Nhiều "ông lớn" của nền kinh tế có thể giảm lỗ nhờ CNTT

Trước hiện trạng nhiều "ông lớn" về kinh tế báo cáo thua lỗ tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, có ý kiến cho rằng nếu đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt là các phần mềm quản lý nợ, quản lý tài sản, quản trị doanh nghiệp,... thì có thể giảm thiểu số tiền thua lỗ này.


Điểm mặt "ông lớn" thua lỗ

Theo kết quả kiểm toán năm 2012 đối với 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 7/2013, những "ông lớn" thua lỗ nặng nhất gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) lỗ 137,9 tỷ đồng, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 19,83 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỷ đồng.

Một trường hợp khác cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng vì hay than vãn về khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đó là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Thống kê cho thấy năm 2012, lợi nhuận của tập đoàn này giảm tới 60% do chi phí tăng cao, lãi giảm mạnh trong khi nợ phải trả ngày càng lớn, tới gần 82.000 tỷ đồng (ở thời điểm cuối 2012), riêng nợ ngắn hạn đã ngang bằng với vốn chủ sở hữu, ở mức trên 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, "điểm mặt" các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh bi bét nhất, không thể không nhắc tên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với những con số "khủng" như nợ hơn 86.000 tỷ đồng, lỗ hàng nghìn tỷ đồng,... Mới đây, Vinashin vừa được phép ngừng hoạt động từ 30/10/2013, "cởi chiếc áo" tập đoàn, quay lại với cái tên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy nhưng lấy tên giao dịch quốc tế mới là SBIC.

Ứng dụng CNTT để "lật lại thế cờ"

Trao đổi với ICTnews, ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn, tổng công ty rơi vào tình trạng thua lỗ là không ứng dụng CNTT để công khai minh bạch số liệu kinh doanh, qua đó không thể nhanh chóng nắm bắt hiện trạng để tìm giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Index 2012), khảo sát 23 tập đoàn, tổng công ty thì thấy tính riêng hoạt động ứng dụng CNTT tại trụ sở chính, mới có 43,5% triển khai ứng dụng quản lý kho - vật tư, 17,4% triển khai ứng dụng quản lý khách hàng (CRM), 8,7% triển khai ứng dụng quản lý nhà cung cấp, đối tác (SCM), 21,7% triển khai ứng dụng quản lý hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp (ERP)... Còn tại các đơn vị thành viên, các tỷ lệ còn thấp hơn nhiều, chẳng hạn, 7,6% triển khai ứng dụng CRM, 4,8% triển khai ứng dụng SCM, 3,3% triển khai ứng dụng ERP,... Trong bảng xếp hạng chung về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT, có tới 17/23 đơn vị thuộc diện yếu kém về ứng dụng CNTT.

Quay lại thời điểm Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán 27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nêu trên, chia sẻ về những nguyên nhân khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ hoặc kém hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp - Kiểm toán Nhà nước, cho biết một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn (như Vinaincon, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor,...), nợ xấu cao (Vinafor, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, Cienco 8...), việc vay và sử dụng vốn vay của không ít đơn vị còn nhiều bất cập, một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến khó trả nợ.

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia CNTT khẳng định trên thị trường đã có rất nhiều phần mềm ứng dụng có thể giúp tập đoàn, tổng công ty khắc phục những bất cập vừa nêu. Chẳng hạn, nếu Vinashin, Vinalines ứng dụng hệ thống phần mềm ERP để quản lý tài chính doanh nghiệp, hệ thống ERP sẽ kết xuất báo cáo hàng tuần, hàng quý và có cả chức năng gửi báo cáo cho ban lãnh đạo Vinashine, Vinalines rồi báo trực tuyến (online) lên Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng. Chỉ cần hôm trước báo lỗ 5 tỷ, hôm sau báo 10 tỷ đồng, rồi liên tục hôm sau nữa 100 tỷ đồng, 300 tỷ đồng, 500 tỷ đồng,.. thì đến khi báo lỗ khoảng 5.000 tỷ đồng, hoặc cùng lắm đến 10.000 tỷ đồng là sẽ có thanh tra vào cuộc, không cho làm tiếp. Thế nhưng, vì không ứng dụng CNTT nên các cơ quan quản lý không có thông tin, để việc thất thoát kéo dài tới 5 - 7 năm, đến khi tổng số thất thoát lên đến 92.000 tỷ đồng mới biết.

Một tín hiệu đáng mừng là nhiều lãnh đạo, tập đoàn tổng công ty đã nhận thức được khả năng hỗ trợ doanh nghiệp "lật lại thế cờ", tháo gỡ tình trạng thua lỗ của các ứng dụng CNTT như ERP, CRM,.. Điển hình là Tập đoàn Petrolimex đã chính thức vận hành hệ thống ERP từ đầu năm 2013.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động của không ít lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty vẫn còn khoảng cách khá xa. Chẳng hạn, từ tháng 10/2011, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Trưởng Ban Kế hoạch của Vinacomin đã khẳng định: "Ứng dụng ERP là đích cần đến của tập đoàn. Nhận thức được việc xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại, phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế là con đường tất yếu để đảm bảo những mục tiêu chiến lược của Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn đã chính thức thành lập Tổ công tác chuẩn bị đề án “Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp Vinacomin” để chuẩn bị những bước đi đầu tiên trong tiếp cận, nghiên cứu và đề xuất thực hiện ERP tại Tập đoàn". Thế nhưng, đến thời điểm cuối tháng 11/2013, ý tưởng xây dựng hệ thống ERP vẫn chưa được biến thành hiện thực tại Vinacomin.

Ngọc Mai
Theo ITCNews


In bài này
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang