Nhìn lại 10 năm bước lùi của Dell

Thế giới công nghệ luôn chuyển động không ngừng, và nếu bạn không bắt kịp với những thay đổi đó, bạn sẽ trở thành người thua cuộc. Quy luật này đúng với mọi tập đoàn công nghệ, dù lớn dù nhỏ, trong đó có gã khổng lồ nước Mỹ - Dell.


Từng nắm giữ vị trí hãng sản xuất PC lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm liền, từng sở hữu hệ thống bán hàng online hoàn thiện đến mức chuẩn mực để các công ty khác học hỏi; song ở thời điểm hiện tại, con tàu Dell cũng đang đi chệch hướng và chìm dần. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn đọc Genk những quyết định sai lầm của hãng trong 10 năm trở lại đây.


Dell Inspiron 8600 – 2003


Dell Inspiron 8600.

2003 là năm đánh dấu thời điểm Dell đạt đến đỉnh cao trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân, song cũng là năm bắt đầu quá trình suy thoái kéo dài chưa có điểm dừng của hãng cho đến ngày nay. Dell 8600 cùng phiên bản giá rẻ 8500 là minh chứng rõ nét cho khả năng lắp ráp và phân phối hệ thống máy tính giá rẻ nhanh chóng, chính xác mà Dell đã từng tạo ra. Chúng dần trở nên phổ biến ở khắp các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi toàn nước Mỹ. Dù vậy, cả hai mẫu máy này đều bị chỉ trích về chất lượng build dưới trung bình cùng rất nhiều lỗi bảo mật của hệ điều hành Windows XP.

Dell DJ – 2003

2 năm sau khi iPod chính thức được giới thiệu tới công chúng và làm náo loạn thị trường máy nghe nhạc di động, Dell gia nhập cuộc chơi với Digital Jukebox (còn được gọi tắt là Dell DJ). Phát biểu trước báo giới, CEO Michael Dell khẳng định: “Máy nghe nhạc cầm tay, về bản chất, chính là sự giao thoa giữa công nghệ điện toán (computing) và công nghệ sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng (consumer electronics). Với những kinh nghiệm trên thị trường PC, Dell hoàn toàn có thể thành công với DJ.”


Dell DJ.

Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng, những kinh nghiệm Dell có được là chưa đủ - DJ sở hữu ngoại hình không lấy gì làm nổi bật, giao diện người dùng không thân thiện, khả năng tích hợp với PC cũng không tốt. Không đem lại nhiều lợi nhuận, vòng đời sản phẩm của DJ được Dell chấm dứt lặng lẽ chỉ hai năm sau đó.

Dell DJ Ditty – 2005


Dell DJ Ditty.

Sau thất bại của DJ, Dell quyết định làm mới dòng máy nghe nhạc này với phiên bản DJ Ditty. Dù được coi là “iPod Shuffle killer”, số phận của DJ Ditty cũng không khác DJ là bao. Phản hồi từ người dùng cho thấy: DJ Ditty không được nhỏ gọn như đối thủ của mình, thường bị lag khi tìm kiếm bài hát, và sở hữu hệ thống điều hướng rất khó sử dụng.

Della – 2009


Khả năng hoạch định chiến lược marketing của ban lãnh đạo Dell, trong một số thời điểm, thực sự có vấn đề. Vào một ngày đẹp trời năm 2009, trên website của hãng bỗng xuất hiện một phân vùng có tên Della – khu vực dành riêng cho người dùng nữ giới. Bên trong Della là hàng loạt hình ảnh vui mắt, những “mẹo” trên máy tính để tìm kiếm công thức nấu ăn và cân bằng dinh dưỡng online, cùng một số tính năng khác nhằm thuyết phục người đọc … tậu một chiếc Dell Mini 10 Netbook màu hồng. Một số nhà phân tích cho rằng: “Khi vào website sặc sỡ này, tôi tưởng Dell đang quảng cáo cho một cái ví!” Kết quả là, chỉ 11 ngày sau, Della chính thức gỡ phân vùng này khỏi website của mình.

Dell Adamo – 2009


Dell Adamo.
Adamo là dòng laptop siêu mỏng được Dell tung ra nhằm cạnh tranh với Macbook Air của Apple. Dĩ nhiên, Dell là những người thua cuộc. Bất chấp những phản hồi tích cực về mặt thiết kế, Adamo bị chỉ trích vì chất lượng build cùng hiệu năng không tương xứng với mức giá ngất ngưởng 2000 USD của mình.

Dell Aero – 2010

Smartphone đầu tiên được Dell giới thiệu trên thị trường Mỹ cũng là một trong những thất bại nặng nề của hãng. Phần cứng máy không có gì đáng chê trách, ngoại hình máy cũng tương đối nhỏ và nhẹ, song Dell Aero là minh chứng cho sự thiếu kinh nghiệm của Dell trong việc thiết kế phần mềm. Một mặt, máy được bán ra với phiên bản Android Cupcake đã lỗi thời (ra mắt từ trước đó … gần một năm). Mặt khác, những tùy chỉnh về giao diện người dùng mà Dell đưa vào Adamo thậm chí còn khiến chú dế này rối rắm, chậm chạp hơn hẳn các smartphone cùng thời.

Dell Inspiron Duo – 2010


Dell Inspiron Duo.

Inspiron Duo, với màn hình cảm ứng xoay cùng một số phần mềm cảm ứng chạy trên nền Windows 7, là nỗ lực của Dell trong việc tạo ra một chiếc netbook có khả năng giành giật lại thị phần từ iPad. Đáng tiếc thay, nỗ lực đó không mang lại nhiều thành quả - không những khá công kềnh, chậm chạp, Inspiron Duo còn sở hữu thời lượng pin tương đối thấp ( chỉ 3 tiếng nếu sử dụng Wi-Fi duyệt web liên tục).

Dell Adamo XPS – 2010


Dell Adamo XPS.

Adamo XPS là dòng máy được thiết kế khá đặc biệt. Khi mở máy, phần thân dưới của máy sẽ được đặt nghiêng 1 góc khoảng 30 độ, nhằm giúp máy tản nhiệt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mức giá quá chát (trên 1800 USD) cùng thiết kế quá mới mẻ này, trên thực tế, lại không đem về nhiều khách hàng cho Dell.

Dell Streak – 2010

Những mẫu phablet màn hình cảm ứng trên 5 inch đang trở thành trào lưu ở thời điểm hiện tại, nhưng hãy nhớ rằng Dell – với Dell Streak – mới là những người đi tiên phong của thị trường di động. Tuy nhiên, quyết định táo bạo này đã được đưa ra không đúng thời điểm. Màn hình 5 inch của Streak 5 dường như quá rộng so với độ phân giải 800x480 của mình. Chưa hết, những tinh chỉnh của Dell trên Android 1.6 như đưa thêm các phím số sang bên phải bàn phím ảo, thay thế thanh notification vốn đã quen thuộc trên các smartphone Android, cũng không được đánh giá cao.

Dell Venue Pro – 2010

Đối với những sản phẩm công nghệ như smartphone, quãng thời gian từ khi sản phẩm được giới thiệu đến khi chính thức lên kệ là cực kỳ quan trọng. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới thất bại của Dell Venue Pro, chính là sự thất hứa của Dell trong khoảng thời gian này. Được giới thiệu từ ngày 11/10/2010, Dell Venue Pro thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng với màn hình AMOLED 4,1 inch, hệ điều hành Windows Phone 7 cùng bàn phím QWERTY trượt khá tiện lợi:


Dell Venue Pro.

Tuy nhiên, phải đến ngày 8/11, những chiếc Venue Pro đầu tiên mới được bán ra với số lượng rất hạn chế, cùng nhiều lỗi không đáng có: lỗi Wi-Fi, không nhận SIM Card, thậm chí trên pin còn ghi rõ “Sản phẩm thử nghiệm” (Engineering Sample). Dell lập tức tiến hành thu hồi các sản phẩm lỗi, và phải đến 1/12 mới tiếp tục nhận đặt hàng. Trên phiếu đặt hàng ghi rõ ngày nhận hàng là 15/12, song một số lỗi kĩ thuật tiếp tục khiến Dell một lần nữa phải dời ngày chuyển hàng đến 6/1/2011. Tồi tệ hơn, quá trình chuyển hàng tiếp tục gặp vấn đề khi nhiều khách hàng đặt hàng sau lại nhận được hàng trước, và ngược lại. Niềm tin của người tiêu dùng về thương hiệu Dell cũng vì thế mà lung lay. Thất bại của Dell Venue Pro, do đó, cũng là điều dễ hiểu.

Lời kết

Mười sai lầm trên cũng là mười bài học quý báu mà Dell cũng như các hãng công nghệ khác cần xem xét và rút kinh nghiệm. Về phần Dell, sau nhiều năm suy thoái, thời gian gần đây hãng đã có những cải tổ táo bạo. Với chiến lược tư nhân hóa, đa dạng hóa hoạt động đồng thời nhận khoản vay 2 tỉ USD từ Microsoft, rõ ràng gã khổng lồ nước Mĩ đang nung nấu ý định tiến bước trở lại trên thị trường công nghệ. Hãy chờ xem, biết đâu lần trở lại này, Dell sẽ lợi hại gấp trăm lần…

Tham khảo: Theverge
Theo Genk


In bài này
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang