắc thiền sư dĩ nhiên phải biết. Khi Quách Tương vừa xuất chiêu, ông kinh hãi, vội vàng rụt tay về. Kỳ thực, nếu như Vô Sắc cứ để yên cho Quách Tương điểm ba huyệt đạo, sẽ thấy ngay là Nhất Dương Chỉ của nàng là giả, nhưng trong lúc hai bên toàn lực tương đấu, ông đâu dám đem danh tiếng cả đời mình ra thử.
Quách Tương đắc ý cười:
- Đại hòa thượng cũng biết là lợi hại nhỉ?
Vô Sắc chỉ hừ một tiếng, đánh ra chiêu Đơn Phụng Triều Dương. Chiêu này hai tay mở rộng, giơ từ cao đánh xuống, kình lực ào ào tràn tới. Thanh đoản kiếm trong tay Quách Tương cầm không nổi tuột khỏi tay rơi xuống đất. Nàng biết là đối phương không nỡ ra tay hạ sát thủ, nên không kinh hoảng, song chưởng đan chéo vào nhau, dường như có dường như không, chính là lộ thứ năm mươi bốn có tên Diệu Thủ Không Không, trong bảy mươi hai đường Không Minh Quyền, kiệt tác đắc ý của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông.
Đường quyền này do Chu Bá Thông tự sáng tác, chưa lưu truyền trong giang hồ, nên tuy Vô Sắc kiến thức uyên bác nhưng cũng không biết đến. Ông liền vẽ song chưởng thành hình vòng cung, đánh ra chiêu Thiên Hoa Thất Tinh, nhanh như điện đã tràn tới bao phủ chưởng lực của Quách Tương. Nếu Quách Tương không dùng nội lực chống đỡ, tay sẽ bị bẻ quặt về sau, gãy thành hai đoạn. Thiên Hoa Thất Tinh là một chiêu cơ bản trong công phu Thiếu Lâm, trông tưởng chậm nhưng thật là nhanh, tưởng nhẹ nhưng thật là nặng. Chiêu này tuy là tư thức trong Sấm Thiếu Lâm nhưng ý kình nội lực lại từ tinh yếu trong Thần Hoa Thiếu Lâm mà ra.
Quách Tương thủ chưởng bị khống chế, nghĩ thầm: “Không lẽ ông dám đánh gãy xương tay ta ư?”.
Thuận thế giơ tay lên, dùng chiêu Thiết Bồ Phiến Thủ, lấy chưởng đối chưởng phản kích lại. Chiêu này nàng học của vợ Võ Tu Văn là Hoàn Nhan Bình, vốn do Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận truyền lại. Thiết Chưởng Công là võ công cương mãnh hạng nhất trong mọi môn phái, Vô Sắc thiền sư chuyên nghiên cứu chưởng pháp, lẽ nào không biết. Vừa thấy cô gái sử dụng chưởng pháp của Thiết Chưởng Bang, ông giật nảy mình, vội vàng thu chưởng lại, một là không muốn cô ta bị thương, hai là đối với Thiết Chưởng Công cũng có ba phần e ngại. Ông ta là người trung hậu, thấy Quách Tương mỗi chiêu mỗi thức đều đâu ra đấy, không nghĩ rằng một cô gái mới hai mươi tuổi đầu không thể nào học được nhiều như thế, nên nhảy lùi lại nửa trượng.
Quách Tương thản nhiên mỉm cười:
- Ra chiêu thứ mười đây, ông xem tôi ở môn phái nào?
Tay trái giơ lên, thân hình hơi chồm tới, tay phải luồn vào toan chộp lầy cằm của Vô Sắc. Vô Sắc cùng chúng tăng không nhịn được phải ngạc nhiên kêu ồ một tiếng. Chiêu đó có tên là Khổ Hải Hồi Đầu, chính là một chiêu trong La Hán Quyền của phái Thiếu Lâm chính tông, môn phái khác không có được. Dụng ý của chiêu này là tay trái ấn đầu đối phương, tay phải đỡ lấy cằm, vặn một cái, nặng ắt gãy cổ, nhẹ cũng trật khớp, là một chiêu sát thủ rất lợi hại. Vô Sắc thiền sư thấy cô ta giở một chiêu trong La Hán Quyền, thật chẳng khác nào múa búa trước cửa Lỗ Ban, đem Hiếu Kinh đọc cho Khổng Tử nghe, nghĩ vừa bực mình, vừa tức cười. Pho quyền pháp này ông đã thành thục từ mấy chục năm trước, luyện đã đến mức không còn phải suy nghĩ, ra chiêu là ra, dù có đang nằm ngủ cũng có thể giải được chiêu này. Ông nghiêng người bước qua một bên, tay trái đặt ngang mặt Quách Tương, vươn một cái đã nắm được vai phải, tay trái nhanh như chớp luồn ra sau cổ. Chiêu này tên là Hiệp Sơn Siêu Hải, là chiêu để giải thế Khổ Hải Hồi Đầu có một không hai, hai tay vừa ra là đã nâng ngang địch nhân lên khỏi mặt đất. Đúng ra thì Quách Tương có thể theo đó mà sử dụng thế Bàn Trửu, nắm ngược lại cùi chỏ đối phương để thoát thân, lại còn có thể chế ngự địch được nữa, nhưng Vô Sắc thiền sư phản công quá nhanh, chỉ trong chớp mắt, đã nhấc bổng nàng lên. Quách Tương hai chân rời khỏi mặt đất, còn thi triển công phu nào được, dĩ nhiên thua rồi.
Vô Sắc thiền sư thuận tay chế ngự Quách Tương nhưng bỗng giật mình: “Chao ôi! Ta chỉ mong thủ thắng, nhưng không nghĩ đến việc tìm ra sư thừa môn phái của cô ta. Trong mười chiêu, cô ta sử dụng mười môn quyền pháp khác nhau, biết gọi là môn phái nào? Không thể nói cô ta thuộc phái Thiếu Lâm”.
Quách Tương ra sức giãy dụa, la lối:
- Thả tôi ra!
Chỉ nghe một tiếng cạch, từ trong người cô một vật gì rơi ra. Quách Tương lại kêu tiếp:
- Lão hòa thượng, có buông tôi ra không nào?
Vô Sắc thiền sư coi chúng sinh bình đẳng, không nói gì nam nữ không phân biệt, mà cả đến ngựa bò heo chó, ông cũng coi như nhau, cười đáp:
- Tuổi tác lão nạp đáng ông nội của cô rồi còn ngại gì nữa?
Nói rồi hai tay nhẹ nhàng hất ra, ném Quách Tương ra ngoài hai trượng. Phen này động thủ, tuy Quách Tương bị khống chế nhưng trong mười chiêu Vô Sắc cũng không nhận ra được cô ta thuộc môn phái nào, đang toan mở lời nhận thua, vừa cúi đầu, bỗng thấy dưới đất cái gì đen sì, nhìn kỹ hóa ra hai pho tượng la hán bằng sắt.
Quách Tương vừa đặt chân chấm đất, hỏi liền:
- Lão hòa thượng, ông có nhận thua chưa?
Vô Sắc ngửng đầu lên, mặt mày tươi tỉnh, cười đáp:
- Tại sao ta lại thua? Ta biết lệnh tôn là đại hiệp Quách Tĩnh, lệnh đường là nữ hiệp Hoàng Dung. Đào Hoa đảo Hoàng đảo chủ là ông ngoại của cô. Phương danh Quách nhị tiểu thư, chỉ có một chữ Tương lấy từ hai chữ Tương Dương. Lệnh tôn học từ Giang Nam thất quái, Đào Hoa đảo chủ, Cửu Chỉ thần cái, và phái Toàn Chân. Quách nhị tiểu thư gia học uyên nguyên, thân thủ quả nhiên không giống người thường.
Ông nói một hồi khiến Quách Tương đứ người, trợn tròn đôi mắt, một hồi lâu không nói được câu nào, nghĩ thầm: “Lão hòa thượng này quả nhiên tà môn, ta đánh mười chiêu lung tung như thế mà ông ta vẫn nhận ra được”.
Vô Sắc thiền sư thấy cô ta ngơ ngẩn, cười hì hì nhặt đôi la hán bằng sắt lên, nói:
- Quách nhị cô nương, lão hòa thượng không lừa cô bé con đâu. Ta nhận ra cô là ở đôi la hán này. Dương đại hiệp vẫn mạnh khỏe chứ, lâu nay cô có gặp ông ta không?
Quách Tương sựng người, nhưng hiểu ra ngay, nói liền:
- À, thì ra ông chính là Vô Sắc thiền sư, đôi la hán sắt này chính ông gửi tặng cho tôi làm quà sinh nhật, nên đã nhận ra. Ông có gặp đại ca của tôi và Long tỉ tỉ không? Tôi đi lên đây chính là mong gặp được ông để hỏi thăm tin tức hai người. Ôi, ông không hiểu ra, tôi nói đại ca ca và Long tỉ tỉ là nói đến vợ chồng đại hiệp Dương Quá đó.
Vô Sắc nói:
- Mấy năm trước, Dương đại hiệp có ghé tệ tự chuyện trò ít ngày, cùng lão hòa thượng rất tương đắc. Về sau nghe tin ông ta kháng địch tại thành Tương Dương, lão nạp vâng lệnh Dương đại hiệp, lập được chút công lao nho nhỏ. Không hiểu lúc này ông ta ở đâu?
Cả hai người đều hỏi tin tức Dương Quá, ông hỏi một câu, tôi hỏi một câu, chẳng ai trả lời câu hỏi của người kia. Quách Tương thẫn thờ một hồi, rồi nói:
- Ông cũng chẳng biết đại ca tôi ở đâu ư? Vậy thì ai biết được bây giờ?
Nàng định thần lại nói tiếp:
- Ông là bạn thân của đại ca tôi, thảo nào võ công cao minh như vậy. Ồ, tôi chưa cám ơn ông đã gửi quà sinh nhật, hôm nay xin cảm tạ vậy.
Vô Sắc cười đáp:
- Bọn mình thật đúng là không đánh nhau thì không biết là người quen. Khi nào cô gặp Dương đại hiệp, đừng có mách là lão hòa thượng cậy lớn hiếp bé.
Quách Tương lặng nhìn ngọn núi ở xa xa, lẩm bẩm một mình:
- Không biết đến bao giờ mới gặp lại được anh ta!
Hồi Quách Tương sinh nhật mười sáu tuổi, Dương Quá nảy ra một ý tưởng ngộ nghĩnh, mời hết thảy đồng đạo giang hồ tụ tập tại Tương Dương để chúc mừng. Khi đó vô số võ lâm cao thủ trong cả hắc đạo lẫn bạch đạo, nể mặt Dương Quá nên đến chúc thọ. Người nào bận quá không đi được thì cũng phái người đem quà quí giá đến biếu. Vô Sắc thiền sư sai người mang đến một đôi la hán đúc bằng sắt rất tinh xảo. Đôi la hán này trong bụng có máy, lên dây cót là có thể đấu với nhau một bài Thiếu Lâm La Hán quyền. Hơn một trăm năm trước, một dị tăng trong chùa đã hao phí không biết bao nhiêu tâm huyết mới chế tạo được, thực khéo léo không gì sánh bằng. Quách Tương thích lắm, lúc nào cũng mang theo trong người, không ngờ hôm nay từ trong bọc rơi ra, khiến cho Vô Sắc thiền sư nhận ra thân phận. Chiêu quyền pháp Thiếu Lâm sau cùng nàng sử dụng chính là học từ đôi la hán này.
Vô Sắc cười nói:
- Tuân theo qui củ của tệ tự từ trước tới nay, không dám mời Quách nhị cô nương vào chùa vãn cảnh, xin mở lượng bao dung.
Quách Tương điềm nhiên đáp:
- Không sao cả, điều tôi muốn hỏi ông, thì cũng đã hỏi rồi.
Vô Sắc lại chỉ Giác Viễn:
- Còn chuyện Giác Viễn sư đệ đây, từ từ ta sẽ giải thích cho cô nương nghe. Thôi thế này, để lão hòa thượng tiễn cô xuống núi, mình tìm một quán ăn, để lão đứng mời cô uống một bữa rượu, cô nghĩ thế nào?
Vô Sắc thiền sư tại chùa Thiếu Lâm địa vị hết sức cao, vậy mà đối với một cô gái nhỏ lại hết sức tôn kính, đã thân tiễn nàng xuống núi, lại còn đứng mời ăn, nên chúng tăng nghe vậy đều lấy làm lạ.
Quách Tương nói:
- Đại sư không việc gì phải khách sáo thế. Tiểu nữ ra tay không biết nặng nhẹ, khiến đắc tội cùng mấy vị hòa thượng, không bắt tội là may. Nay xin từ biệt, mong có dịp sẽ gặp lại.
Nói xong cúi mình thi lễ, rồi quay xuống núi. Vô Sắc cười:
- Cô không muốn tôi đưa tiễn, nhưng tôi lại muốn. Sinh nhật cô nương năm trước, lão hòa thượng vâng lệnh Dương đại hiệp đi đốt lương thảo của quân Mông Cổ tại Nam Dương, sau khi lửa cháy, về chùa ngay, không đến Tương Dương chúc mừng được, trong lòng vẫn thấy chưa an. Hôm nay có dịp quang lâm tệ tự, nếu không cung kính tiễn đưa ba mươi dặm, thì còn là gì đạo tiếp đãi quí khách?
Quách Tương thấy ông ta thành ý, lại thấy ngôn ngữ hào sảng, nên cũng muốn cùng ông ta kết bạn vong niên, nên chỉ mỉm cười, nói:
- Thế thì đi vậy!
Hai người song hành cùng xuống núi, đi qua một tòa nhà tranh, bỗng nghe đằng sau có tiếng chân người vọng đến. Quay lại, chỉ thấy Trương Quân Bảo đi lẳng lặng ở đằng xa, không dám tới gần. Quách Tương cười:
- Trương huynh đệ, cậu cũng tiễn khách xuống núi đấy ư?
Trương Quân Bảo đỏ mặt, chỉ đáp cụt lủn:
- Vâng!
Vừa lúc ấy, từ cửa trước một tăng nhân rảo bước chạy xuống. Y xem ra thi triển toàn lực khinh công nên trông rất gấp rút. Vô Sắc hơi nhíu mày, nói:
- Làm gì mà hốt hoảng quá vậy?
Nhà sư đó chạy đến trước mặt Vô Sắc, cúi chào xong nghiêng người nói nhỏ mấy câu. Vô Sắc biến sắc, nói lớn:
- Có chuyện như vậy sao?
Tăng nhân nói:
- Phương trượng mời thủ tọa về chùa thương nghị.
Quách Tương thấy vẻ mặt Vô Sắc xem chừng khó xử, biết là trong chùa ắt có chuyện khẩn cấp, nên nói:
- Lão thiền sư, chuyện giao thiệp bạn bè, cốt là ở lòng, chứ những lề thói phàm tục có đáng gì! Ông có chuyện xin cứ về. Sau này có dịp gặp lại, có duyên giải cấu, mình lại uống rượu, luận võ, có gì mà không được?
Vô Sắc mừng nói:
- Thảo nào Dương đại hiệp coi trọng cô như thế, cô quả là bậc nhân trung anh tuấn, nữ trung trượng phu, lão hòa thượng muốn được cùng cô kết làm bạn.
Quách Tương mỉm cười:
- Ông là bạn của đại ca tôi, thì cũng là bạn của tôi rồi.
Thế rồi hai người thi lễ từ biệt. Vô Sắc quay trở về chùa. Quách Tương đi theo con đường nhỏ đi xuống núi, Trương Quân Bảo lẽo đẽo đi sau, cách chừng năm sáu bước, không dám đi ngang hàng. Quách Tương hỏi:
- Trương huynh đệ, vì cớ gì mà bọn họ lại hiếp đáp sư phụ của cậu thế? Sư phụ cậu nội công tinh thâm, sao lại sợ họ?
Trương Quân Bảo tiến lên hai bước đáp:
- Trong chùa giới luật tinh nghiêm, ai ai trong tăng chúng nếu như phạm tội đều bị phạt cả, chứ đâu phải cố ý hiếp đáp sư phụ đâu.
Quách Tương lấy làm lạ, hỏi lại:
- Sư phụ cậu là người chính nhân quân tử, trong thiên hạ đâu có mấy ai tốt như ông ấy, mà lại phạm tội gì? Chắc là ông ấy chịu phạt giùm người khác, nếu không, chắc là bị phạt lầm rồi?
Trương Quân Bảo thở dài:
- Nguyên ủy chuyện này cô nương cũng đã biết rồi, chính là vì bộ Lăng Già[3] kinh.
Quách Tương nói:
- À, có phải là cuốn kinh mà hai gã Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây ăn trộm đó không?
Trương Quân Bảo nói:
- Chính đó. Hôm đó trên đỉnh Hoa Sơn, tiểu nhân được đại hiệp Dương Quá chỉ điểm, tự tay khám toàn thân hai gã đó, nhưng khi xuống núi rồi, không còn thấy tung tích gì của họ cả. Thầy trò chúng tôi không còn biết gì hơn, chỉ còn về chùa bẩm báo phương trượng. Bộ Lăng Già kinh là do chính tay tổ sư Đạt Ma viết ra, thủ tọa giới luật đường trách sư phụ tôi giữ kinh không cẩn thận, đã làm mất bảo vật vô giá đó, nên phạt thật nặng, âu cũng là chuyện phải thôi.
Quách Tương thở dài một tiếng:
- Việc xử tội sám hối như thế, sao lại phải được.
Tuy nàng chỉ lớn hơn Trương Quân Bảo vài tuổi nhưng đã tự coi như đàn chị, nên hỏi thêm:
- Nếu chỉ như thế, tại sao lại không cho sư phụ cậu không được nói năng gì?
Trương Quân Bảo nói:
- Đó là giới luật truyền từ đời này sang đời khác của chùa, hễ gánh nước, không được nói chuyện. Tôi nghe các vị lão thiền sư trong chùa nói là, tuy là bị phạt, nhưng thực ra đối với người có tội rất tốt. Nếu như không nói chuyện, việc tu tập càng mau tinh tiến, còn trên vai gánh nước, làm cho thể phách cường tráng.
Quách Tương cười:
- Nếu nói như thế, sư phụ cậu không phải chịu phạt, mà lại là đang luyện công, còn tôi thì đúng là nhiều chuyện.
Trương Quân Bảo vội nói:
- Lòng tốt của cô nương, thầy tôi và tôi mười phần cảm kích, vĩnh viễn không dám quên.
Quách Tương thở nhẹ một hơi, nghĩ thầm: “Vậy mà người đời đã quên hẳn ta rồi”. Bỗng nghe thấy trong rừng có tiếng lừa kêu, chính là con lừa đen đang ăn cỏ. Quách Tương nói:
- Trương huynh đệ, cậu không cần phải tiễn tôi xa hơn nữa.
Nàng chu miệng huýt một tiếng, gọi con lừa lại gần. Trương Quân Bảo vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời, nhưng cũng không biết chuyện gì để nói.
Quách Tương lấy đôi thiết la hán trong bọc ra, nói:
- Ta cho cậu cái này, cầm lấy đi.
Trương Quân Bảo ú ớ:
- Tôi... tôi...
Quách Tương đặt đôi la hán vào tay y, nhún người một cái, đã nhảy lên lưng lừa. Đột nhiên tại bậc đá trên sườn núi có tiếng người gọi:
- Quách nhị cô nương, xin dừng chân.
Chính là Vô Sắc thiền sư từ cửa chùa chạy xuống. Quách Tương nghĩ thầm:
- Lão hòa thượng này thật câu nệ đa lễ, việc gì mà phải nhất định đưa tiễn ta?
Vô Sắc đi rất nhanh, chỉ nháy mắt đã đến trước mặt Quách Tương. Ông ta nói với Trương Quân Bảo:
- Ngươi về chùa đi, đừng chạy lăng quăng trong núi.
Vô Sắc đợi y đi khỏi, lấy trong tay áo ra một tờ giấy, nói:
- Quách nhị cô nương, cô xem có biết ai viết giấy này không?
Quách Tương xuống lừa, tiếp lấy nhìn qua, hóa ra là một tờ hoa tiên vẫn dùng đề thơ, trên có hai hàng chữ lằng ngoằng:
Võ công phái Thiếu Lâm, xưng hùng Trung Nguyên, Tây Vực đã lâu. Mười ngày sau, Côn Lôn Tam Thánh sẽ đến lĩnh giáo.
Nét bút rất cứng cỏi. Quách Tương hỏi:
- Côn Lôn Tam Thánh là ai thế, ba người này khẩu khí xem chừng phách lối lắm nhỉ?
Vô Sắc nói:
- Hóa ra là cô nương không quen biết những người này.
Quách Tương lắc đầu:
- Tôi không biết, mà cả cái tên Côn Lôn Tam Thánh cũng chưa nghe cha mẹ tôi nói đến bao giờ.
Vô Sắc nói:
- Cái đó mới là lạ.
Quách Tương hỏi:
- Lạ là thế nào?
Vô Sắc đáp:
- Cô nương với ta nhất kiến như cố, có nói thật cho cô biết cũng không sao. Cô nương thử đoán xem tờ giấy này từ đâu mà có?
Quách Tương nói:
- Phải chăng Côn Lôn Tam Thánh sai người mang đến?
Vô Sắc đáp:
- Nếu như sai người mang đến thì không có gì kỳ quái. Người đời thường nói là cây cả gió to, chùa Thiếu Lâm mấy trăm năm nay vẫn được gọi là võ học chi nguyên, nên không lúc nào không có cao thủ đến thử tài. Mỗi khi có nhân vật võ lâm đến, chúng tôi đều hết sức tử tế, nói đến chuyện tỉ võ đều từ chối. Đã là người tu hành phải tránh sân nộ, không thể sính cường tranh thắng. Còn nếu ngày nào cũng đánh nhau với người ta, thì nói là đệ tử cửa Phật sao được?
Quách Tương gật đầu:
- Phải lắm!
Vô Sắc nói tiếp:
- Ngặt một nỗi võ sư đã lên đến trên chùa, nếu như không hiển được chút thân thủ thì chẳng cam lòng. La Hán đường của Thiếu Lâm chính là để tiếp những võ sư bên ngoài đến viếng cảnh chùa.
Quách Tương cười:
- Hóa ra đại hòa thượng giữ chức vụ đi đánh nhau với người ngoài.
Vô Sắc sượng sùng:
- Võ sư đến đây dù cao cường đến đâu, thì bản đường đệ tử cũng có thể đảm đương được cả, không cần phải đến lão hòa thượng ra tay. Hôm nay vì chưng cô nương thân thủ bất phàm, nên lão mới thử một chút.
Quách Tương cười đáp:
- Hóa ra đại sư coi trọng tôi quá.
Vô Sắc nói:
- Không phải đến đây để nói chuyện đó với cô đâu. Không dám dấu, tờ giấy này chúng tôi lấy từ bàn tay pho tượng Hàng Long La Hán ở La Hán Đường.
Quách Tương lấy làm lạ, hỏi:
- Ai lại để trên tay tượng Phật như thế nhỉ?
Vô Sắc lắc đầu:
- Cũng không biết nữa. Trong mấy trăm tăng chúng chùa Thiếu Lâm chúng tôi, nếu như có ai lẻn vào, chẳng lẽ không thấy? La Hán Đường lúc nào cũng có tám đệ tử ngày đêm luân phiên canh gác. Khi có người trông thấy tờ giấy này lập tức phi báo lão phương trượng, ai ai cũng lấy làm lạ, nên mới triệu lão về chùa thương nghị.
Quách Tương nghe đến đây, đã hiểu ý, nên nói:
- Phải chăng ông nghi tôi thông đồng với Côn Lôn Tam Thánh ở bên ngoài gây rối, để cho ba gã kia lẻn vào La Hán Đường để tờ giấy này, phải thế không?
Vô Sắc nói:
- Tôi đã gặp cô rồi quyết không thể nào nghi cho cô được. Thế nhưng việc cũng trùng hợp lạ kỳ, cô nương vừa rời chùa, thì tờ giấy này lại xuất hiện tại La Hán Đường, thành thử phương trượng và Vô Tướng sư đệ không khỏi không nghi.
Quách Tương nói:
- Tôi không biết ba gã này là ai. Đại hòa thượng, ông việc gì phải sợ? Mười ngày nữa, nếu như họ có gan đến đây, thì cứ xem hai bên cao thấp thế nào.
Vô Sắc nói:
- Sợ thì có gì đâu mà sợ. Nếu như cô nương với họ không có liên quan gì, tôi không có gì phải áy náy cả.
Quách Tương thấy ông ta quả có lòng tốt, chỉ ngại Côn Lôn Tam Thánh là chỗ quen biết với mình, khi động thủ ắt có nhiều điều cấm kỵ, ngại rằng sẽ đắc tội với bạn bè, nên nói:
- Nếu như họ thực lòng đến tìm hiểu võ nghệ, thì không nói làm gì. Còn không, cứ việc cho họ một phen khốn khổ. Cứ theo tờ giấy này khẩu khí xem ra cuồng vọng lắm. Cái gì mà “một phen lãnh giáo” là sao?
Nàng nói tới đây, chợt nghĩ ra một việc nên tiếp:
- Hay là có ai trong chùa cấu kết, lén bỏ vào tờ giấy này chăng? Nếu thế cũng không lấy gì làm lạ.
Vô Sắc nói:
- Chuyện đó chúng tôi cũng đã nghĩ tới rồi, nhưng nhất định không thể có. Tay của Hàng Long La Hán cao đến hơn ba trượng, ngày thường muốn phủi bụi trên pho tượng này, cũng phải bắc giá cao. Nếu có kẻ nào nhảy lên tới đó, khinh công giỏi như thế không phải là nhiều. Nếu như trong chùa có phản đồ thì tài nghệ cũng không đạt tới mức đó.
Lòng hiếu kỳ của Quách Tương nổi lên, rất muốn xem thử ba gã Côn Lôn Tam Thánh xem họ là hạng người nào, tăng chúng chùa Thiếu Lâm cùng họ tỉ thí võ nghệ, kết quả ai thắng ai bại, ngặt là chùa Thiếu Lâm không tiếp nữ khách, xem ra cái trò vui này không cách nào coi tận mắt được.
Vô Sắc thấy cô cúi đầu suy nghĩ, lại tưởng cô đang trù liệu kế sách hộ cho chùa Thiếu Lâm, nên nói:
- Chùa Thiếu Lâm cả nghìn năm qua đã chịu không biết bao nhiêu sóng to gió cả, còn tồn tại đến hôm nay. Nếu bọn Côn Lôn Tam Thánh kia nhất định cùng chúng tôi qua lại một phen, chùa Thiếu Lâm thể nào cũng cùng với họ chu toàn. Quách cô nương, nửa tháng nữa, cô ở trên chốn giang hồ sẽ nghe tin tức, để xem Côn Lôn Tam Thánh có lật đổ được chùa Thiếu Lâm không?
Nói tới đây, hào khí của ông lại nổi lên bừng bừng như thời trai trẻ. Quách Tương cười đáp:
- Đại hòa thượng bỗng dưng nổi giận, ông nói năng như thế sao còn gọi là đệ tử nhà Phật được nữa? Tốt lắm, tôi mong nửa tháng nữa sẽ nghe được tin vui.
Nói xong nàng quay mình nhảy lên lưng lừa. Hai người nhìn nhau cùng cười. Quách Tương giục con lừa đi lững thững xuống chân núi, trong lòng đã định bụng không thể nào không lên xem trận đấu.
Cô nghĩ thầm: “Làm cách nào mười ngày sau mình lẻn được vào chùa Thiếu Lâm để xem cái cảnh đáng xem này? Chỉ e mấy gã Côn Lôn Tam Thánh chẳng có chân tài thực học, bị mấy nhà sư đánh cho vài cái đã thua, thì có gì là thú. Chỉ mong bọn họ chỉ cần được bằng một nửa gia gia, ông ngoại, hoặc đại ca, thì cái màn Côn Lôn Tam Thánh đại náo Thiếu Lâm tự kia mới đáng đến coi”.
Nghĩ đến Dương Quá, trong lòng lại thấy u uất, ba năm qua đi khắp nơi tìm kiếm, vẫn không thấy bóng dáng tăm hơi.
Im lìm cổ mộ núi Chung Nam,
Vạn Hoa hoa rụng tiếng mang mang.
Hang núi Tuyệt Tình sao vắng lặng,
Đìu hiu trăng lạnh bến Phong Lăng.
(Chung Nam sơn, cổ mộ trường bế,
Vạn Hoa huyễn, hoa lạc vô thanh.
Tuyệt Tình cốc, không sơn tịch tịch,
Phong Lăng độ, lãnh nguyệt minh minh)
Thế nhưng, trong đầu nàng cũng đã nghĩ không biết bao nhiêu lần: “Thực ra, dẫu ta có kiếm được y, thì cũng để làm gì? Chẳng càng thêm buồn khổ, thêm sầu não? Y đi xa xôi biệt tăm biệt tích chẳng tốt hơn ư? Đã biết rằng đi tìm y có khác gì đi tìm hoa trong gương, trăng dưới nước, nhưng sao ta vẫn cứ nghĩ đến, vẫn muốn đi tìm”.
Nàng cứ để cho con lừa tự thả bước, đi lang thang trong vùng núi Thiếu Thất, theo hướng tây đã vào địa giới của Tung Sơn. Quay đầu nhìn lại ngọn đông phong của núi Thiếu Thất chỉ thấy cao vút xanh xanh, núi nọ liền núi kia bất tận. Cứ như thế nàng đi mấy ngày liền, một ngày kia đã tới đài Tam Hưu, nghĩ thầm: “Sao lại tam hưu, mà là ba cái hưu (điều tốt lành) nào? Đời người có thiên hưu, vạn hưu đâu phải chỉ tam hưu?”.
Lại rẽ qua hướng bắc, đi qua một đỉnh núi, thấy đến mấy trăm gốc cổ bách, cây nào cũng thẳng cao vòi vọi, ánh mặt trời chiếu xuống thành những đốm hoa, thật là rực rỡ. Quách Tương đang ngắm cảnh, bỗng nghe thấy từ bên kia sườn núi văng vẳng nghe đâu tiếng đàn vọng đến, lấy làm lạ lùng, nghĩ thầm: “Ở nơi hoang tịch này, sao lại có cao nhân nhã sĩ đến đây gẩy đàn”. Nàng từ bé được mẹ dạy, cầm kỳ thư họa, môn nào cũng biết, tuy chưa sâu sắc, nhưng tính thông tuệ, lại trời sinh hay nhìn xa nghĩ rộng, mỗi khi cùng mẫu thân luận cầm, đàm thư, thỉnh thoảng cũng có những tư tưởng độc đáo, tìm ra được những điều chưa ai nghĩ đến. Lúc này nghe thấy tiếng đàn, nổi tính hiếu kỳ, nên xuống lừa, theo tiếng đàn tìm đến.
Đi qua hơn mươi trượng, lại nghe thấy lẫn trong tiếng đàn có lẫn vô số tiếng chim, lúc đầu chưa chú ý, nhưng nghe kỹ, tiếng đàn dường như cùng tiếng chim đối đáp, líu líu lo lo, dặt dìu uyển chuyển. Quách Tương náu mình sau gốc cây, nhìn về phía có tiếng đàn phát ra, chỉ thấy một người đàn ông mặc áo trắng ngồi quay lưng lại giữa ba gốc tùng già, trong lòng để một cây tiêu vĩ cầm, đang gảy đàn. Trên những cành cây chung quanh người đó đậu đầy chim sẻ, hoàng oanh, đỗ quyên, bát ca, và còn vô số những con chim khác nàng không biết tên cùng với tiếng đàn, hoặc kẻ hỏi người đáp, hoặc cùng cất giọng xướng theo. Quách Tương nghĩ thầm: “Mẹ ta nói rằng trong các điệu đàn có một khúc tên là “Không Sơn Điểu Ngữ”, thất truyền đã lâu, phải chăng chính là khúc đàn này?”.
Nghe một lát, tiếng đàn mỗi lúc một vang thêm, nhưng mỗi lần tiếng đàn lên cao, thì đàn chim lại ngưng tiếng, chỉ nghe thấy tiếng vỗ cánh, đông tây nam bắc bốn phía bay lại vô số là chim, con thì đậu trên cành, con thì bay lượn lên xuống, lông chim bay phất phới, thật là lạ mắt. Tiếng đàn tuy bình hòa trung chính nhưng bên trong có ẩn một phong vị vương giả.
Quách Tương trong lòng càng thêm kinh hãi: “Người này có thể dùng tiếng đàn để tập hợp đàn chim, phải chăng bản đàn này là Bách Điểu Triều Phượng? Tiếc thay không có ông ngoại ở đây, nếu không sẽ dùng cây ngọc tiêu thiên hạ không ai sánh kịp đem ra hòa nhịp, có thể gọi là song tuyệt đời nay”.
Người đó đàn đến khúc cuối, tiếng đàn nhỏ dần, tất cả chim chóc trên cây cùng bay ra múa may một lượt. Bỗng dưng nghe một tiếng keng, tiếng đàn dứt hẳn, đàn chim bay thêm một hồi rồi từ từ bay đi mỗi con một phía.
Người đó tiện tay đưa lên dây đàn gảy thêm vài đoạn ngắn, ngẩng đầu lên nhìn trời thở dài, nói:
- Vỗ trường kiếm, dương mi lên, nước trong đá trắng sao xa cách? Thế gian này nếu không có kẻ tri âm, dù sống đến nghìn tuổi, phỏng có ích gì?
Nói đến đây, đột nhiên từ đáy chiếc đàn người đó rút ra một thanh trường kiếm, ánh xanh lấp lánh, chiếu ra trong rừng. Quách Tương nghĩ thầm: “Nguyên lai người này văn võ toàn tài, không biết kiếm pháp của y ra sao”.
Chỉ thấy y chậm rãi đi tới bãi đất trống trước một câu cổ tùng, mũi kiếm chỉ xuống đất, gạch tới gạch lui, hết vạch này tới vạch khác. Quách Tương lấy làm lạ: “Trên thế gian có loại kiếm pháp kỳ quái đến thế sao? Chẳng lẽ chỉ trỏ kiếm xuống đất vạch một hồi, có thể khắc địch chế thắng? Người này quả thật quái dị không thể nào đo lường được.”
Y vạch một hồi, thấy gạch ngang mười chín nét, rồi đổi qua gạch dọc, tất cả cũng mười chín nét. Kiếm chiêu trước sau không thay đổi, dù dọc hay ngang cũng chỉ thẳng băng như chữ nhất. Quách Tương theo dõi kiếm thế của y, cũng đưa tay vạch lên đất mười chín nét, bỗng dưng bật cười, y đâu có sử dụng quái dị kiếm pháp nào đâu, mà chỉ dùng kiếm vạch thành một bàn cờ dọc ngang mỗi chiều mười chín nét.
Người đó vẽ bàn cờ xong, dùng mũi kiếm vẽ tại góc trái bên trên và góc phải bên dưới mỗi nơi một vòng tròn, lại tại góc phải bên trên và góc trái bên dưới mỗi nơi vẽ một vạch chéo. Quách Tương đã thấy y vẽ đây là một bàn cờ vây, biết y đang bố trí trận thế tại bốn góc, hình tròn là bên trắng, hình chéo là bên đen. Lại thấy y đặt một vòng tròn cách ba ô trên góc trái, lại cách dưới hai ô vạch một hình chéo. Đi đến nước thứ mười chín, y chống kiếm đứng, cúi đầu suy nghĩ, đang phân vân không biết nên bỏ quân giữ thế hay cố sức tranh góc cạnh.
Quách Tương nghĩ thầm: “Người này cũng chẳng khác gì ta, thật là tịch mịch, ở trong núi hoang gảy đàn, lấy chim chóc làm tri âm; đánh cờ lại cũng không có đối thủ, chỉ tự mình đánh với mình.”
Người đó suy nghĩ một hồi, quân trắng không cách gì lơi ra được, trên góc trái đấu với quân đen thật kịch liệt, nhất thời chưa tìm ra cách nào hay, từ bắc xuống nam không thể nào tranh được phúc địa ở Trung Nguyên. Quách Tương xem cờ xuất thần, từ từ nhích lại gần, nhưng vì quân trắng lúc bố cục bị thua một nước, trước sau vẫn bị rơi vào hạ phong, đến nước thứ hai mươi ba thì gặp phải liên hoàn kiếp, bên quân trắng lâm vào thế nguy, nhưng y vẫn cố gắng chống đỡ. Người đời thường nói “Cờ ngoài bài trong”, ý nói người đứng ngoài coi đánh cờ bao giờ cũng sáng nước hơn. Quách Tương đánh cờ cũng chỉ bình bình, nhưng nhìn thấy thế cục nếu bên trắng còn đánh giằng dai không khỏi toàn quân bị mất, nên buột miệng nói:
- Sao không bỏ Trung Nguyên đi để lấy Tây Vực?
Người nọ giật mình, thấy trên bàn cờ phía tây còn một chỗ trống lớn, nên lợi dụng bên kia đang chặn bắt, để luôn hai quân, chiếm lấy chỗ yếu, tuy bỏ nửa chừng nhưng biến được thành thế không thắng không bại. Người đó được Quách Tương một lời nhắc nhở, ngửng mặt lên trời cười một hồi dài, luôn mồm: “Hay lắm, hay lắm”. Nói rồi hạ luôn mấy quân. Y chợt nghĩ ra có người đang ở bên cạnh, nên ném trường kiếm xuống đất, quay lại nói:
- Vị cao nhân nào đó đã chỉ dạy, tại hạ thật là cảm kích.
Nói rồi hướng về phía Quách Tương đang ẩn náu vái chào một cái.
Quách Tương thấy người này mặt dài mắt sâu, thân hình gầy guộc, độ chừng trên dưới ba mươi tuổi. Nàng vốn dĩ khoáng đạt, cũng không tị hiềm nam nữ, nên từ trong bụi hoa bước ra, mỉm cười:
- Mới rồi được nghe tiên sinh nhã tấu, không sơn điểu ngữ, bách cầm lai triều, thật lấy làm bội phục. Lại thấy tiên sinh vạch đất thành bàn cờ, đen trắng giao phong, khiến cho phải say mê theo dõi mà quên cả hình hài, nên nhịn không được nên góp một lời, xin rộng lòng tha thứ.
Người nọ thấy Quách Tương chỉ là một cô gái tuổi trẻ, lấy làm lạ lùng, nhưng nghe cô nói về tiếng đàn, quả nhiên không sai một mảy nên càng cao hứng, nói:
- Cô nương thông thạo cầm lý, nếu như không từ chối, xin cho được nghe một điệu.
Quách Tương cười đáp:
- Mẹ tôi tuy đã dạy tôi đánh đàn, nhưng so với thần kỹ của ngài, thì kém xa lắm. Thế nhưng đã được nghe tiếng đàn kỳ diệu của ngài, không đáp lễ một bản, thì xem ra không phải lẽ. Được rồi, tôi xin đàn một bản, nhưng xin ông đừng cười nhé.
Người kia đáp:
- Đâu dám.
Hai tay bưng cây dao cầm[4], đưa tới trước mặt Quách Tương. Quách Tương thấy chiếc đàn đó đã có nhiều vết loang lổ, hiển nhiên đã cũ lắm rồi, nên lên dây xong bắt đầu gẩy một khúc “Khảo Bàn”. Thủ pháp nàng không có gì thần kỳ, nhưng người đó nghe vừa mừng vừa sợ, nghe tiếng đàn mà tưởng đến lời từ:
Suối kia róc rách vỗ bàn,
Lòng ta thanh thản như làn nước khe.
Dù ai nói tỉnh nói mê,
Một mình mình biết chẳng hề nhãng quên.
Khảo bàn tại giản,
Thạc nhân chi khoan,
Độc mị ngụ ngôn,
Vĩnh thỉ vật huyên[5]”.
Bài từ đó ở Thi Kinh mà ra, là bài ca của một ẩn sĩ nói đại trượng phu đi du ngoạn trong khe suối, đi đâu thì đi, tuy tịch mịch không ai bầu bạn, mặt mày tiều tụy, nhưng chí hướng cao khiết, không bao giờ thay đổi. Người đó nghe tiếng đàn nói đúng tâm sự mình, không thể không cực kỳ cảm kích. Tiếng đàn đã dứt rồi mà y vẫn còn đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Quách Tương nhẹ nhàng để chiếc dao cầm xuống, quay mình đi ra khỏi rừng tùng, cất tiếng hát:
Vỗ bàn lồng lộng gò đây,
Lòng ta son sắt như cây trục này.
Dù người nói tỉnh nói say,
Một mình mình biết ai hay làm gì.
Khảo bàn tại lục,
Thạc nhân chi trục,
Độc mị độc túc,
Vĩnh thỉ vật cáo[6].
Nàng vẫy con lừa lại nhảy lên đi thẳng vào trong khu rừng sâu.
Nàng đi lại trong giang hồ đã ba năm qua, từng gặp nhiều chuyện lạ lùng, người này dùng tiếng đàn để gọi chim, lại vạch đất thành bàn tự mình đánh cờ, với nàng cũng chẳng qua như mây khói trước mặt, cánh bèo làn gió khi tụ khi tan, qua đi không để lại dấu vết gì.
Lại hai ngày qua, bấm đốt ngón tay tính ra từ hôm nàng tiến vào làm huyên náo chùa Thiếu Lâm đã được mười ngày, cũng là ngày Côn Lôn Tam Thánh ước định đến chùa giảo nghiệm võ công. Quách Tương chưa nghĩ ra cách nào để có thể lẻn vào chùa xem trò vui, nghĩ thầm: “Mẹ ta chuyện gì cũng chỉ liếc mắt một cái, là đã nghĩ ra ngay mười bảy, mười tám diệu kế. Sao ta ngu đến vậy, đến một kế cũng nghĩ không ra. Được rồi, không cần biết, cứ đến bên ngoài chùa Thiếu Lâm xem xét rồi hãy hay. Có khi bọn họ mắc đối phó ngoại địch khẩn cấp, nên quên bẵng ngăn ta lên chùa không chừng.”
Nàng ăn qua loa mấy món lương khô, lại cưỡi con lừa đen nhằm hướng chùa Thiếu Lâm. Khi nàng còn cách chùa độ chừng mươi dặm, bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập, từ phía sơn đạo bên trái có ba người nối đuôi nhau chạy tới. Ba con ngựa bước chân nhanh nhẹn, chỉ trong chớp mắt đã vượt ngang bên Quách Tương, chạy thẳng lên phía chùa Thiếu Lâm. Trên lưng ngựa là ba người trạc độ trên dưới năm mươi, mặc áo ngắn bằng vải xanh, trên yên ngựa người nào cũng mang theo túi vải đựng binh khí.
Quách Tương chợt động tâm, nghĩ thầm: “Ba người này đều có võ công, hôm nay lại đeo binh khí lên chùa Thiếu Lâm, hẳn là Côn Lôn Tam Thánh rồi! Nếu ta chậm một bước, thì chắc không được coi cái màn vui này.” Nàng giơ tay đánh lên mông con lừa một cái, con vật ngửng đầu hí một hồi dài, lao đầu chạy lẽo đẽo theo ba con ngựa.
Những người cưỡi ngựa ra roi, ba con ngựa chạy thẳng lên núi, cước lực thật nhanh, chỉ nháy mắt đã bỏ con lừa của Quách Tương một quãng thật xa, không cách gì đuổi kịp. Một ông già quay đầu lại nhìn Quách Tương một cái, trên mặt lộ vẻ lạ lùng.
Quách Tương lại ra sức chạy theo hai, ba dặm nữa, nhưng tung tích ba con ngựa kia không còn thấy đâu. Con lừa chạy một hồi lâu, miệng thở phì phò, xem chừng không còn chịu nổi. Quách Tương mắng nó: “Thật là đồ súc sinh không ra giống gì, bình thời thì nổi chứng chạy loạn lên, lúc cô nương cần ngươi, thì ngươi lại chạy không bằng ai”. Nàng thấy có giục nó cũng chẳng đến đâu, nên dừng lại một tòa thạch đình bên đường nghỉ ngơi một lát, để cho con lừa xuống suối bên cạnh uống nước. Một lúc sau, bỗng nghe tiếng vó ngựa vang lên, ba con ngựa hồi nãy lại qua một khúc quanh, chạy ngược trở lại. Quách Tương lấy làm lạ: “Sao ba người này vừa mới lên đã quay trở lại, không lẽ họ chịu không nổi một đòn hay sao?”
Ba con ngựa tung vó, dựng bờm chạy thẳng đến tòa thạch đình, ba người trên ngựa xoay mình nhảy xuống. Quách Tương nhìn ba người này, thấy một người thân hình thấp lùn, mặt đỏ như chu sa, mũi đỏ như kẻ nghiện rượu, nhưng miệng cười hề hề xem chừng ôn hòa, dễ thân cận; một người thì gầy cao như cây tre miễu, mặt mày xanh xao, trong màu trắng có ẩn màu xanh lục, tưởng như cả đời không ra nắng bao giờ. Hai người này thân hình dung mạo, không có chỗ nào giống nhau. Người thứ ba tướng mạo bình bình không có gì lạ, chỉ có da mặt vàng vọt, có vẻ như người đang bệnh hoạn.
Lòng hiếu kỳ của Quách Tương nổi lên, nên hỏi:
- Này ba vị lão tiên sinh, quí vị đã đến chùa Thiếu Lâm chưa? Sao vừa mới lên đã trở xuống?
Lão già mặt xanh lườm nàng một cái, xem chừng khó chịu vì cô đã hỏi lăng nhăng. Ông già thấp lùn mũi đỏ, mặt hồng hào cười hỏi:
- Sao cô nương biết là chúng tôi lên chùa Thiếu Lâm?
Quách Tương nói:
- Từ đây trở lên, không lên chùa Thiếu Lâm thì còn đi đâu?
Ông già mặt đỏ gật đầu:
- Cô nói thế cũng đúng. Còn cô nương đang định đi đâu?
Quách Tương nói:
- Các ông lên chùa Thiếu Lâm thì tôi cũng lên chùa Thiếu Lâm.
Ông già mặt xanh nói:
- Chùa Thiếu Lâm xưa nay không để đàn bà con gái bước chân vào sơn môn một bước, lại không cho người ngoài đeo binh khí vào chùa.
Giọng nói có vẻ ngạo mạn, thân hình ông ta lại cao nên nhìn qua đầu nàng, chứ không nhìn vào nàng lấy một lần. Quách Tương trong lòng bực mình, nói:
- Thế sao các ông đeo binh khí thì được? Cái bao vải ở bên cạnh yên ngựa kia, chẳng phải để binh khí thì là gì?
Lão già mặt xanh lạnh lùng nói:
- Ngươi sao lại sánh được với bọn ta?
Quách Tương cười khẩy một tiếng:
- Ba người các ông thì là cái gì? Ở đâu mà phách lối vậy? Côn Lôn Tam Thánh đã đấu với các hòa thượng chùa Thiếu Lâm chưa? Ai thắng ai bại?
Ba ông già đó vẻ mặt lập tức hơi biến sắc. Ông già mặt đỏ hỏi lại:
- Tiểu cô nương, làm sao cô biết được chuyện Côn Lôn Tam Thánh?
Quách Tương nói:
- Tự nhiên tôi phải biết chứ.
Ông già mặt xanh bất thần tiến lên một bước, gay gắt nói:
- Ngươi họ gì? Môn hạ của ai? Đến Thiếu Lâm tự làm gì?
Quách Tương vênh mặt lên, nói:
- Ông hỏi làm gì?
Ông già mặt xanh tính tình nóng nảy, giơ tay lên, định tát cho cô gái một cái, nhưng nghĩ ra ỷ lớn ăn hiếp nhỏ, đàn ông bắt nạt đàn bà không vẻ vang gì, mình là hạng người như thế không lẽ hơn thua với một cô bé con? Thân hình hơi nhích một tí, y giơ tay chộp lấy thanh đoản kiếm Quách Tương đeo ở bên hông. Ông ta ra tay nhanh đến nỗi không ai có thể lường được, Quách Tương chỉ thấy một làn gió nhẹ vèo qua, một bóng người thấp thoáng, bội kiếm đã bị ông ta lấy mất.
Nàng không kịp đề phòng, lại không ngờ ông già làm thế, từ trước đến nay hành tẩu giang hồ chưa từng gặp phải bao giờ. Kỳ thực với võ công duyệt lịch như nàng, nếu tại giang hồ đi lại quả thực hết sức bất lợi, nhưng trong võ lâm, mười người thì đến tám chín biết nàng là con gái của Quách Tĩnh, Hoàng Dung. Đến sau khi Dương Quá truyền tin chúc mừng sinh nhật, bàng môn tả đạo ai ai cũng đều biết, nên nếu không nể mặt Quách Tĩnh, Hoàng Dung thì cũng phải nể mặt Dương Quá. Hơn nữa ngoài dung nhan mỹ lệ, tính cô lại hào sảng hiếu khách, nơi thị tứ dù người kéo xe, bán tương cho đến đồ tể, phu phen, nếu đã gặp cũng đều mua rượu cùng uống với họ một chén. Thành thử trên chốn giang hồ tuy phong ba hiểm ác, nàng cũng đều tai qua nạn khỏi, gặp dữ hóa lành, trước nay chưa bị làm khó dễ bao giờ.
Bây giờ bỗng nhiên bị ông già mặt xanh đoạt mất kiếm, nhất thời cô không biết phải làm sao, nếu tiến lên đoạt lại, thì biết võ công không bì kịp, còn nếu bỏ qua, thì trong lòng chịu sao được?
Ông già mặt xanh dùng ngón tay giữa và ngón tay trỏ tay trái kẹp lấy bao đoản kiếm, lạnh lùng nói:
- Thanh kiếm của ngươi, ta tạm giữ. Ngươi có gan vô lễ với ta như vậy, chắc là tại cha mẹ hay sư trưởng thiếu dạy dỗ. Ngươi bảo họ đến gặp ta để lấy lại thanh kiếm, để ta tử tế bảo cho họ biết, hầu dạy cho cha mẹ sư trưởng của ngươi một trận.
Câu nói đó làm cho Quách Tương tức giận đến nỗi mặt đỏ bừng. Nghe ông ta nói đã coi nàng là một đứa trẻ con nhà mất dạy, nên nghĩ thầm: “Giỏi nhỉ! Ngươi mắng chửi ta, lại còn dám chửi cả ông ngoại và cha mẹ ta, chắc ngươi có tài thông thiên, nên mới phách lối đến mức không sợ trời không sợ đất gì cả"..
Nàng định thần, cố nhịn, hỏi:
- Tên ông là gì?
Ông già mặt xanh hừ một tiếng, nói:
- Cái gì mà lại “Tên ông là gì?” Ta dạy cho ngươi biết, ngươi phải hỏi là :”Xin thỉnh giáo tôn tính đại danh của lão tiền bối?”
Quách Tương giận nói:
- Tôi chỉ hỏi cho biết tên ông vậy thôi. Ông không nói thì thôi, ai phải cầu cạnh? Thanh kiếm đó có đáng gì đâu? Ông già đầu không biết xấu, ăn cắp, ăn cướp của người khác, tôi không thèm lấy lại đâu.
Nói xong nàng quay lưng, toan đi ra khỏi thạch đình. Bỗng thấy trước mặt một bóng thấp thoáng, ông già lùn mặt đỏ đã chặn ngay trước mặt, cười hì hì:
- Con gái tính tình không nên nóng nảy như vậy, sau này về làm dâu nhà người ta, đâu có thể giữ mãi cái tính trẻ con như thế? Được rồi, để ta nói cho cô nghe, chúng tôi là ba người sư huynh đệ, mấy ngày qua đường xá xa xôi từ Tây Vực đến Trung Nguyên …
Quách Tương dẩu môi đáp:
- Ông không cần nói tôi cũng biết. Đất Thần Châu Trung Nguyên chúng tôi, không ai biết ba người các ông bao giờ.
Ba ông già nhìn nhau, ông già mặt đỏ hỏi:
- Xin hỏi cô nương, tôn sư là ai thế?
Quách Tương khi ở chùa Thiếu Lâm không chịu nói tên cha mẹ của mình, lúc này trong bụng tức lắm, nên nói:
- Cha tôi họ Quách, đơn danh một chữ Tĩnh. Mẹ tôi họ Hoàng, đơn danh một chữ Dung. Tôi không có sư phụ, chỉ nhờ cha mẹ dạy qua loa thôi.
Ba ông già lại nhìn nhau. Ông già mặt xanh lẩm bẩm: “Quách Tĩnh? Hoàng Dung? Họ thuộc môn phái nào thế nhỉ? Là đệ tử của ai?”
Quách Tương lúc này trong lòng bực không sao chịu nổi, nghĩ thầm tên tuổi cha mẹ mình ai ai cũng biết, đừng nói chi người trong võ lâm, mà đến dân thường, ai không biết Quách đại hiệp nghĩa thủ Tương Dương? Thế nhưng nhìn thần sắc của ba ông già này, không phải là giả vờ không biết. Nàng nghĩ một hồi, chợt vỡ lẽ: “Ba gã Côn Lôn Tam Thánh từ Tây vực xa xôi, trước nay chưa hề vào Trung Thổ. Tuy họ võ công cao như thế nhưng cha mẹ ta cũng chưa đề cập đến tên tuổi họ bao giờ, cho nên không biết được tên hai ông bà thật cũng không có gì lạ. Ắt là họ ở sâu trong núi Côn Lôn, chăm chỉ tập luyện võ công, xưa nay không hề nghe đến chuyện bên ngoài." Nghĩ như vậy, trong lòng mới thấy nhẹ nhõm, nộ khí tiêu tan. Nàng vốn dĩ không phải là người tính tình nhỏ nhặt, chấp nhất, nên nói:
- Tôi họ Quách, tên Tương, là chữ Tương trong tên thành Tương Dương đó. Hay lắm, tôi đã cho các ông biết tên tôi rồi. Xin hỏi ba vị lão tiên sinh tôn tính đại đanh là gì?
Ông già mặt đỏ cười hì hì nói:
- Phải đó, cô bé con ngoan lắm, dạy một lần là nhớ ngay, thế mới là đạo lý tôn trọng bậc trưởng bối.
Nói rồi chỉ ông già mặt vàng:
- Vị này là đại sư ca của anh em ta, họ Phan, tên là Thiên Canh. Ta là nhị sư huynh, họ Phương, tên gọi Phương Thiên Lao.
Tay chỉ ông già mặt xanh nói:
- Còn đây tam sư đệ, họ Vệ, tên là Thiên Vọng. Bọn ta có ba anh em, trong tên ai cũng có chữ Thiên cả.
Quách Tương à một tiếng, nhẩm lại một lượt, rồi hỏi:
- Các ông chẳng hay đã lên đến chùa Thiếu Lâm chưa? Các ông đã tỉ thí võ nghệ với các hòa thượng trên chùa chưa? Hai bên, bên nào võ công cao cường hơn?
Ông già mặt xanh Vệ Thiên Vọng hừ một tiếng, gay gắt hỏi lại:
- Sao cái gì ngươi cũng biết thế? Bọn ta muốn tỉ thí võ nghệ với các hòa thượng chùa Thiếu Lâm, thiên hạ ít ai biết, làm sao ngươi lại biết? Nói mau, nói mau!
Nói rồi ông ta sấn tới trước mặt Quách Tương, tay phải nắm chặt, hung hăng trừng mắt nhìn cô gái. Quách Tương nghĩ thầm:
- Đời nào ta để cho y uy hiếp? Có nói cho ngươi hay cũng không có gì quan trọng, nhưng ngươi càng dữ dằn, ta càng không thèm nói.
Cô trợn mắt nhìn y một cái, thản nhiên nói:
- Tên của ông nghe không hay, sao không đổi thành “Thiên Ác” có hơn không?
Vệ Thiên Vọng giận dữ:
- Cái gì?
Quách Tương đáp:
- Hung thần ác sát như ông trên đời ít có, đã giựt mất kiếm của tôi, lại còn hầm hầm, có phải là sao Thiên Ác trên trời xuống đây hay không?
Vệ Thiên Vọng gầm gừ trong họng mấy tiếng như con thú, ngực bỗng phồng lên thật lớn, tóc và lông mày như muốn dựng cả lên. Ông già mặt đỏ Phương Thiên Lao vội kêu lên:
- Tam đệ, không được nổi nóng.
Lập tức nắm vai Quách Tương lôi về phía sau vài thước, lấy thân mình chắn giữa hai người. Quách Tương thấy Vệ Thiên Vọng như thế, nếu y quả thực ra tay ắt nàng không sao chống đỡ được, trong lòng không khỏi hơi khiếp sợ. Vệ Thiên Vọng tay phải rút kiếm ra khỏi bao, tay trái hai ngón tay kẹp lấy mũi kiếm, vận sức vào đốt ngón tay, nghe cách một tiếng, đầu kiếm đã gãy làm hai, rồi bỏ cả hai mảnh trở lại bao, nói:
- Ai thèm lấy cái thứ kiếm vô dụng của ngươi làm gì!
Quách Tương thấy kình lực ngón tay của y lợi hại như thế không khỏi hãi sợ. Vệ Thiên Vọng thấy nàng biến sắc, đắc ý ngửng đầu cười ha hả. Tiếng cười của y ù cả tai, rung động đến nỗi ngói trên mái đình cũng kêu lách cách.
Trong khi tiếng vang chưa dứt, bỗng dưng mái đình thủng một mảng lớn, một vật gì đó rơi bịch xuống đất. Mọi người ai nấy giật mình, đến Vệ Thiên Vọng cũng không tưởng nổi y nội lực sung túc đến mức tiếng cười có thể làm chấn động mái ngói. Thực ra tiếng cười của y không hàm ý vui vẻ mà chỉ là vận kình kêu lên “ha ha” vài tiếng, vậy mà làm thủng được mái ngói, khiến y vừa mừng vừa sợ, không ngờ gần đây nội lực của mình lại tiến bộ đến thế. Thế nhưng nhìn lại cái vật vừa rơi xuống lại càng sợ hơn, chỉ thấy đó là một hán tử trung niên mặc áo trắng, hai tay ôm một cây dao cầm, lăn quay dưới đất, mắt vẫn nhắm nghiền ngủ say sưa.
Quách Tương vui mừng nói:
- Ồ, ông cũng ở đây sao?
Hóa ra người đàn ông này chính là người ngồi đánh đàn nàng gặp mấy hôm trước trên núi. Người đó nghe tiếng Quách Tương, vội nhỏm dậy, nói:
- Cô nương, tôi đang đi tìm cô, không ngờ lại gặp nhau ở đây.
Quách Tương hỏi:
- Ông đi kiếm tôi có chuyện gì thế?
Người đó đáp:
- Tôi quên không thỉnh giáo tôn tính đại danh của cô nương.
Quách Tương nói:
- Cái gì mà tôn tính đại danh? Những lời màu mè giả dối đó tôi không thích chút nào.
Người nọ khựng lại, cười đáp:
- Đúng lắm, đúng lắm. Càng để ý đến hư văn, loại người đó càng không có chân tài thực học. Hạng đó đi lòe mấy người nhà quê, chứ làm được chuyện gì.
Y vừa nói vừa liếc nhìn Vệ Thiên Vọng, cười khẩy mấy tiếng. Quách Tương mừng lắm, không ngờ người này biết hết mọi chuyện, cố ý giúp đỡ mình.
Vệ Thiên Vọng thấy người nọ liếc mình, mặt y đã xanh lại càng xanh thêm, lạnh lùng hỏi:
- Tôn giá là ai?
Người nọ không thèm để ý tới y, nói với Quách Tương:
- Cô nương, tên cô là gì nhỉ?
Quách Tương nói:
- Tôi họ Quách, đơn danh Tương.
Người nọ vỗ tay:
- A, thật đúng là có mắt mà không thấy núi Thái Sơn, hóa ra đây là Quách đại cô nương, người mà bốn bể ai cũng nghe danh. Lệnh tôn là Quách Tĩnh Quách đại hiệp, lệnh đường Hoàng Dung Hoàng nữ hiệp, trừ bọn vô tri vô thức, không biết trời trăng gì mới không biết đến, chứ trên giang hồ có ai không hay, có ai không biết? Hai vị đó văn võ song toàn, đao thương kiếm kích, quyền chưởng khí công, cầm kỳ thư họa, thi từ ca phú, xưa nay không môn gì không hơn người, ai mà bì kịp. Ha ha, chỉ có cái bọn thong manh, mới không nghe đến tiếng vang vọng của hai ông bà.
Quách Tương trong lòng thật vui, nghĩ thầm : “Thì ra ngươi ẩn náu ở trên nóc đình, đã nghe thấy những gì ta nói với ba người này rồi. Xem ra chính ngươi cũng chẳng biết gì về cha mẹ ta. Ta thứ hai, vậy mà gọi là đại cô nương, lại bảo cha ta cũng thông cầm kỳ thư họa, thi từ ca phú, thật đáng nực cười”.
Nghĩ như thế nên nàng cười hỏi lại:
- Thế còn tên ông là gì?
Người kia đáp:
- Tôi họ Hà, tên là Túc Đạo.
Quách Tương cười:
- Hà Túc Đạo, Hà Túc Đạo ư? Cái tên ông sao khiêm tốn quá vậy.[7]
Hà Túc Đạo nói:
- So với cái bọn thiên gì, địa gì khoác lác không biết xấu hổ, cái thứ nhãi nhép cuồng vọng tự tôn, thùng rỗng kêu to chỉ tổ làm người ta buồn mửa.
Hà Túc Đạo liên tiếp mỉa mai châm chọc bọn ba anh em Vệ Thiên Vọng. Ba người thấy y ép sập nóc đình rơi xuống, hẳn không tầm thường, lúc đầu họ còn cố nhịn, để xem bạch y quái khách này là hạng người nào. Thế nhưng càng nghe lời lẽ y càng chua cay, Vệ Thiên Vọng thấy không còn chịu nổi, vung tay nhắm ngay má trái của y đánh ra một chưởng.
Hà Túc Đạo hơi cúi đầu, luồn dưới cánh tay y mà lách qua. Vệ Thiên Vọng chỉ thấy cổ tay trái hơi tê, thanh kiếm trong tay y đã bị đoạt mất. Lúc Vệ Thiên Vọng đoạt kiếm của Quách Tương, thân pháp thật là nhanh, khiến người ta không sao nhìn rõ, nhưng lúc này Hà Túc Đạo lách qua nhẹ nhàng thuận tay lấy lại thanh đoản kiếm, từ thân pháp đến cử động, không có điểm nào khác thường.
Vệ Thiên Vọng kinh hãi, tiến lên một bước, mấy ngón tay như cái móc, chộp luôn vào vai y. Hà Túc Đạo lại nghiêng người né tránh, trảo đó lướt qua thân y. Phan Thiên Canh và Phương Thiên Lao đột nhiên nhảy lùi lại ra ngoài đình. Vệ Thiên Vọng tả quyền hữu chưởng đánh ra, tiếng gió kêu vù vù, chỉ giây lát đã đánh ra bảy tám chiêu liền. Hà Túc Đạo né trái lách phải, khiến đến vạt áo cũng không chạm đến. Tay y cầm thanh đoản kiếm, đối với quyền chiêu gió táp mưa sa của đối phương không hề đỡ gạt, chỉ nhẹ nhàng nghiêng người đã làm cho Vệ Thiên Vọng đánh hụt ra ngoài.
Đối với lứa tuổi của Quách Tương, tuy võ thuật nàng không tinh thâm nhưng trong những người quen biết không hiếm cao thủ vào hạng nhất, kiến thức lại hơn người, thấy Hà Túc Đạo cử động trông nhẹ nhàng nhưng thân pháp hết sức xảo diệu, né tránh những chiêu thức cực kỳ cương mãnh của địch, võ công thân pháp thành riêng một nhà, so với các môn phái ở Trung Thổ không giống ai, càng xem càng thấy kỳ lạ.
Vệ Thiên Vọng liên tiếp đánh ra hơn hai chục chiêu vẫn không ép được đối phương xuất thủ, hự một tiếng nhỏ, quyền pháp bất ngờ đổi hẳn, xuất chiêu chậm chạp, nhưng quyền lực nặng nề. Quách Tương đứng ở bên trong đình, cảm thấy quyền phong càng lúc càng nặng đẩy nàng từng bước lùi ra bên ngoài.
Lúc này Hà Túc Đạo không còn có thể chỉ né tránh mà không trả đòn, y cài đoản kiếm vào dây lưng, hai chân đứng vững lại, quát lên:
- Ngươi biết ngạnh công, tưởng ta không biết sao?
Đợi Vệ Thiên Vọng hai chưởng đánh tới, tay trái phản kích lại một chưởng, lấy ngạnh công chống với ngạnh công, nghe bình một tiếng, Vệ Thiên Vọng thân hình hơi lảo đảo, lùi lại hai bước. Hà Túc Đạo đứng nguyên một chỗ không động đậy.
Vệ Thiên Vọng vẫn tự cho là mình ngoại môn ngạnh công trên đời ít ai bì kịp, nào ngờ đối phương lấy cứng chống cứng không hề mượn sức hay trổ tài khéo léo, đẩy mình lùi lại. Y trong lòng không phục, hít một hơi, quát lên một tiếng, hai chưởng lại đánh ra. Hà Túc Đạo cũng quát lên một tiếng, đánh lại một chưởng. Chỉ nghe tiếng ầm ầm liên tiếp, khiến cho lỗ hổng trên mái đình đất đá rơi xuống rào rào.
Vệ Thiên Vọng lùi lại bốn bước, sau cùng cũng đứng lại được. Y đỡ xong hai chưởng này, đầu tóc rồi bù, hai mắt lồi ra, hình dáng trông thật dễ sợ. Hai tay y ôm vào đan điền, thở hù hù vận khí mấy lần, ngực lõm vào, bụng lại phình ra như cái trống, toàn thân các khớp xương kêu lốp cốp, từng bước từng bước chậm chậm bước về phía Hà Túc Đạo.
Hà Túc Đạo thấy tình thế của y như vậy, không dám coi thường, điều vận chân khí, đứng chờ thế của địch.
Vệ Thiên Vọng đi đến còn cách đối phương chừng bốn năm thước, đã tưởng phát chiêu, nào ngờ không ngừng bước mà vẫn tiếp tục tiến thêm hai bước nữa, đến đứng đối diện tưởng như hơi thở của nhau có thể cảm thấy được, lúc ấy hai chưởng mới tung ra, một chưởng đánh vào mặt, một chưởng lại đánh vào bụng dưới. Lần này y phân ra hai chưởng, cốt để đối thủ phải phân lực ra làm hai. Chiêu thế cũng như chưởng lực đều thật là hùng mạnh.
Hà Túc Đạo cũng lập tức hai chưởng đưa ra, hai tay chéo lại, tay trái y đỡ lấy tay trái địch thủ, tay phải y đỡ lấy tay phải của địch, nhưng chưởng lực lại phân thành một cương, một nhu. Vệ Thiên Vọng chỉ thấy chưởng của y đánh vào bụng dưới địch như đánh vào chỗ không, còn tay phải đánh vào mặt thì như đụng phải tường đồng vách sắt, biết là không ổn, chỉ thấy mình bị một lực to lớn đánh vào, khiến cả thân hình y bị đẩy văng ra khỏi thạch đình.
Kỳ này hai người lấy cứng chọi cứng, dùng lực chống lực, ai yếu hơn sẽ bị thương, không thể nào lấy gì ngoắt ngoéo. Dù cho Vệ Thiên Vọng có gượng đứng được, hoặc một chiêu đã ngã, thì chưởng lực của chính y phản kích trở lại, lại thêm chưởng lực của Hà Túc Đạo, ắt y thể nào cũng phải hộc máu tươi. Phan Thiên Canh và Phương Thiên Lao cùng kêu lên:
- Ra tay!
Hai người đồng thời nhảy tới, cùng chia nhau mỗi người nắm một cánh tay của Vệ Thiên Vọng nhắc lên, có thế mới tiêu trừ được chưởng lực cương mãnh của Hà Túc Đạo. Vệ Thiên Vọng tuy chưa bị thương, nhưng ruột gan đã chấn động, xương cốt toàn thân tưởng như nát nhừ, thở không ra hơi, không đứng nổi. Ông già lùn mặt đỏ Phương Thiên Lao thấy sư đệ bị một trận đau như thế, trong bụng vừa giận vừa sợ, nhưng mặt ngoài vẫn cười hì hì, nói:
- Các hạ chưởng lực mạnh như thế, quả thực trên đời ít thấy, bội phục bội phục.
Quách Tương nghĩ thầm: “Nói đến chưởng lực cương mãnh hùng hậu, ai bằng được Hàng Long Thập Bát Chưởng của cha ta? Bọn Côn Lôn Tam Thánh các ngươi trốn lánh ở chốn hoang sơn, ếch ngồi đáy giếng, tưởng là mình giỏi, rồi sẽ có ngày biết đến võ công Trung Thổ”. Nàng nghĩ đến đây, trong lòng hơi se lại, vì lúc nàng muốn cho bọn Phương Thiên Lao biết đến võ công Trung Thổ, không phải là biết đến phụ thân mà chính là Dương Quá.
Chỉ nghe Phương Thiên Lao nói tiếp:
- Tiểu lão nhi bất tài, xin ra lãnh giáo kiếm pháp của các hạ.
Hà Túc Đạo nói:
- Phương huynh đối xử với Quách cô nương thật nể nang, tại hạ không trách gì cả, chúng ta tỉ thí làm gì.
Quách Tương ngạc nhiên: “Ngươi cho gã họ Vệ kia một phen khổ sở, nguyên lai chỉ vì y đối với ta không nể nang ư?”
Phương Thiên Lao đến bên con ngựa y cưỡi, từ bao vải lấy ra một thanh trường kiếm, nghe một tiếng soẹt, đã rút ra khỏi vỏ, giơ ngón tay búng vào thân kiếm một cái, tiếng u u nổi lên một hồi lâu không dứt. Khi kiếm đã trong tay, nụ cười trên môi lập tức biến mất, tay trái bắt kiếm quyết đưa ra trước mặt, ngón tay đưa lên, tay phải cầm kiếm chỉ lên trời không động đậy, chính là chiêu “Tiên Nhân Chỉ Lộ”.
Hà Túc Đạo nói:
- Nếu quả Phương huynh muốn động thủ, thì tôi xin dùng đoản kiếm của Quách cô nương thử một vài chiêu.
Y nói rồi rút ra nửa thanh kiếm gãy. Thanh kiếm đó vốn đã dài không quá hai thước, sau khi Vệ Thiên Vọng dùng ngón tay bẻ gãy rồi, lưỡi kiếm chỉ còn bảy tám tấc. Đầu kiếm lại thẳng không nhọn, đến như con dao găm cũng không bằng. Tay trái y cầm bao kiếm, tay phải cầm thanh kiếm gãy nhảy vào tấn công.
Lần nay y ra tay cực kỳ nhanh nhẹn, trước mắt Phương Thiên Lao chỉ thấy một vệt trắng thấp thoáng, Hà Túc Đạo đã liên tiếp công kích ba chiêu, tuy rằng thanh kiếm gãy quá ngắn không làm y bị thương, nhưng Phương Thiên Lao trong bụng cũng hãi sợ, nghĩ thầm: “Ba chiêu này nhanh thật, quả không dễ gì né tránh, kiếm pháp này là kiếm pháp gì đây? Nếu trong tay y mà là trường kiếm thì có lẽ máu mình đã đổ ra tại chỗ rồi.”
Hà Túc Đạo tấn công ba chiêu xong, lui ra một bên, đứng yên bất động. Phương Thiên Lao khai triển kiếm pháp, nửa thủ nửa công, hung hăng xông tới. Hà Túc Đạo né qua một bên, nhưng không trả đòn, lại bất ngờ tấn công ba chiêu thật nhanh, ép Phương Thiên Lao phải tay chân lúng túng, rồi lại nhảy ra ngoài đứng chờ. Thanh kiếm trong tay Phương Thiên Lao lại tung ra tấn công, chỉ thấy ánh sáng trắng nhấp nháy, cực kỳ nhanh nhẹn.
Quách Tương nghĩ thầm: “Lão già này chiêu số thật là cương mãnh, độc địa, so với chưởng pháp của lão họ Vệ cũng cùng một lối, có điều có thêm ba phần linh động, lại có vẻ lợi hại hơn …” Vừa nghĩ tới đây, chợt nghe Hà Túc Đạo quát lên: “Cẩn thận nhé”. Chữ nhé vừa ra khỏi miệng, bao kiếm bên tay trái giơ lên, nhanh như điện chớp, nghe xẹt một tiếng nhỏ, bao kiếm trong tay đã chụp lấy mũi kiếm của Phương Thiên Lao, kiếm bên tay phải nhanh nhẹn chĩa ngay vào yết hầu địch thủ.
Trường kiếm của Phương Thiên Lao không còn tự do, không cách gì có thể thu kiếm về để gạt, mắt thấy kiếm đâm vào cổ họng mình, chỉ còn cách bỏ thanh kiếm, lăn ngay xuống đất, mới tránh được chiêu này. Y chưa kịp đứng dậy, một bóng người thấp thoáng, Phan Thiên Canh đã vọt mình nhảy tới, chộp lấy chuôi thanh trường kiếm, xoay mình một cái, rút ra khỏi bao. Cả Hà Túc Đạo lẫn Quách Tương đều lên tiếng khen ngợi:
- Hảo thân pháp!
Ông già mặt trông như người bệnh ấy trước sau không thốt ra một lời, võ công hóa ra cao nhất trong ba người. Hà Túc Đạo nói:
- Công phu của các hạ cao cường, tại hạ thật bội phục.
Nói rồi quay đầu lại nói với Quách Tương:
- Quách cô nương, từ khi được nghe nhã tấu của cô nương hôm trước, tôi đã sáng tác một bản đàn, mong được cô nương bình phẩm.
Quách Tương nói:
- Bản đàn nào thế?
Hà Túc Đạo ngồi xuống xếp bằng, lấy cây dao cầm đặt lên lòng, lên dây thử vận, rồi bắt đầu gẩy đàn.
Phan Thiên Canh nói:
- Các hạ liên tiếp đánh bại hai người sư đệ của tôi, họ Phan này muốn được thỉnh giáo.
Hà Túc Đạo xua tay:
- Chuyện tỉ thí võ công đã qua rồi, không còn hứng thú gì nữa. Đây là một bản đàn mới, ta đang muốn gẩy cho Quách cô nương nghe. Ba vị nếu như muốn nghe, xin mời ngồi xuống, nếu như không hiểu, xin cứ tự tiện.
Tay trái ấn phím, tay phải bắt đầu đánh đàn. Quách Tương chỉ mới nghe vài nốt, bất giác vừa mừng vừa sợ. Hóa ra bản đàn này một phần là từ “Khảo Bàn” là khúc nàng đã tấu qua, nhưng một phần khác lại từ trong thơ “Kiêm Gia”, hai bản không cùng một điệu, nhưng y đã hòa lại với nhau, một ứng một đáp, nghe ra thật là kỳ diệu. Tuy nhiên khi nghe cầm vận tới đoạn “khảo bàn tại giản, thạc nhân chi khoan. Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương, sở vị y nhân, tại thiên nhất phương … thạc nhân chi khoan, thạc nhân chi khoan … tố hồi tòng chi, đạo trở thả trường, tố du tòng chi, uyển tại thủy trung ương … độc tẩm ngụ ngôn, vĩnh thỉ vật huyên, vĩnh thỉ vật huyên …” Quách Tương trong lòng thấy hơi chạnh lòng: “Trong tiếng đàn của y có nói đến y nhân, chẳng lẽ nhắc đến ta ư? Sao điệu đàn có vẻ ý tứ triền miên đến thế, nghe đầy những nhớ thương cảm mến?” Nghĩ đến đây, nàng không khỏi ửng hồng đôi má. Có điều điệu đàn đó biến chuyển thực là khéo léo, nguyên vận hai bài “Khảo Bàn” và “Kiêm Gia” không lạc nhau chút nào, hai bên nhịp nhàng đối đáp, song vẫn giữ được tất cả những hoa mỹ của cả hai. Trong đời nàng chưa bao giờ được nghe một khúc nhạc như thế cả.
Thế nhưng bọn Phan Thiên Canh ba người chẳng ai hiểu gì. Họ không biết rằng Hà Túc Đạo là người hơi điên khùng, có chút mê mẩn của một cuồng sĩ, vừa làm được một bản đàn, nhất định phải kiếm Quách Tương để gẩy cho nghe bằng được, huống chi khúc đàn này cũng vì nàng mà sáng tác, nên lúc ấy mọi việc đều gác sang một bên. Thế nhưng ba ông già thấy y ngưng thần đánh đàn, chẳng thèm để ý chi đến mình, quả thực hết sức khinh người, làm sao họ có thể nhịn nổi? Phan Thiên Canh vung thanh trường kiếm, điểm ngay vào vai bên trái Hà Túc Đạo, hét lớn:
- Mau đứng lên, ta với ngươi hai người so tài nào!
Hà Túc Đạo toàn thể tâm trí đang để vào tiếng đàn, tưởng mình đang là một thư sinh ngao du nơi khe núi, ngắm một thiếu nữ ôn nhu đứng trên một hòn đảo nhỏ xa xa, lòng không ngại núi non cách trở, đang cố tìm cách qua gặp nàng …
Bỗng dưng thấy vai trái nhói một cái, y liền tỉnh mộng, quay đầu nhìn lại, thấy trường kiếm trong tay Phan Thiên Canh đã chỉ vào đầu vai mình, đâm nhẹ vào da, nếu không đỡ gạt, e rằng đối phương sẽ tiện đà đâm tới khiến cho bị thương. Thế nhưng bản đàn chưa tấu xong, tục nhân lại ở bên cạnh quấy nhiễu, thực là phá đám. Y lập tức cầm thanh kiếm gãy, keng một tiếng, gạt thanh trường kiếm của Phan Thiên Canh ra, tay phải vẫn tiếp tục gảy đàn.
Lúc này Hà Túc Đạo mới giở tuyệt kỹ bình sinh, tay phải đàn cầm, tay trái sử kiếm. Y không sao nhấn phím được nên nhắm năm dây đàn dùng sức thổi một cái, dây đàn lập tức lõm xuống, tay phải tiếp tục gảy như thường, tiếng đàn cao thấp trầm bổng, vẫn uyển chuyển như ý.
Phan Thiên Canh cấp tốc công kích mấy chiêu, Hà Túc Đạo thuận tay gạt ra, hai mắt vẫn chăm chú nhìn dây đàn, chỉ e hơi thổi ra không trúng tiết, làm loạn tiếng đàn. Phan Thiên Canh càng thêm giận dữ, kiếm chiêu càng công càng nhanh, nhưng bất luận kiếm của y từ phương nào đâm tới, đều bị Hà Túc Đạo nhẹ nhàng gạt qua một bên.
Quách Tương nghe tiếng đàn, trong lòng nổi nhạc hứng, không để ý gì đến những đường kiếm đánh tới của Phan Thiên Canh, thế nhưng hai thanh kiếm chạm nhau làm cho cầm thanh bị loạn. Hai tay nàng đánh nhịp theo tiếng đàn, nhíu mày nhìn Phan Thiên Canh nói:
- Ông ra chiêu lúc nhanh lúc chậm không hợp với tiếng đàn, bộ ông không biết gì về âm nhạc ư? Hừ, ông phải nghe theo tiếng đàn mà xuất kiếm, có theo nhịp thì nghe mới được.
Phan Thiên Canh đời nào để ý đến cô, chỉ thấy trước mặt kẻ địch ngồi xếp bằng trên đất, tay chỉ cầm một thanh kiếm gãy, mắt chăm chú nhìn dây đàn, vậy mà mình không sao chạm được vào y, lại càng nóng ruột. Đột nhiên y đổi kiếm pháp, công kích càng nhanh hơn, hai món binh khí chạm nhau leng keng như tiếng mưa rào. Âm thanh cấp bách đó so với tiếng đàn ôn nhã triền miên quả thực không hài hòa chút nào.
Hà Túc Đạo nhướng đôi lông mày, truyền kình lực vào thanh đoản kiếm, nghe cách một tiếng, thanh kiếm trong tay Phan Thiên Canh lập tức gãy ra làm đôi. Thế nhưng cũng lúc đó, dây thứ năm trong bảy dây đàn cũng đứt theo. Phan Thiên Canh mặt xám như tro, không nói một lời, chuyển thân chạy ra khỏi đình. Ba người nhảy lên lưng ngựa, chạy vọt lên hướng triền núi.
Quách Tương thật lạ lùng, nói:
- Hừ, ba người này đánh đã thua rồi, tại sao còn chạy lên chùa Thiếu Lâm? Bộ họ muốn chết hay sao chứ?
Nàng quay đầu lại, thấy Hà Túc Đạo mặt buồn thiu, tay vuốt ve dây đàn, tưởng như không nói lên được nỗi đau khổ của mình. Quách Tương nghĩ thầm: “Một sợi dây đàn, có đáng gì đâu?”.Lập tức tiếp lấy cây dao cầm cởi đoạn dây đàn bị đứt mở dây đàn ra căng lại sợi dây mới.
Hà Túc Đạo lắc đầu thở dài, nói:
Uổng phí bao năm tu tập, cuối cùng rồi lòng vẫn chưa tĩnh được. Tuy tay trái tôi đưa kình lực ra làm gãy được kiếm của y, nhưng tay phải cũng lại làm đứt dây đàn.
Bấy giờ Quách Tương mới rõ, nguyên là y thất vọng vì võ công của mình luyện chưa thuần thục, nên cười đáp:
- Việc ông có thể tay trái dũng mãnh công địch , tay phải lại thư thả chậm rãi gẩy đàn, là phép phân tâm nhị dụng, trên cõi đời này hiện nay chỉ có ba người làm được thôi. Ông luyện chưa đến mức đó, cũng không có gì phải bực mình.
Hà Túc Đạo hỏi lại:
- Ba người đó là ai?
Quách Tương đáp:
- Vị thứ nhất là Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, người thứ hai là cha tôi, còn người thứ ba là Dương phu nhân Tiểu Long Nữ. Trừ ba người ấy ra, dù cho là ông ngoại tôi Đào hoa đảo chủ, hay mẹ tôi, hoặc Thần Điêu đại hiệp Dương Quá, là những người võ công rất cao, nhưng cũng không làm được.
Hà Túc Đạo nói:
- Thế gian có những kỳ nhân như thế, bao giờ có dịp mong cô đưa tôi đến gặp họ.
Quách Tương buồn bã nói:
- Muốn gặp cha tôi thì không khó, còn hai vị kia, không biết đi đâu để kiếm họ được.
Nàng thấy Hà Túc Đạo ngơ ngẩn xuất thần, lại nghĩ đến chuyện đứt dây đàn, nên an ủi y:
- Ông chỉ giơ tay đã đánh bại được Côn Lôn Tam Thánh, cũng đủ hãnh diện với đương thế rồi, hà tất vì chuyện nhỏ mọn là đứt dây đàn mà rầu rĩ không vui?
Hà Túc Đạo giật mình kinh hãi, hỏi lại:
- Côn Lôn Tam Thánh ư? Cô nói gì? Sao cô lại biết?
Quách Tương cười đáp:
- Ba lão già đó từ Tây Vực đến, ắt là Côn Lôn Tam Thánh đó. Bọn họ võ công quả nhiên có chỗ độc đáo, chỉ có điều khiêu chiến với chùa Thiếu Lâm, e rằng không tự lượng sức mình …
Nàng thấy sự kinh hoàng của Hà Túc Đạo mỗi lúc một nhiều, nên không dám nói tiếp nữa, hỏi lại:
- Có gì kỳ quái?
Hà Túc Đạo lẩm bẩm:
- Côn Lôn Tam Thánh, Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo chính là tôi đây.
Quách Tương giật mình kinh hãi, nói:
- Ông là Côn Lôn Tam Thánh ư? Vậy còn hai người kia đâu?
Hà Túc Đạo nói:
- Côn Lôn Tam Thánh chỉ có một người, xưa nay không phải ba người bao giờ. Tôi ở Tây Vực cũng có được một chút danh nho nhỏ, bạn bè ở đó nói tôi có ba tuyệt kỹ, cầm kỳ kiếm, có thể nói là cầm thánh, kỳ thánh, kiếm thánh. Nhân vì tôi sinh trưởng trong núi Côn Lôn, nên gán cho tôi một cái ngoại hiệu, gọi là Côn Lôn Tam Thánh. Thế nhưng tôi nghĩ cái chữ “thánh” đó, đâu phải dễ dàng gì mà xưng như thế? Thế nhưng người khác đã dát vàng lên trên mặt mình rồi, không thể từ chối được. Thành thử, tôi phải đổi tên, gọi mình là “Túc Đạo”, nối liền với nhau, thành là Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo[8] để cho người khác nghe được không cho là tôi cuồng vọng tự đại.
Quách Tương vỗ tay cười:
- Hóa ra là như thế. Tôi vẫn tưởng là Côn Lôn Tam Thánh phải là ba người. Thế ba ông già đó là ai?
Hà Túc Đạo nói:
- Bọn họ ư? Họ thuộc phái Thiếu Lâm.
Quách Tương lấy làm lạ, nói:
- Nguyên lai ba người này thuộc phái Thiếu Lâm. Ừ, võ công của họ quả đúng là cương mãnh. Không sai, ông già mặt đỏ sử dụng chính là Đạt Ma kiếm pháp. Đúng rồi, ông già bệnh hoạn mặt vàng lúc sau công kích thật gấp, chẳng phải Vi Đà Phục Ma kiếm hay sao? Chỉ vì họ thêm thắt biến hóa nhiều, nhất thời tôi không nhận ra được. Nhưng sao họ lại từ Tây Vực đến đây?
Hà Túc Đạo nói:
- Chuyện này nói ra cũng có nguyên nhân. Mùa xuân năm ngoái, tôi ở tại đỉnh Kinh Thần Phong gẩy đàn, bỗng đâu nghe ngoài lều tranh có tiếng đấm đá, vội ra xem, thấy hai người đang vật nhau, cả hai đều đã trọng thương, nhưng vẫn tận lực chiến đấu. Tôi quát họ bắt ngừng tay, nhưng không ai chịu yên, tôi phải đến can hai người ra. Một trong hai người chỉ trợn ngược mắt lên rồi chết, người kia còn thoi thóp. Tôi đưa y vào trong lều, cho y uống một viên Thiếu Dương đơn, cứu chữa nửa ngày, nhưng vì bị thương quá nặng, linh đơn không cứu mạng nổi. Khi y sắp chết, nói tên là Doãn Khắc Tây …
Quách Tương A lên một tiếng, nói:
- Phải chăng người đánh nhau với y là Tiêu Tương Tử? Người đó thân hình cao gầy, mặt trông như xác chết, phải không?
Hà Túc Đạo lạ lùng:
- Đúng vậy, sao cô cái gì cũng biết?
Quách Tương đáp:
- Tôi đã gặp họ rồi, không ngờ hai tên thân thiết như thế, cuối cùng lại đánh nhau đến chết.
Hà Túc Đạo nói:
- Doãn Khắc Tây nói rằng y một đời làm nhiều điều tàn ác, đến khi sắp chết, hối hận cũng đã muộn. Y nói y và Tiêu Tương Tử hai người vào chùa Thiếu Lâm ăn cắp một bộ kinh thư, nhưng người nọ e dè người kia, không ai dám để người kia coi trước, sợ nếu đối phương võ công cao hơn, sẽ ra tay trừ khử mình, chiếm lấy bộ kinh. Hai người ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, một bước không rời nhau. Thế nhưng ăn thì sợ người kia hạ độc, ngủ thì sợ người kia ám toán, lúc nào cũng nơm nớp không an, lại sợ hòa thượng chùa Thiếu Lâm đuổi theo, nên phải chạy đến Tây Vực. Đến khi họ đến được Kinh Thần Phong, hai người đã gân cốt rã rời, nhưng không ai chịu ai, cuối cùng ra tay đánh nhau. Doãn Khắc Tây nói là Tiêu Tương Tử vốn võ công cao hơn y, lại ra tay đánh y trước một chưởng, nhưng kết quả y vẫn chiếm thượng phong. Sau y mới nghĩ ra rằng, Tiêu Tương Tử khi ở trên núi Hoa Sơn đã bị trọng thương, nguyên khí vẫn chưa hồi phục. Nói trắng ra, nếu hai người không e ngại lẫn nhau, chắc cũng không thể nào lên tới núi Côn Lôn được.
Quách Tương nghe câu chuyện, nghĩ đến hai người đường đi lúc nào cũng lo ngay ngáy, đến chết cũng vẫn còn chưa yên bụng, không khỏi thương cảm, nên than:
- Chỉ vì một bộ kinh thư, đến nỗi sinh ra cớ sự.
Hà Túc Đạo nói:
- Tên Doãn Khắc Tây nói xong câu chuyện, hơi đã đứt đoạn, sau cùng cầu tôi đến chùa Thiếu Lâm, nói lại với một vị tên hòa thượng tên là Giác Viễn, rằng kinh thư ở trong dầu chi đó. Tôi nghe thấy kỳ quái, cái gì mà lại kinh thư ở trong dầu? Định sẽ hỏi lại cho kỹ, nhưng nào ngờ y không còn chịu nổi, đã hôn mê bất tỉnh rồi. Tôi đợi y tỉnh lại sẽ hỏi cho ra lẽ, nào ngờ y thiếp đi rồi không tỉnh nữa. Tôi nghĩ hay là bộ kinh đó bao trong tấm vải tẩm dầu chăng? Thế nhưng tra xét khắp người hai tên này, không thấy gì cả. Nhận lời ủy thác của người, phải làm tròn việc. Tôi bình sinh chưa đặt bước đến Trung Thổ, cũng muốn nhân dịp này du ngoạn một phen, vì thế đến chùa Thiếu Lâm là vậy.
Quách Tương hỏi lại:
- Thế sao ông lại đến chùa Thiếu Lâm hạ chiến thư, muốn cùng bọn họ tỉ thí võ nghệ?
Hà Túc Đạo mỉm cười:
- Chuyện đó cũng là từ ba gã này mà ra. Ba người này là đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm Tây Vực. Cứ theo người trong võ lâm Tây Vực nói, họ đều là trong hàng chữ “Thiên”, cùng hàng với phương trượng chùa Thiếu Lâm Thiên Minh thiền sư. Hình như sư tổ của họ trước đây có chuyện bất đồng với sư huynh đệ, giận dữ bỏ đi, truyền ra một phái Tây Vực Thiếu Lâm. Nguyên võ công của phái Thiếu Lâm, tổ sư Đạt Ma truyền từ Thiên Trúc sang Trung Thổ, nay từ Trung Thổ lại truyền sang Tây Vực, cũng không có gì là lạ. Ba người đó nghe danh hiệu tôi là Côn Lôn Tam Thánh nên muốn đến so tài cao thấp. Họ tự hào là võ Thiếu Lâm thiên hạ vô địch, tôi muốn xưng cầm thánh, kỳ thánh thì cũng không sao. Còn cái danh hiệu kiếm thánh thì nhất định không chịu, không bỏ đi không được, chỉ được xưng là nhị thánh chứ không thể xưng là tam thánh. Chính lúc đó tôi lại đang sắp sửa ra đi, thành ra một công đôi chuyện, nên sai người đến ước hẹn sẽ gặp nhau tại chùa Thiếu Lâm, rồi tự mình lên đường đến Trung Nguyên. Nào hay ba vị nhân huynh này cước trình cũng thật mau lẹ, đã bôn ba đến nơi rồi.
Quách Tương cười nói:
- Hóa ra sự việc là như thế, làm cho tôi chẳng hiểu đầu đuôi gì cả. Ba lão già giờ này chắc đã đến chùa Thiếu Lâm, không biết nói năng làm sao đây?
Hà Túc Đạo nói:
- Tôi vốn dĩ không quen biết gì với các nhà sư chùa Thiếu Lâm, cũng không thù không oán, sở dĩ đính ước với họ mười ngày cốt đợi ba lão này tới, lúc đó mới động thủ. Hiện tại hai bên đã thử tài nhau rồi, thôi cả hai người mình cùng lên, đợi tôi truyền lại câu nói đó xong, rồi mình xuống núi.
Quách Tương nhíu mày:
- Qui củ của mấy hòa thượng này rất chặt chẽ, không cho đàn bà con gái vào chùa.
Hà Túc Đạo nói:
- Hừ, cái qui củ gì thối tha thế? Bọn mình cứ tiến vào, chẳng lẽ họ sẽ giết mình sao?
Quách Tương tuy là một cô gái hiếu sự, nhưng từ khi làm quen với Vô Sắc thiền sư, nàng không còn địch ý với chùa Thiếu Lâm, nên cười lắc đầu:
- Tôi đứng ngoài sơn môn chờ, ông tự mình đi vào chùa truyền ngôn, như thế khỏi thêm phiền.
Hà Túc Đạo gật đầu:
- Thế cũng được, cái bản đàn tôi chưa tấu xong, khi trở xuống tôi sẽ đàn lại cho cô nghe một lượt.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Đoạn này không biết trích từ kinh nào nên không rõ nghĩa. Độc giả nào biết xin chỉ giáo. Đa tạ
[2] Chó dữ chặn đường
[3] Nguyên tiếng Phạn Lanka là tên đảo Tích Lan (Sri Lanka), cũng là tên một ngọn núi ở đây. Tích Lan là nơi mà kinh điển nhà Phật được viết trên lá cây đầu tiên. Kinh Lăng Già tức là Lankavatara sutra.
[4] Đàn có khảm ngọc
[5] Vỗ bàn nơi suối nước là cái khoan khoái của người quân tử. Tỉnh hay mê cũng một mình mình biết, không bao giờ quên.
[6] Vỗ bàn nơi gò cao là cái cốt cách của người quân tử. Dẫu tỉnh hay mê cũng chỉ mình biết không cần ai hay.
[7] Hà Túc Đạo theo nghĩa đen là “nói tới làm gì”.
[8] Có nghĩa không đáng gọi là Côn Lôn Tam Thánh.
In bài này