Việt Nam thiếu phần cứng, công nghệ làm kỹ xảo 3D

Nghề kỹ xảo điện ảnh (VFX) có nhiều cơ hội phát triển mạnh ở các lĩnh vực như game, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo,.. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện những người làm VFX đang phải đối mặt với sự thiếu thốn về công nghệ, thiết bị phần cứng.

Những khó khăn và cơ hội của nghề làm kỹ xảo điện ảnh, 3D đã được các đạo diễn, nhà sản xuất phim chia sẻ tại tọa đàm Mutimedia Talk sáng 20/7/2013. Ảnh: X.B

Tại tọa đàm “Mutimedia Talk: Kỹ xảo điện ảnh – truyền hình” với chủ đề “The power of VFX” (Sức mạnh của VFX) diễn ra sáng nay, 20/7/2013, ở Trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia, nhà sản xuất phim Nguyễn Hồng Quân cho biết VFX nói chung và kỹ xảo 3D nói riêng đang rất phát triển trên thế giới. Đặc biệt, trong điện ảnh, không có khuôn hình nào không dùng VFX, từ việc tạo những hiệu ứng đặc biệt như cháy nổ, tuyết rơi,… đến chỉnh sửa hình ảnh như xóa dây cáp treo trên người diễn viên trong những cảnh hành động, hoặc tạo môi trường ảo như lâu đài, hệ sinh thái dưới đại dương,.. để tiết kiệm chi phí và tăng khả năng sáng tạo các cảnh quay.

Tại Việt Nam, ngành VFX mới bắt đầu phát triển ở giai đoạn đầu, với sự góp sức của một số công ty nước ngoài hoặc các studio tư nhân làm về kỹ xảo hình ảnh. “Những người làm VFX trong nước thường sử dụng các phần mềm làm VFX phổ biến như Maya, Camtasia, SynthEyes, Pixel Farm, Adobe After Effects CS4, Blender,… để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, thực hiện những cảnh siêu thực mà nếu thực hiện trên thực tế sẽ rất nguy hiểm, tốn kém, thậm chí bất khả thi”, chuyên gia 3D, kỹ xảo hình ảnh Đỗ Anh Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần 3D ART, cho biết.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì đẳng cấp VFX của Việt Nam vẫn còn quá thua kém so với thế giới. Một trong những nguyên nhân được chuyên gia 3D Bùi Văn Duy từ Rubic Studio phân tích: Ngoài việc sử dụng những phần mềm phổ thông, các nhà làm VFX trên thế giới còn tự viết phần mềm, phát triển những thiết bị phần cứng và công cụ để phục vụ riêng từng dự án làm phim, MV ca nhạc, quảng cáo ngắn trên truyền hình (TVC),… Có tác phẩm điện ảnh huy động sự tham gia của hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà đồ họa VFX, đầu tư riêng những kỹ sư hệ thống để quản lý riêng hệ thống liên quan tới VFX. Trong khi đó, tại Việt Nam, dù có thể sử dụng các phần mềm làm VFX song hiện vẫn khá thiếu công nghệ, thiết bị phần cứng. Vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư lớn để đảm bảo đầu tư VFX cho những tác phẩm “khủng”.

“Trong bối cảnh hiện tại,những bạn trẻ có thể theo đuổi đam mê bằng cách tham gia các dự án nhỏ như làm TVC, phim ngắn để trau dồi khả năng chuyên môn, đợi đến khi có trình độ tốt hơn, có nhà đầu tư lớn hơn thì sẽ có cơ hội thực hiện các dự án VFX lớn”, ông Duy gợi ý.

Một điểm đáng chú ý, nguồn nhân lực làm VFX nói chung và 3D nói riêng còn tương đối sơ khai. Nhân lực làm VFX thường được phát triển từ 1 số cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM như Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, hoặc Trường đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia (VFX là 1 trong những nội dung trong giáo trình đào tạo trong học kỳ làm phim kỹ thuật số (Digital Filmmaking) của Arena Multimedia, giúp học viên có thể thực hiện sản xuất phim ngắn ngay sau khi kết thúc học kỳ),...

Trong bối cảnh thị trường vẫn có dấu hiệu “khát nhân lực”, những người làm VFX nói chung và 3D nói riêng đang có nhiều cơ hội đạt thu nhập cao. “Không chỉ ngành game mà các ngành khác muốn phát triển thị trường đều phải dựa vào mỹ thuật đa phương tiện (multimedia). Hiện nay, ở Công ty VinaGame, trung bình 1 họa sĩ thiết kế 3D có mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, chuyên viên thiết kế web và flash thu nhập 5 – 10 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Thành Công, đại diện Công ty VinaGame “bật mí”.

VFX là thuật ngữ của Hollywood, viết tắt của từ Visual Effects (Eff = F, Ect = X), hiểu đơn giản là kỹ xảo trong hậu kỳ điện ảnh, truyền hình, game, MV ca nhạc, quảng cáo ngắn trên truyền hình (TVC),..

Xuân Bách
Theo ITCNews


In bài này
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang