Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ trụ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ trụ. Hiển thị tất cả bài đăng

Sao Thủy co rút nhanh hơn dự tính

Hành tinh nhỏ và gần mặt trời nhất đang thu nhỏ kích thước nhanh hơn so với tính toán trước đây của giới chuyên gia.

Ảnh: NASA

Theo kết quả tổng hợp từ các cuộc nghiên cứu khác nhau, bề ngang của sao Thủy đã giảm đến 11 km kể từ thời điểm hệ mặt trời được khai sinh cách đây 4,5 tỉ năm.

>> Xem thêm

Tiểu hành tinh đường kính 230km đang tiến gần Trái Đất

Tiểu hành tinh khổng lồ 324 Bamberg hôm nay sẽ bay ngang qua Trái Đất. Thiên thể này đã được nhà thiên văn học Áo Johann Palizoy phát hiện vào năm 1892 và đặt tên để vinh danh thị trấn Bamberg của Đức.


Đường kính của thiên thể này là 230 kilômét. Nó sẽ đến gần gần hành tinh của chúng ta ở khoảng cách 120 triệu kilômét. Trước đó, chưa từng có tiểu hành tinh khổng lồ nào cỡ này tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách tương tự.

>> Xem thêm

Đã tìm thấy hành tinh có thể thay thế cho Trái đất?

Tau Ceti, một trong những ngôi sao gần chúng ta nhất, là ứng cử viên tiềm năng có thể chứa những hành tinh giống Trái đất. Thông tin này được các nhà khoa học công bố chỉ 2 ngày trước thời điểm mà nhiều người cho là “Ngày tận thế” khi lịch đếm của người Maya chấm dứt.

Các nhà thiên văn học ngày 19/12 cho biết rằng ngôi sao này khá gần, nằm cách chúng ta “chỉ” có 12 năm ánh sáng. Tau Ceti khá giống với Mặt trời của chúng ta và nó có 5 hành tinh bay lượn xung quanh, nằm trên các quỹ đạo có thể giúp nuôi dưỡng sự sống.

Một trong các hành tinh này có khối lượng lớn gấp 5 lần Trái đất, khiến nó trở thành hành tinh nhỏ nhất được tìm thấy tới nay nằm trong vùng Goldilock. Định nghĩa vùng Goldilock dùng để chỉ khoảng cách quỹ đạo của một hành tinh so với một ngôi sao, nơi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, chỉ vừa đủ để duy trì nước lỏng, vốn rất cần thiết cho sự sống.

Kể từ năm 1995 tới nay đã có 800 ngoại hành tinh - những hành tinh bay vòng quanh ngôi sao của chúng - được phát hiện.

Nhưng không một hành tinh nào trong số đó có thể hỗ trợ sự sống. Chúng hoặc là các quả cầu khí khổng lồ không thể sinh sống được, hoặc là một hành tinh đá khổng lồ, bay quá gần ngôi sao tới mức chúng gần như đã bị nướng đỏ lên.

Kính viễn vọng Chile tìm thấy 3 "siêu Trái đất" tháng 6/2008 (Nguồn: AFP)

Tau Ceti đã được các nhà thiên văn học ở Australia, Anh, Chile và Mỹ tìm thấy nhờ một kỹ thuật lọc dữ liệu thu được từ 6.000 đài quan sát thiên văn. Thông qua kỹ thuật lọc này, người ta sẽ loại bớt các tín hiệu gây nhiễu, vốn che đậy sự tồn tại của các hành tinh với khối lượng nhỏ.

Sử dụng kỹ thuật này với ánh sáng phát ra từ Tau Ceti, người ta đã xác định ra rằng nó không phải là ngôi sao đơn nhất mà là cả một hệ thống hành tinh.

"Phát hiện này tương đồng với quan điểm mới xuất hiện gần đây của chúng tôi rằng gần như mọi ngôi sao đều có các hành tinh và thiên hà hẳn đã có rất nhiều hành tinh có khả năng ở được như Trái đất " - Steve Vogt, một chuyên gia săn lùng ngoại hành tinh kỳ cựu nói.

"Chúng tôi giờ bắt đầu hiểu rằng Tự nhiên dường như ưa thích các hệ hành tinh có nhiều hành tinh mang quỹ đạo chỉ kéo dài chưa đầy 100 ngày" - ông tuyên bố trong một thông cáo báo chí mới được Đại học Hertfordshire của Anh công bố gần đây - "Nhưng Thái dương hệ của chúng ta lại không giống vậy và chẳng có hành tinh nào có quỹ đạo nằm gần Mặt trời hơn sao Thủy. Vì thế có thể nói Thái dương hệ của chúng ta tương đối kỳ dị và không giống phần lớn các hệ hành tinh khác mà Tự nhiên sinh ra."

Trong ngày 17/10, các nhà thiên văn học của châu Âu thông báo họ đã phát hiện một hành tinh với khối lượng bằng Trái đất, đang quay vòng quanh ngôi sao Alpha Centari B, nằm cách chúng ta có 4,3 năm ánh sáng.

Các nhà thiên văn học của châu Âu thông báo họ đã phát hiện một hành tinh với khối lượng bằng Trái đất, đang quay vòng quanh ngôi sao Alpha Centari B, nằm cách chúng ta có 4,3 năm ánh sáng
(Nguồn: AFP)

Tuy nhiên hành tinh này không phải một "Trái đất khác" do nó không nằm trong vùng Goldilocks. Nó chạy vòng quanh ngôi sao với một cự ly quá gần nên nước lỏng không thể tồn tại được ở đó.

Linh Vũ (Vietnam+)
>> Xem thêm

Phát hiện một hành tinh mới lớn hơn 13 lần sao Mộc

vncongnghe.com - Truyền thông Mỹ ngày 19/11 đưa tin, các nhà thiên văn đã phát hiện một hành tinh có khối lượng lớn gấp 13 lần sao Mộc - hành tinh lớn nhất và nặng nhất của Hệ Mặt Trời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: nasa.gov)

Quan sát qua kính thiên văn "Subaru" của Nhật Bản đặt trên đỉnh núi Mauna-Kea trên quần đảo Hawaii (Mỹ), các nhà khoa học của Viện Vật lý thiên văn Max Planck ở Munich (Đức) đã chụp được ảnh hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao Kappa Andromeda. Kappa Andromeda là một ngôi sao cách Trái Đất 170 năm ánh sáng, có trọng lượng lớn gấp 2,5 lần Mặt Trời.

Ngôi sao này được coi là tương đối "non trẻ" - chỉ mới 30 triệu năm tuổi, trong khi tuổi của Mặt Trời là 5 tỷ năm.

Theo các nhà khoa học, việc phát hiện ra hành tinh này làm sáng tỏ quá trình hình thành các hành tinh mới. Trước đây, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng các hành tinh có thể được hình thành từ đĩa tiền hành tinh của các ngôi sao lớn, như Kappa Andromeda.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 800 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, họ chỉ chụp được ảnh một số ít các hành tinh đó.

Kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế "Astrophysical Journal" số ra tới đây.

(TTXVN)
>> Xem thêm

Vệ tinh tự chế Việt Nam vẫn chưa phát được tín hiệu

VNC - Sau gần 1 tháng vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo F-1 được thả ra ngoài không gian, nhóm nghiên cứu của FSpace (Đại học FPT) vẫn chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh. Theo chuyên gia, có thể do mạch sạc của vệ tinh này gặp sự cố.

Vệ tinh F-1 trong quá trình thả ra ngoài không gian.

Theo nhận định sơ bộ của chuyên gia, có khả năng mạch sạc của vệ tinh gặp sự cố, khiến cho F-1 chỉ đủ năng lượng hoạt động trong vài ngày đầu tiên và sau đó không thể bổ sung được năng lượng từ các tấm pin mặt trời.

Được biết, hiện tại, nhóm FSpace vẫn đang cùng với đối tác NanoRacks (Mỹ) thu thập thông tin, phân tích các tình huống có thể xảy ra và thử nghiệm với mô hình kỹ thuật EM (bản sao của F-1) trong phòng thí nghiệm để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vấn đề. FSpace cũng sẽ thử gửi lệnh lên F-1 nhằm khởi động lại bộ vi điều khiển của vệ tinh, tuy nhiên cho đến thời điểm này, FSpace xác định khả năng thu được tín hiệu từ F-1 là rất thấp.

Thời điểm này, vệ tinh F-1 đang bay trên quỹ đạo trái đất với độ cao trung bình 405 km (cận điểm 397 km, viễn điểm 416 km) và được Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) giám sát với số hiệu 38855 (là vật thể thứ 38855 mà con người phóng lên vũ trụ). Dự kiến vệ tinh sẽ tồn tại trên quỹ đạo khoảng 5 tháng (đến tháng 3/2013) trước khi rơi xuống thấp và bốc cháy trong bầu khí quyển. F-1 được thả ra khỏi trạm ISS hôm 4/10 với nhiệm vụ phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây).

Phạm Thanh
Theo Dân Trí
>> Xem thêm

Clip tái hiện lịch sử địa cầu sinh động dài 90 giây

VNC - Chỉ với một đoạn clip ngắn 1 phút rưỡi, lịch sử của trái đất đã được tái hiện một cách sinh động và hết sức ấn tượng…


Đoạn clip dài 90 giây, được cắt ghép từ hơn 20 bộ phim tài liệu và kể cả phim điện ảnh, sau đó tác giả đã lồng ghép lại với nhau để tạo thành một đoạn phim ngắn về sự hình thành và phát triển của trái đất.

Từ vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ, đến sự ra đời của hệ mặt trời và trái đất, sự xuất hiện của những sinh vật đầu tiên đến sự hiện diện của khủng long… đoạn phim kéo dài đến thời hiện đại ngày nay, với những sự phát triển của công nghệ đưa con người thám hiển vũ trụ và chinh phục thế giới… Tất cả được tái hiện một cách sinh động.

Mặc dù được lồng ghép và kết hợp những hình ảnh từ nhiều bộ phim khác nhau, nhưng đoạn clip thực sự xuyên suốt và thống nhất, cả về nội dung lẫn ý tưởng.

Mỗi giai đoạn của lịch sử trái đất trong đoạn phim đều được minh họa nổi bật bằng một sự kiện đặc biệt, tuy nhiên một thiếu sót đáng tiếc trong đoạn clip này là không nhắc đến 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Dẫu sao, đây vẫn là một đoạn clip ấn tượng và hết sức đáng xem.


Phạm Thế Quang Huy
Theo Dân Trí
>> Xem thêm

Ấn Độ sắp phóng vệ tinh viễn thông tự chế GSAT-10

VNC - Hãng truyền thông "The Times" của Ấn Độ ngày 25/9 đưa tin nước này sẽ phóng vệ tinh viễn thông tự chế nặng nhất mang tên GSAT-10 từ căn cứ phóng Kourou tại Guyan, Pháp vào cuối tháng Chín này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Vệ tinh GSAT-10 nặng 3400 kg, được sản xuất bởi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), với một trong số các động cơ làm lạnh có nguồn gốc từ Nga.

Phát ngôn viên của ISRO công bố vệ tinh này sẽ được phóng vào lúc 02:48 (giờ địa phương) ngày 29/9 tới. GSAT-10 sẽ thực hiện chuyến "du lịch" không gian tương tự vệ tinh ASTRA-2F phóng bởi công ty dịch vụ vệ tinh toàn cầu SES.

Theo dự kiến, khoảng 31 phút sau khi cất cánh, GSAT-10 sẽ được đặt vào trong một quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh với một điểm cận địa 250 km và một đỉnh cao khoảng 36.000 km.

GSAT-10 dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 11/2012 và có tuổi thọ hoạt động liên tục trong vòng 15 năm. Vệ tinh này sẽ được bố trí ở Vị trí quỹ đạo 83 độ Đông gắn với cùng với INSAT-4A và GSAT-12.

Ấn Độ bắt đầu khởi động chương trình không gian của mình vào năm 1963 và đang nỗ lực phát triển các vệ tinh viễn thông riêng để tránh sự phụ thuộc vào các nước khác trên thế giới./.

Thạch Thảo (Vietnam+)
>> Xem thêm

Nga phóng vệ tinh tư nhân đầu tiên vào năm 2013

VNC - Công ty vũ trụ Dauria Aerospace ngày 24/9 cho biết Nga sẽ phóng vệ tinh đầu tiên do tư nhân chế tạo ở nước này trong năm 2013.

Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ RBC Daily dẫn lời Dauria Aerospace cho biết vệ tinh trên thuộc lớp DX1 và nặng 50 kg, dùng để theo dõi những di chuyển của tàu thuyền trên các đại dương thế giới và thử nghiệm một loạt trọng tải khác nhau.

Vệ tinh sẽ được phóng và hoạt động trong năm 2013. Dauria cũng đang lên kế hoạch bắt tay sản xuất chiếc vệ tinh thứ hai vào cuối năm nay.

Dauria Aerospace là công ty vũ trụ đầu tiên được thành lập bởi các nhà đầu tư tư nhân ở Nga và là công ty tư nhân đầu tiên của Nga ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân với Co quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos.

Công ty đang hướng đến mục tiêu "kiến tạo một nền kinh tế vũ trụ mới."

Dauria Aerospace đăng ký thành lập tại Skolkovo thuộc khu vực Moscow, nơi thường được mệnh danh là "thung lũng Silicon của Nga."

Bên cạnh việc thiết kế vệ tinh, công ty cũng điều hành một chuỗi bán lẻ các đồ điện tử và hệ thống các cửa hàng tiện ích gia dụng.

Huy Lê (Vietnam+)
>> Xem thêm

Đã có đơn vị đo khoảng cách giữa các hành tinh

VNC - Cơ quan thiên văn hàng đầu thế giới đã chấp nhận định nghĩa về Đơn vị Thiên văn (Astronomical Unit - AU), được lập ra để đo đếm khoảng cách giữa các ngôi sao và các hành tinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: wray.eas.gatech.edu)

Đơn vị AU - dựa trên khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời - đã được các nhà thiên văn học sử dụng bấy lâu nay, đồng thời được định nghĩa bởi Liên minh Thiên văn học quốc tế (IAU) bằng cách đơn giản là bỏ đi một tỷ lệ sai số khoảng 3m.

Về mặt chính thức, AU tương đương với 149.597.870.700m (149.597.870,7km hay 92.955.807.273 dặm).

Quyết định đã được thông qua tại cuộc họp của đại hội đồng IAU tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 20-31/8 và được chính thức công bố tại Đài Thiên văn Paris ngày 22/9./.

Linh Vũ (Vietnam+)
>> Xem thêm

Khép lại hành trình cuối cùng của tàu Endeavour

VNC - Ngày 21/9 (giờ địa phương), tức sáng 22/9 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ con thoi Endeavor đã hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Los Angeles thuộc Căn cứ Không quân Edwards, bang California của Mỹ sau ba ngày chu du khắp nước Mỹ, chính thức khép lại ba thập kỷ khám phá vũ trụ để bắt đầu một nhiệm vụ mới.

Sau chuyến chu du nước Mỹ, tàu Endeavour được trưng bày bờ Tây bang California. 
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong hành trình ba ngày ngang qua nước Mỹ, chiếc Boeing 747 chuyên dụng "cõng" tàu Endeavour đã hạ thấp độ cao khi tới những khu vực quan trọng như trung tâm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở các bang Mississippi, Louisiana và Texas.

Con tàu lừng lẫy một thời này cũng bay qua thành phố Tucson ở bang Arizona để chào vợ chồng nữ phi hành gia Gabrielle Giffords, những người thực hiện chuyến bay cuối cùng vào vũ trụ với tàu Endeavour hồi tháng 5/2011.

Sau ba ngày kể từ khi rời Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida ở bờ Đông nước Mỹ, tàu Endeavour được máy bay chuyên dụng cho đáp xuống bờ Tây bang California để trưng bày.

Tàu Endeavour là tàu con thoi trẻ tuổi nhất trong đội ngũ sáu tàu con thoi của Mỹ, được đóng mới sau vụ tai nạn thảm khốc của tàu con thoi Challenger vào ngày 28/1/1986 khiến bảy phi hành gia thiệt mạng.

Endeavour cùng với Discovery và Atlantis là ba tàu con thoi của NASA thực hiện các chuyến bay đưa người vào vũ trụ, trong khi tàu Enterprise được thiết kế nhằm phục vụ nghiên cứu thí nghiệm và chưa một lần bay ra ngoài khoảng không vũ trụ.

Tàu Endeavour đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1992, và từ đó đến lúc "nghỉ hưu," tàu này đã thực hiện tổng cộng 25 chuyến du hành vào vũ trụ.

Sứ mệnh đầu tiên trong tổng số 12 chuyến bay giúp xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cũng do tàu Endeavour thực hiện năm 1998 với việc mang cổng kết nối Unity lên lắp ghép với modul Zarya của Nga.

Năm ngoái, NASA đã cho đội tàu con thoi của mình "nghỉ hưu" sau khi hoàn tất việc xây dựng ISS, trị giá 100 tỷ USD với sự hợp tác của 15 nước. Sau khi nhiệm vụ chinh phục không gian của đội tàu con thoi này kết thúc, chúng được tháo dỡ và đưa đến các bảo tàng không quân trên khắp nước Mỹ để triển lãm.

Trước hành trình cuối cùng của tàu Endeavour, con tàu già nhất của NASA là Discovery cũng đã "đáp xuống bến đỗ cuối cùng" là Viện bảo tàng Smithsonian ở Washington.

Trong khi đó, tàu Atlantis, con tàu kết thúc sứ mệnh đội tàu con thoi vào tháng 7/2011, được ở lại quê nhà Florida, phục vụ triển lãm trong khu phức hợp dành cho du khách của Trung tâm Vũ trụ Kennedy./.

(TTXVN)
>> Xem thêm

Tàu thăm dò Curiosity nghiên cứu mẫu đá đầu tiên

VNC - Tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tiến hành cuộc nghiên cứu đá đầu tiên trong ngày 21/9.

Tàu thám hiểm Curiosity. (Nguồn: AFP)

Nhà khoa học John Grotzinger thuộc Dự án Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa (MLS) nói rằng tàu thăm dò đã đi được 30m trong đêm 19/9 và hiện đã đi được 270m. "Vì thế chúng tôi đang tiến khá đều đặn về hướng Glenelg (một khu vực nơi ba mảng địa hình khác biệt tiếp giáp với nhau) và chúng tôi đã đi được nửa đường" - ông nói.

Curiosity đang làm nhiệm vụ kéo dài hai năm nghiên cứu con người có thể sống trên sao Hỏa hay không. Con tàu cũng tìm hiểu về việc sự sống đã từng tồn tại ở đây hay chưa.

Nhóm khoa học đã có kế hoạch cho Curiosity tạm nghỉ trong vài ngày trước khi thực hiện hoạt động khoa học tiếp xúc dầu tiên, trong đó con tàu sẽ sử dụng các thiết bị gắn trên cánh tay robot của nó để chụp ảnh và phân tích một mẫu đá có hình kim tự tháp.

Mẫu đá cao 25cm, rộng khoảng 30cm ở dưới chân, sẽ được chụp ảnh bằng thiết bị ghi hình MAHLI và thiết bị APXS của Curiosity. Các thiết bị này có thể phân tích và đánh giá thành phần hóa học của mẫu đá.

Curiosity, được trang bị 10 thiết bị khoa học khác nhau, còn có một tia laser mạnh có thể đốt cháy mục tiêu nằm cách nó tới 6m.

Trong những ngày gần đây, con tàu đã chụp hàng trăm bức ảnh về ba lần nhật thực một phần trên sao Hỏa, do hai Mặt Trăng của nó là Phobos và Deimos tạo ra.

Điểm đến cuối cùng của Curiosity là vùng đất dưới chân núi Sharp, nơi được cho là có thể hé lộ về lịch sử địa chất ở sao Hỏa. Hành trình tới đây sẽ kéo dài ít nhất ba tháng./.

Linh Vũ (Vietnam+)
>> Xem thêm

Có nên đưa tôn giáo lên các vì sao?

VNC - Kế hoạch chinh phục các vì sao trong vòng 100 năm tới không chỉ gặp muôn vàn khó khăn kỹ thuật, mà các chuyên gia còn phải đối mặt với câu hỏi hóc búa liên quan tới tâm linh con người: Có nên để tôn giáo tham gia vào hành trình này hay không?

Đưa con người lên một vì sao khác sẽ là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người. Các chức sắc tôn giáo đề cập tới việc đưa tôn giáo theo hành trình chinh phục các vì sao tại hội nghị chuyên đề về chinh phục các vì sao trong 100 năm tới (100 year Starship Symposium) tại Houston hôm 14/9.

Hành trình như thế rất có thể sẽ kéo dài, liên quan tới nhiều thế hệ, và số lượng người tham gia có thể lên tới 10.000 người.

Nhà thờ có nhiều nguồn lực, tiền và có thể huy động sự giúp đỡ từ nhiều phía để thực hiện sứ mệnh du hành tới vì sao, Jason Batt, giám đốc của Trung tâm Cơ đốc giáo ở Sacramento, California, nói. Theo Batt, và Giáo hội Thiên Chúa nên bắt đầu chuẩn bị lập ra tổ chức để đưa tôn giáo lên hoạt động tại một hành tinh mới.

Tuy nhiên, nhiều người khác phản đối ý tưởng để tổ chức tôn giáo tham gia vào sứ mệnh chinh phục các vì sao.

Cửa sổ ở Thánh đường quốc gia Washington mô phỏng tảng đá mặt trăng được Neil Armstrong đưa về trái đất. (Nguồn: Space)

Mục sư Alvin Carpenter ở Giáo hội Southern Baptist cho rằng các tôn giáo làm nảy sinh nhiều mối quan hệ mâu thuẫn, xung đột như lịch sử đã chứng minh. Ví dụ, những quan điểm phủ nhận quan hệ đồng tính luyến ái đã khiến bao nhiêu người đồng tính tìm đến con đường tự vẫn…

“Nếu mang tôn giáo lên chuyến tàu đi tới vì sao, chúng ta sẽ mang theo chất độc mà chúng ta đang chứng kiến trên trái đất,” Carpenter nói.

Trong khi mục sư Carpenter ủng hộ việc để tôn giáo lại trên trái đất, Batt cho rằng tôn giáo liên quan tới nhiều sự cố lịch sử đau thương, nhưng không thể phủ nhận tôn giáo là một phần của nhân loại.

“Tôi nghĩ tôn giáo sinh ra bởi vũ trụ sẽ căn cứ trên khoa học,” Carpenter nói.

Dù gì đi nữa, tôn giáo vẫn sẽ tham gia vào sứ mệnh chinh phục các vì sao, bằng cách này hay cách khác, vì con người luôn mang theo tôn giáo bên mình, ít nhất là trong tư tưởng.

Trúc Quỳnh 
Theo Space, Báo Đất Việt
>> Xem thêm

Vệ tinh tư nhân đầu tiên của VN chờ ngày rời ISS

VNC - Dự kiến ngày 27/9 tới, vệ tinh F-1 của Việt Nam cùng 4 vệ tinh khác trên trạm ISS sẽ được phóng vào không gian, sau đó được cấp điện và hoạt động.

Mô phỏng quá trình các vệ tinh nhỏ được thả ra từ ISS. Ảnh: JAXA.

"Đến khi nào thu được tín hiệu từ vệ tinh mới khẳng định chắc chắn là thành công" - Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng Phòng FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ (ĐH FPT) - cho hay.

Mục tiêu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.

Thời gian “sống” của các vệ tinh trên quỹ đạo tùy thuộc vào độ cao quỹ đạo của trạm ISS lúc thả vệ tinh. Vệ tinh được thả ở độ cao 400 km sẽ “sống” được 250 ngày hoặc 100 ngày nếu ở độ cao 350 km.

Trước đó, vào 21 giờ 40 (giờ Hà Nội) ngày 27/7, tàu vận tải HTV-3 mang theo 5 vệ tinh nhỏ, trong đó có F-1, đã lắp ghép thành công với ISS, sau hành trình 6 ngày trên không gian.

Sau khi ghép nối với ISS, các phi hành gia sẽ sang tàu HTV3 để chuyển các thiết bị J-SSOD và các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Để ra ngoài không gian, các vệ tinh nhỏ sẽ được đặt lên bàn trượt trong khoang điều áp của module Kibo để đưa ra ngoài cho cánh tay robot nắm lấy. Sau đó, thả ra ngoài không gian và bắt đầu nhiệm vụ của mình.

Vệ tinh F-1 được Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace) chế tạo từ năm 2008. Vệ tinh có kích thước 10x10x10 cm và trọng lượng 1 kg.

F-1 là vệ tinh tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phóng thành công vào vũ trụ, là một minh chứng cụ thể rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được vệ tinh nhỏ và làm việc được trong lĩnh vực vũ trụ.

Theo Chánh Trung
Người Lao Động, Dân Trí
>> Xem thêm

Thuyết Big Bang có thể sai

vncongnghe - Sự khởi đầu của vũ trụ có thể không phải từ vụ nổ Big Bang như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay, mà lại giống quá trình nước đóng băng, một nhóm nhà vật lý học ở ĐH Melbourne và ĐH RMIT cho biết.

Họ cho biết bằng cách tìm hiểu những vết nứt và kẽ hở trên các loại tinh thể - trong đó có băng – thì cách hiểu của chúng ta về vũ trụ có thể thay đổi hoàn toàn.

James Quach, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng đây là giả thuyết mới nhất đối trên hành trình truy lùng nguồn gốc và bản chất của vũ trụ.

“Người Hy Lạp cổ đại băn khoăn rằng vật chất được làm từ thứ gì: có phải từ một chất liền mạch hay các nguyên tử rời rạc? Với những kính hiển vi hiện đại nhất, chúng ta đã khám phá ra vật chất được cấu tạo từ các nguyên tử,” Quach nói.

“Hàng nghìn năm sau, Albert Einstein giả thuyết rằng không gian và thời gian là liên tục và êm ả, nhưng giờ chúng ta tin rằng giả thuyết này có thể không đúng ở một chừng mực nào đó”.

Có thể vũ trụ không phải sinh ra từ một vụ nổ lớn 
như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay. Ảnh minh hoạ

“Thuyết mới, được đặt tên là Quantum Graphity, cho rằng không gian có thể được tạo thành từ những hạt rất nhỏ và vô hình, giống như các nguyên tử tí hon. Những hạt vô hình này có thể so sánh với những điểm ảnh làm nên một bức ảnh. Thách thức hiện nay là những khối làm nên vũ trụ vô cùng nhỏ và không thể nhìn thấy trực tiếp”.

Tuy nhiên, James Quach và các đồng nghiệp tin rằng họ có cách để nhìn những nguyên tử đó một cách gián tiếp. “Hãy nghĩ vũ trụ thời nguyên sơ giống như một chất lỏng. Sau đó khi vũ trụ mát đi, nó được tinh thể hoá để trở thành ba chiều không gian và một chiều thời gian như chúng ta thấy ngày nay”. 

Nếu giải thích theo cách vũ trụ trở nên mát hơn, chúng ta có thể nghĩ rằng trong vũ trụ nhất định phải có các khe nứt, tương tự như những khe nứt hình thành khi nước đóng băng. Theo PGS. Andrew Greentree, một số vết nứt như thế có thể nhìn thấy được. “Ánh sáng và các loại hạt khác sẽ bẻ cong hoặc phản chiếu những kẽ nứt đó, vì thế nên trên lý thuyết, chúng ta có thể tìm ra những kẽ nứt đó,” PGS. Greentree nói.

Nhóm nghiên cứu đã tính toán một số hiệu ứng nếu những điều trên đây được kiểm nghiệm bằng chứng cứ. Có thể một ngày nào đó các nhà khoa học có thể sẽ trả lời được câu hỏi vũ trụ là liên tục, bằng phẳng hay được làm từ các hạt nhỏ xíu.

Trúc Quỳnh 
(Theo Physorg / Báo Đất Việt)
>> Xem thêm

Phi hành gia ăn gì khi ở trên sao Hỏa gần 3 năm?

vncongnghe - Cuối một hành lang lắt léo như mê cung dẫn vào sâu tòa nhà xây từ thập kỷ 60 là nơi một nhóm nhà khoa học mặc áo trắng đang khuấy, trộn, đong đếm, và quan trọng nhất là nếm hương vị của các món ăn. Nhiệm vụ của họ là lên thực đơn cho hành trình đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030.

Thực đơn đó phải phù hợp với một nhóm gồm 6 – 8 phi hành gia, giúp họ khỏe mạnh mà vui vẻ với nhiều món ăn ngon miệng và đa dạng. Điều này không hề đơn giản vì hành trình để các phi hành gia có thể đặt chân lên sao Hỏa sẽ kéo dài 6 tháng. Sau đó, các phi hành gia sẽ ở trên đó 18 tháng, rồi lại mất 6 tháng nữa để trở về trái đất. Công việc khó khăn của các đầu bếp phục vụ các phi hành gia có thể so sánh với việc chúng ta phải đi mua sắm đủ đồ ăn cho cả gia đình trong suốt 3 năm chỉ với một lần đi chợ.

Các chuyên gia đang thử món ăn dành cho phi hành gia lên sao Hỏa. (Nguồn: AP)

“Sao Hỏa rất khác, không chỉ vì nó cách xa trái đất. Chúng tôi không thể đưa tàu bay chở đồ tiếp tế 6 tháng một lần như ở trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được,” Maya Cooper, nhà nghiên cứu ở hãng Lockheed Martin và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu thực đơn cho phi hành gia lên sao Hỏa, cho biết.

Các phi hành gia bay lên ISS có thể lựa chọn trong số 100 món ăn. Nhưng tất cả đều là đồ ăn chín được sấy khô hoặc làm lạnh, có hạn sử dụng tới 2 năm. Các phi hành gia đều thử và chấp nhận các món ăn trước khi cất cánh, nhưng mùi vị của món ăn bị giảm đi rất nhiều ở nơi không có trọng lực.

Trên sao Hỏa có một ít trọng lực, cho phép NASA xem xét một số thay đổi trong thực đơn. Hành trình lên sao Hỏa có thể cho phép các phi hành gia làm một số việc như gắp rau hoặc tự nấu chút ít. Dù trọng lực trên sao Hỏa ít hơn trên trái đất, các nhà khoa học nghĩ rằng họ vẫn nó thể đun sôi nước bằng nồi áp suất.

Các nhà khoa học Mỹ đang xem xét dựng “nhà xanh trên sao Hỏa”, trong đó trồng nhiều loại cây ăn quả và rau xanh – từ cà rốt đến ớt – trong nước. Các phi hành gia sẽ chăm sóc khu vườn đó rồi thu hoạch và chế biến, cùng với các nguyên liệu mang từ trái đất lên, để tự phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Mục đích của kế hoạch này là giúp các phi hành gia có đủ dinh dưỡng và khoáng chất để bảo đảm sức khỏe, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Jerry Linerger, phi hành gia đã nghỉ hưu từng ở trên ISS 132 ngày, nói rằng thực phẩm là yếu tố rất quan trọng đối với tâm lý các phi hành gia. Cảm giác nhàm chán khi ngày nào cũng phải ăn những thứ giống nhau cực kỳ khó chịu.

Hiện tại, khu nhà bếp đặc biệt đã xây dựng được 100 công thức chế biến món ăn, tất cả đều là món chay vì các phi hành gia sẽ không có các sản phẩm sữa hay thịt. Việc bảo quản sữa, thịt trong thời gian lâu như vậy là không thể, còn việc mang một con bò sữa lên sao Hỏa lại càng không khả thi.

Trúc Quỳnh (Theo AP)
>> Xem thêm

Phát hiện nhóm 'thiên hà ma'

vncongnghe - Kính thiên văn không gian Hubble vừa chụp được ảnh của ba thiên hà kỳ lạ và sự tồn tại của chúng có thể giúp các nhà khoa học giải thích một trong những bí ẩn của vũ trụ.

Một thiên hà mờ nhạt trong vũ trụ. Ảnh: skyshooter.net.

Hercules, Leo IV và Ursa Major, tên của ba thiên hà mà kính Hubble phát hiện gần dải Ngân Hà, đều là những thiên hà lùn (kích thước nhỏ) và mờ đến nỗi các nhà thiên văn gọi chúng là "thiên hà ma". Chúng hình thành khoảng 13 tỷ năm trước và vì một lý do nào đó mà chúng ngừng phát triển sau một khoảng thời gian. Do vũ trụ ra đời khoảng 13,7 tỷ năm trước nên chắc chắn chúng là những thiên thể cổ nhất,Space đưa tin.

"Những thiên hà này là tàn dư từ thuở sơ khai của vũ trụ. Chúng có độ tuổi giống nhau và hầu như không thay đổi trong 13 tỷ năm qua. Một nguyên nhân nào đó khiến quá trình tạo sao dừng đột ngột trong cả ba thiên hà", Tom Brown, một chuyên gia của Viện Khoa học Kính thiên văn không gian tại Mỹ, phát biểu. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu ba thiên hà.

Một trong những điểm bất thường nữa của Hercules, Leo IV và Ursa Major là dường như chúng có lượng vật chất tối gấp khoảng 100 lần so với vật chất thường. Trong khi đó, lượng vật chất tối trong những thiên hà lùn, sáng hơn và trẻ hơn mà con người phát hiện gần dải Ngân Hà chỉ lớn hơn vật chất thường khoảng 10 lần.

Sự hiện diện của nhóm "thiên hà ma" có thể giúp giới khoa học giải thích tình trạng mất tích bí ẩn của các thiên hà vệ tinh. Chẳng hạn, các giả thuyết đều dự đoán dải Ngân Hà có vài nghìn thiên hà vệ tinh, song trên thực tế con người mới chỉ phát vài thiên hà vệ tinh xung quanh dải Ngân Hà. Vì thế nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn thiên hà vệ tinh của Ngân Hà đã mất tích. Nhưng nguyên nhân khiến chúng mất tích chưa được tìm ra.

Minh Long
Theo vnexpress.net
>> Xem thêm
/
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang