Hiển thị các bài đăng có nhãn VNPT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VNPT. Hiển thị tất cả bài đăng

VNPT sẽ “khai tử” dịch vụ điện thoại thẻ từ 25/3

VNPT vừa cho biết sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại thẻ Việt Nam trên toàn quốc từ ngày 25/3/2013...

Tính đến hết tháng 12/2012, VNPT đã tháo dỡ 9.949 trạm điện thoại thẻ. Số trạm trên mạng hỏng không hoạt động đang chờ tháo dỡ, thu hồi là 1.096 trạm và số trạm còn đang hoạt động là 1.029 trạm.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa cho biết sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại thẻ Việt Nam (CardPhone) trên toàn quốc từ ngày 25/3/2013.

Được triển khai từ năm 1997, CardPhone là dịch vụ điện thoại sử dụng công nghệ thẻ điện tử với các trạm CardPhone chuyên dụng đặt tại các điểm công cộng ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trong giai đoạn từ 1997-2002, CardPhone được đánh giá là dịch vụ đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng tại nhiều điểm công cộng như các tuyến phố trung tâm, nhà ga, bến xe, bệnh viện, trường học… Tổng số máy được VNPT lắp đặt trên toàn mạng là 12.071 máy.

Tuy nhiên, VNPT cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là dịch vụ điện thoại di động, vài năm gần đây, điện thoại thẻ đã không còn được khách hàng sử dụng phổ biến như trước.

Theo VNPT, từ năm 2002 đến nay, doanh thu dịch vụ CardPhone đã ngày càng suy giảm.

“Do nhu cầu của thị trường và thói quen của người sử dụng dịch vụ đã thay đổi trước sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ thay thế, nên dịch vụ CardPhone rất khó có thể duy trì và phát triển. Vì thế VNPT đã quyết định ngừng cung cấp dịch vụ này trên toàn quốc”, VNPT cho hay.

Tính đến hết tháng 12/2012, VNPT đã tháo dỡ 9.949 trạm. Số trạm trên mạng hỏng không hoạt động đang chờ tháo dỡ, thu hồi là 1.096 trạm và số trạm còn đang hoạt động là 1.029 trạm.

VNPT cho biết sẽ thông báo các đại lý, khách hàng còn tồn thẻ CardPhone đến các điểm giao dịch của VNPT tỉnh/thành phố để thực hiện bồi hoàn giá trị thẻ chưa sử dụng hết. Việc hoàn trả số tiền còn lại trong thẻ CardPhone được thực hiện bằng tiền hoặc thẻ cào di động Vinaphone, theo yêu cầu của khách hàng.

M.Chung
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

VNPT từ chối vay tiền Mỹ cho Vinasat-2

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây đã từ chối nguồn vốn vay hơn 100 triệu USD cho dự án vệ tinh Vinasat-2.

Vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng lên quỹ đạo ngày 16/5/2012, với tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 260 - 280 triệu USD, trong đó, VNPT bỏ 20% vốn đối ứng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 20%, còn lại là vay thương mại.

Cụ thể, lý do VNPT từ chối khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Export-Import Bank) cho dự án vệ tinh Vinasat-2 đã phóng lên quỹ đạo hồi giữa tháng 5/2012 là VNPT và ngân hàng này đã không thống nhất được một số điều khoản trong hợp đồng.

Tuy nhiên, nguồn vốn thay thế đã được VNPT thu xếp vay từ một ngân hàng nước ngoài.

Trước đó, lãnh đạo VNPT cho biết tập đoàn này dự kiến vay 125,9 triệu USD của Eximbank Mỹ để đầu tư cho Vinasat-2. Bên lề lễ bàn giao vệ tinh Vinasat-2 giữa VNPT và nhà thầu sản xuất vệ tinh Lockheed Martin, sáng 4/7/2012, trả lời VnEconomy, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, việc VNPT dự tính vay vốn của Mỹ cho Vinasat-2 do lãi suất của khoản vay trên khá thấp và hợp lý và thấp hơn nhiều so với lãi suất nếu VNPT vay ở trong nước.

Đồng thời, nguồn vốn vay này cũng có sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, vì thông thường, với những dự án của Mỹ, ví dụ như dự án Vinasat-2 do Mỹ sản xuất thì chính phủ nước này sẽ có khoản hỗ trợ lãi suất vay.

Vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng lên quỹ đạo ngày 16/5/2012, với tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 260 - 280 triệu USD, trong đó, VNPT bỏ 20% vốn đối ứng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 20%, còn lại là vay thương mại.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Mạng cố định của VNPT lỗ cả nghìn tỷ đồng/năm

Nếu như những năm trước mạng cố định đem lại khoản doanh thu lớn cho VNPT thì hiện nay bình quân mỗi năm mạng cố định của VNPT giảm khoảng 25% và lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Lo sốt vó cho số phận mạng cố định

Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư về Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. VNPT và Viettel cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ điện thoại nội hạt. Đối với dịch vụ điện thoại cố định đường dài trong nước thì có duy nhất VNPT là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Cho dù được xếp vào vị trí thống lĩnh thị trường với dịch vụ điện thoại cố định, nhưng đây lại là dịch vụ "đau khổ" của VNPT.

Mạng điện thoại cố định của VNPT đang giảm mạnh cả thuê bao lẫn doanh thu.

Ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT cho biết, vào thời điểm cực thịnh, VNPT có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Thế nhưng, với xu thế không thể cưỡng nổi là di động lên ngôi thì điện thoại cố định đang rơi vào tình trạng bĩ cực bởi có quá nhiều thuê bao "dứt áo ra đi". Trong khi đó, các thuê bao "trung thành"với mạng cố định lại sử dụng dịch vụ này cầm chừng chủ yếu mang tính chất dự phòng trong hộ gia đình. "Trung bình mỗi năm mạng di điện thoại cố định giảm khoảng 25%, đây là con số giảm quá mạnh. Hiện VNPT chỉ còn khoảng hơn 5 triệu thuê bao cố định và chưa thể dự báo được sẽ giảm tiếp đến mức độ nào".

Chưa dừng lại ở con số buồn về sự sụt giảm thuê bao, phía VNPT cho biết doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định cũng giảm mạnh. Năm ngoái, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định của VNPT đạt khoảng 40.000 đồng/tháng. Ông Vũ Tiến Dương cho hay, hiện doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định chỉ còn có 33.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 13.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là cước thuê bao.

Theo tính toán của VNPT hồi năm ngoái, bình quân mỗi phút gọi nội hạt có giá thành là 650 đồng, trong khi họ đang phải bán cho khách hàng là 400 đồng/phút. Vậy là, cứ mỗi phút gọi nội hạt VNPT phải bù lỗ 250 đồng.

Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam mới đây, ông Vũ Tiến Dương cho biết vẫn chưa có con số chính xác là VNPT lỗ bao nhiêu từ dịch vụ cố định nhưng con số này cũng khoảng cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Không thể cung cấp dịch vụ cho vùng sâu

Theo đại diện VNPT, không chỉ khách hàng ở khu vực thành thị cắt máy điện thoại cố định mà cả những vùng công ích cũng bỏ máy rất nhiều. Thực tế, cũng có một số ít khách hàng ở nông thôn có nhu cầu về điện thoại cố định nhưng VNPT rất khó đáp ứng do thu tiền từ các thuê bao này không đủ tiền trả tiền thuê cột treo cáp của Điện lực. Nguồn tin của báo Bưu điện Việt Nam cho hay, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công văn tính tiền VNPT treo cáp trên cột điện điện lực tại các vùng công ích. Trong khi thỏa thuận trước đó của VNPT và Tập đoàn Điện lực sẽ không thu phí treo cáp tại những vùng công ích này.

Với giá treo cáp để cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tới nhà khách hàng khoảng 20.000 đồng/cột/tháng thì tại những nơi có ít thuê bao VNPT sẽ bị lỗ rất nặng. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ thu mỗi cước thoại và không có dịch vụ khác đi kèm với điện thoại cố định thì sớm muộn VNPT cũng không chịu nổi gánh nặng thua lỗ này.

"Với tình hình như hiện nay khi khách hàng ở một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa muốn sử dụng dịch vụ điện thoại cố định thì VNPT đành phải mời khách hàng dùng dịch vụ khác thay thế", ông Vũ Tiến Dương nói.

Cố định chưa tìm ra lối thoát

Trước sự suy giảm của dịch vụ điện thoại cố định, VNPT đã nhiều lần "kêu cứu" lên Bộ TT&TT cần nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định. Trước vấn đề đó, Bộ TT&TT đã quyết định nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút nhằm giải bài toán bất cập và cứu điện thoại cố định từ 1/10/2011. Thế nhưng, VNPT cho rằng ngay cả khi nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định như vậy cũng không nuôi sống được mạng cố định.

"Thực tế hiện nay có quá ít thuê bao di động gọi vào điện thoại cố định nên việc nâng cước kết nối vẫn không đủ để giảm khó khăn cho mạng cố định. Và VNPT vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì mạng cố định", ông Vũ Tiến Dương chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu dịch vụ điện thoại cố định của VNPT không kết hợp với các dịch vụ khác như IPTV, ADSL... thì rất khó tồn tại. Nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ đó và lối thoát nhằm vượt qua cơn bĩ cực của dịch vụ điện thoại cố định của VNPT vẫn còn bỏ ngỏ.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ TT&TT, ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, trong những năm trước đây mạng điện thoại cố định là mạng chủ lực mang nhiều doanh thu cho VNPT thì nay đang giảm mạnh cả về thuê bao lẫn doanh thu. Trong khi đó, mạng lưới và mô hình tổ chức của VNPT dựa trên cấu trúc của mạng điện thoại cố định, nên khi viễn thông các tỉnh không còn doanh thu trên mạng cố định sẽ dẫn tới nhiều khó khăn.

Theo ICTNews, Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Lần đầu tiên Viettel “soán ngôi” VNPT về doanh thu?

vncongnghe.com - Vài năm trở lại đây, cả hai tập đoàn đã có cuộc “chạy đua” âm thầm về mức cam kết doanh thu...

Kết năm 2011, doanh thu của Viettel đạt 117.000 tỉ đồng và VNPT đạt 120.800 tỉ đồng.

Nhiều khả năng lần đầu tiên, doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ vượt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tại sự kiện Tuần lễ VNPT (VNPT Week) 2012 sáng 26/11, ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT chắc chắn đạt được mức doanh thu 130.000 tỷ đồng năm 2012. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ VNPT năm 2012 tăng gấp đôi so với năm 2011.

Còn lợi nhuận toàn tập đoàn, ông Đức cho biết phải đợi báo cáo hợp nhất cuối năm mới rõ.

Nếu mức doanh thu 130.000 tỷ đồng này không có sự thay đổi tính đến ngày cuối cùng của năm 2012, thì kế hoạch doanh thu 135.800 tỷ đồng mà VNPT đặt ra cho năm 2012 và phấn đấu thực hiện sẽ bị “âm” 5.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Hoàng Đức cũng khẳng định, năm 2012, cả doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của VNPT sẽ đạt được theo kế hoạch đặt ra.

Khác với VNPT, cách đây ít hôm, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel cho VnEconomy biết, doanh thu năm 2012 của Viettel dự kiến đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Nếu Viettel đạt được mức doanh thu này, và VNPT chỉ hoàn thành mức doanh thu phấn đấu là 135.800 tỷ đồng thì, lần đầu tiên, Viettel sẽ chính thức “soán ngôi” VNPT về doanh thu.

Vài năm trở lại đây, cả hai tập đoàn đã có cuộc “chạy đua” âm thầm về mức cam kết doanh thu.

Năm 2010, VNPT vượt mức doanh thu 100.000 tỷ đồng và dẫn trước Viettel khoảng 10.000 tỉ đồng (VNPT đạt 101.569 tỉ đồng so với 91.134 tỉ đồng của Viettel).

Đến năm 2011, Viettel đặt mục tiêu sơ bộ sẽ đạt doanh thu gần 110.000 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn này đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ với chỉ tiêu doanh thu khoảng 130.000 tỷ đồng.

Về phía VNPT, tập đoàn đưa ra mục tiêu doanh thu năm 2011 khoảng trên 120.000 tỷ đồng, sau đó cũng điều chỉnh lên 130.000 tỷ đồng. Kết năm 2011, doanh thu của Viettel đạt 117.000 tỉ đồng và VNPT đạt 120.800 tỉ đồng.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

VNPT khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8

VNC - Tại các địa phương như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, bão đã làm đổ một số cột Anten ở các trạm BTS; đứt một số đoạn cáp quang do cây đổ, cột đổ… VNPT hiện đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8 gây ra.

Tin từ VNPT cho biết, ngay khi có tin bão số 8 ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam, các đơn vị của VNPT đã chủ động, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão. VNPT cũng đã chỉ đạo các đơn vị VNPT các tỉnh thành có cơn bão đi qua tổ chức trực lãnh đạo, trực điều hành, trực ứng cứu thông tin; theo dõi sát diễn biến của bão, triển khai các phương án phòng chống bão số 8.

Chiều và đêm 28/10/2012, bão số 8 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh, trong đó đặc biệt gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 cùng mưa rất to đã ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Đến 4h sáng 29/10, bão số 8 ở vào khoảng 20,9 độ vĩ Bắc, 106,9 độ kinh Đông trên khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng-Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trọng 12 giờ tới bão si chuyển theo hướng Đông Bắc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16h00 vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc; 107,8 độ kinh Đông, trên khu vực Móng Cái.

Cây đổ la liệt tại Thái Bình khiến nhiều tuyến cáp thông tin gặp trục trặc (ảnh Anh Thế).

Trước đó, ngày 26/10/2012, Thường trực PCLB đã có điện gửi các Công ty dọc, đơn vị bảo dưỡng, Bưu điện Trung ương và các VNPT tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của bão yêu cầu tổ chức trực, triển khai công tác chuẩn bị phòng chống bão số 8, trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm tra thiết bị dự phòng, xăng dầu, máy nổ, thử thiết bị thông tin vệ tinh Inmasat; tổ chức thông tin phục vụ công tác chỉ đạo.

Tối 26/10/2012, Thường trực PCLB đã chỉ đạo Bưu điện trung ương điều động xe thông tin cơ động (1 thiết bị Inmarsat tự bám, 3 thiết bị Inmarsat Bgan, 2 thiết bị Isatphone và thiết bị VTSN) vào Hà Tĩnh phục vụ đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLBTW do Bộ Trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu kiểm tra, chỉ đạo điều hành phòng chống bão số 8 tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Ngày 27/10 các VNPT tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống bão; tổ chức các đoàn kiểm tra xuống các đơn vị cơ sở, các vị trí trọng điểm; tăng cường lực lượng ứng trực sẵn sàng xử lý, ứng cứu thông tin; Kiểm tra, thử tốt các thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat. Ngày 28/10, VNPT Thanh Hóa đã lập Sở chỉ huy ứng phó báo số 8 tại Nga Sơn.

Bão số 8 có cấp độ lớn cùng với mưa rất to, điện lưới mất trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến mạng lưới của các đơn vị, tuy nhiên các tuyến truyền dẫn trục nội tỉnh cơ bản được đảm bảo, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Theo báo cáo sơ bộ, tính đến 7h30 sáng 29/10, các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của cơn bão gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã bị đổ một số cột anten tại các trạm BTS; đứt một số đoạn cáp quang do cây đổ, cột đổ…

VNPT đang tiếp tục tăng cường trực chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả bão lụt và rà soát, thống kê các trạm BTS quan trọng bị mất liên lạc để khẩn trương xử lý, khắc phục.

Tin từ MobiFone cho biết thêm, mạng di động này bị mất sóng hơn 100 trạm phát sóng tại Thái Bình và Nam Định. MobiFone đã tổ chức lực lượng ứng cứu, khôi phục nhanh các sự cố truyền dẫn, mất điện, phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai ứng cứu, khôi phục thông tin đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và thiệt bị.

Hiện mạng này đã khắc phục được 50% số trạm mất liên lạc, dự kiến trong 2 đến 3 ngày tới sẽ khôi phục hoàn toàn.

Bảo Trung
Theo Dân Trí
>> Xem thêm

Mỹ chấp thuận cho VNPT vay 118 triệu USD đầu tư vệ tinh

VNC - Một ngân hàng Mỹ vừa tuyên bố thông qua khoản vay 118 triệu USD cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) để mua vệ tinh viễn thông và các hàng hóa, dịch vụ khác từ Lockheed Martin.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo VNPTđã lên tiếng xác nhận với báo giới rằng, VNPT muốn vay 125,9 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ để đầu tư cho Vinasat-2.

“Bằng cách cung cấp tài chính cho VNPT, khoản vay này của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ sẽ hỗ trợ cho vệ tinh do Mỹ sản xuất và thị trường việc làm Mỹ”, bà Linda Reiners, Phó chủ tịch của Lockheed Martin, tuyên bố.

Cũng theo Reuters, khoản vay này đánh dấu thương vụ giao dịch vệ tinh đầu tiên giữa Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ với Chính phủ Việt Nam. Ngân hàng này dự kiến, khoản vay sẽ hỗ trợ khoảng 525 việc làm toàn thời gian cho người dân Mỹ, đồng thời thúc đẩy tổng mức xuất khẩu khoảng 215 triệu USD.

Vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng vào ngày 15/5 và mới đây đã hoàn thành một loạt thử nghiệm trên quỹ đạo. VNPT hy vọng sẽ sử dụng vệ tinh này để đáp ứng nhu cầu viễn thông và truyền hình đang gia tăng trong khu vực. Vinasat-2 sẽ phủ sóng tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan.

Ngân hàng BNP Paribas sẽ là ngân hàng đại lý chứng từ và mở thư tín dụng cho khoản vay nói trên. Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chấp thuận cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ cấp khoản vay này cho phía Việt Nam.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo VNPTđã lên tiếng xác nhận với báo giới rằng, VNPT muốn vay 125,9 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ để đầu tư cho Vinasat-2.

Trao đổi với VnEconomy bên lề lễ bàn giao vệ tinh Vinasat-2 giữa VNPT và nhà thầu sản xuất vệ tinh Lockheed Martin vào ngày 4/7, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, khoản vay này không có sự ràng buộc gì hết và VNPT cũng rất muốn vay của Mỹ.

Cũng theo ông Thống , lãi suất của khoản vay trên khá thấp và hợp lý. Chưa rõ bao nhiêu phần trăm nhưng theo ông Thống là thấp hơn nhiều so với lãi suất nếu VNPT vay ở trong nước.

An Nhi
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

VNPT chuẩn bị tiến vào thị trường Myanmar

vncongnghe - Để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh vào thị trường Myanmar, gần đây lãnh đạo VNPT đã có chuyến thăm 4 ngày đến Myanmar để gặp gỡ các đối tác.

Giám đốc MobiFone vừa có chuyến thăm Myanmar để gặp gỡ các đối tác viễn thông, nhằm mở rộng kinh doanh ra thị trường Myanmar. Ảnh: NT

Dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã, trang web mạng lưới doanh nghiệp Myanmar (myanmar-business.org) cho biết nhằm mở rộng kinh doanh viễn thông vào thị trường Myanmar, gần đây một phái đoàn của VNPT, dẫn đầu là ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc VNPT và là Giám đốc công ty VMS MobiFone đã đến Myanmar.

Về vấn đề này, trang thông tin trực tuyến Myanmar là myanmarupdate.com cho biết vào ngày 28/7, VNPT đã có chuyến thăm 4 ngày đến Myamnar để gặp gỡ các đối tác Myanmar trong lĩnh vực viễn thóng. Chuyến đi này đánh dấu bước đi đầu tiên của Mobifone trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ra các thị trường nước ngoài.

Ông Lê Ngọc Minh nói Việt Nam mong muốn giúp đối tác viễn thông của Myanmar rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường, đồng thời sử dụng hiệu quả lực lượng lao động nhằm biến ngành dịch vụ di động từ một dịch vụ xa xỉ, chỉ một số ít người có thể sử dụng hàng ngày, thành một dịch vụ cơ bản với người dân Myanmar. “Chuyến đi này giúp chúng tôi có cái nhìn rõ hơn về những nét văn hoá tương đồng giữa hai quốc gia. Không còn nghi ngờ gì nữa, công cuộc chuyển đổi viễn thông của Myanmar là một cơ hội quan trọng và là một bước ngoặt lịch sử không chỉ với viễn thông mà còn với sự phát triển kinh tế, xã hội của Myanmar”, ông Minh nói.

Myanmar bắt đầu mở cửa đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài từ cuối năm 1998.

billgate (theo ictnews / Xaluan.com)
>> Xem thêm

Viettel, VNPT “bắt tay” Facebook xây cáp quang biển

vncongnghe - Viettel và VNPT vừa cùng với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook tham gia vào dự án xây dựng hệ thống cáp quang biển Asia Submarine-cable Express (ASE).

Hệ thống cáp quang biển ASE sẽ kết nối Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản và có nhánh đến Việt Nam.

Trang thông tin của Singapore là TodayOnline cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án ước tính là 450 triệu USD. Facebook là nhà đầu tư lớn nhất trong dự án này. Tuy nhiên, Facebook từ chối tiết lộ chi tiết khoản đầu tư này của hãng. Đáng lưu ý là một trang tin khác của Singapore là SGE (sgentrepreneurs.com) nói rằng sau khi tiết lộ việc Facebook là một nhà đầu tư, thì dự án này đã được đổi tên từ Asia-Pacific Gateway (APG) thành Asia Submarine-cable Express (ASE). Và quy mô hệ thống cáp ban đầu là 7.200km đã tăng lên hơn 10.000km khi có nhiều quốc gia tham gia hơn.

Hệ thống cáp quang biển này sẽ kết nối Malaysia đến Hàn Quốc và Nhật Bản, với 7 chi nhánh rẽ ra các quốc gia Asian khác bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, ASE có thể được kết nối đến các hệ thống cáp lớn khác đến châu Âu, Trung Đông, các phần khác của châu Á và Mỹ.

Dự án này sẽ hoàn thành vào quý 3/2014, giúp tăng tốc độ kết nối Internet trong khu vực châu Á. Hệ thống cáp sẽ có tổng dung lượng thiết kế là 54,8 terabit/giây, dùng công nghệ chiều dài bước sóng 40Gbps, nhưng trong tương lai có thể tăng khả năng bước sóng lên 100Gbps.

Theo các thông tin đăng trên BBC, dự án này được cho sẽ mang lại “một trải nghiệm người dùng tốt hơn cho những người dùng Facebook ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hong Kong, và Singapore”, và nó phản ánh “con đường của Facebook tiến vào phương Đông”, nơi hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng tốt, trong khi lượng người dùng của Facebook tại Mỹ đã bão hoà.

Ngoài hai hãng viễn thông của Việt Nam là Viettel và VNPT, dự án này còn có sự tham gia của 10 hãng viễn thông khác trên thế giới, bao gồm China Mobile, China Telecom, China Unicom của Trung Quốc, Chunghwa Telecom của Đài Loan, các nhà mạng Hàn Quốc KT và LG Uplus, hãng viễn thông Nhật Bản NTT Communications, StarHub của Singapore, Time dotcom của Malaysia, Philippine Long Distance Telephone (PLDT) của Philippine.

abcviet (theo dantri.com.vn / Xaluan.com)
>> Xem thêm

Đề án tái cấu trúc của VNPT... “chưa hợp lệ”?

vncongnghe - Trong quý 3/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ đề án về tái cơ cấu lại toàn bộ thị trường viễn thông.

Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phải căn cứ trên đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi Thủ tướng đã phê duyệt. 

Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, sau khi trình và được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở đề án đó, các doanh nghiệp viễn thông mới xây dựng và trình đề án của mình.

Ông Thắng cũng cho biết, trước đây, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã trình đề án tái cơ cấu của mình, trước khi đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” được Thủ tướng phê duyệt, đồng thời cũng trước cả đề án mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm và sắp tới trình Chính phủ.

“Vì thế, đề án đó (đề án của VNPT – PV) là chủ quan của doanh nghiệp, các bộ ngành cũng chưa họp, chưa có ý kiến chính thức về bất kỳ vấn đề gì”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đợi Thủ tướng phê duyệt đề án “tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” rồi mới xây dựng đề án tái cơ cấu lĩnh vực mà Bộ quản lý. Sau đó, Thủ tướng lại giao nhiệm vụ cho các bộ ngành phải làm gì, hướng dẫn các doanh nghiệp như thế nào, và như thế, lúc đó, doanh nghiệp phải làm lại đề án tái cấu trúc của mình.

Từ thực tế trên, có ý kiến cho rằng, đề án tái cấu trúc của VNPT trước đây là “chưa hợp lệ”, vì chưa được xây dựng căn cứ trên các cơ sở hướng dẫn về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước từ các bộ ngành liên quan.

Cũng đã nhiều lần, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quan điểm và định hướng phát triển đối với thị trường viễn thông là để thị trường viễn thông phát triển bền vững, hiệu quả, thì phải có ít nhất 3 doanh nghiệp và có thị phần tương đương nhau mới có thể tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Theo quan điểm trên, rất có thể, trong đề án tái cấu trúc thị trường viễn thông của Bộ sẽ định hướng duy trì 3 mạng viễn thông chiếm thị phần tương đương nhau tồn tại trên thị trường.

Nếu vậy, “việc sáp nhập giữa hai mạng MobiFone và VinaPhone” như chủ trương của VNPT trong đề án trình Chính phủ trước đó có thể sẽ “không được Bộ ủng hộ”.

Trước đó, tại đề án tái cấu trúc của VNPT, tập đoàn này có chủ trương hợp nhất MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT (gọi tắt là VNPT - Mobile). Đồng thời, VNPT sẽ hình thành bộ máy quản lý, điều hành của tổng công ty nhằm thống nhất quản lý, dùng chung cơ sở hạ tầng, duy trì kinh doanh cả hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone.

Mạnh Chung
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Quý III/2012 sẽ trình đề án tái cơ cấu của VNPT, VTC

vncongnghe - Bộ TT&TT cùng các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật khác phải rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.


Trong đó, viễn thông là một trong những lĩnh vực trước mắt sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Nhà nước sẽ nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

Trước đó, Bộ TT&TT khẳng định sẽ tiến hành việc tái cơ cấu VNPT và VTC theo chỉ đạo của Chính phủ. Như vậy, quyết định này sẽ liên quan đến vận mệnh của hai doanh nghiệp là VNPT và VTC.

Trong quyết định này, Thủ tướng yêu cầu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trình Thủ tướng Chính phủ; từng tổng công ty, doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trình Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong Quý III năm 2012.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính và chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý.

Bên cạnh đó, sẽ phải xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa. Hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu; xác định rõ những ngành, lĩnh vực khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 75%, từ 65% đến 75%, dưới 65% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần.

Thủ tướng chỉ đạo việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...

Về thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hoàn thiện phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Trong đó, tập trung làm rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành - cấp trên trực tiếp chủ sở hữu tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ phải thẩm định Đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện sau khi Đề án được phê duyệt.

Bộ TT&TT cùng các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật khác như Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải phải rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012 và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Thủ tướng chỉ đạo phải thực hiện được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2012 - 2015. Nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tăng cường niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi quyết định này.

Theo ICTNews / Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

5 thương hiệu công nghệ được ngân hàng Việt ưa chuộng

(vncongnghe) - Cisco, IBM, Oracle, Checkpoint và VNPT là những cái tên gắn bó với các ngân hàng tại Việt Nam. Mỗi hãng đều có thị phần vượt xa các đối thủ trong lĩnh vực sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp. Kết quả được rút ra từ khảo sát mới công bố của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG).

Oracle

Nói đến ứng dụng CNTT trong ngân hàng trước nhất phải kể đến phần mềm ngân hàng lõi (core banking). Trong số 9 nhà cung cấp phần mềm core-banking tại Việt Nam, Oracle với sản phẩm i-flex chiếm thị phần cao nhất với 32%, vượt xa sản phẩm đứng thứ 2 chỉ chiếm 22%.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), một trong những ngân hàng đầu tiên 
triển khai hệ thống ngân hàng tự động. Ảnh: Vũ Nga

Cisco

Về hạ tầng mạng và an ninh bảo mật, Cisco chiếm thị phần áp đảo ở mảng router (83%), vượt xa đối thủ kế tiếp chỉ giữ 13% thị phần.

VNPT

Đối với hệ thống đường truyền Internet, hầu hết các ngân hàng sử dụng tối thiểu 2 đường song song, dù vậy, VNPT vẫn giữ thị phần áp đảo tới 69%, vượt xa đối thủ kế tiếp chỉ đạt 19%.

IBM

IBM tương tự Cisco, được rất nhiều ngân hàng lựa chọn cho máy chủ và thiết bị lưu trữ. Thị phần của IBM ở mảng máy chủ chiếm 46%, thiết bị lưu trữ là trên 50%.

Checkpoint

Riêng trong lĩnh vực thiết bị an toàn thông tin, hai đối thủ đang bám sát nhau là Cisco và Checkpoint, lần lượt có thị phần là 37% và 33%.

Khảo sát trên do IDG thực hiện với 45 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 5 ngân hàng thương mại vốn nhà nước, 35 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng thương mại vốn nước ngoài. “Khảo sát nhằm đánh giá năng lực, sự khác biệt về công nghệ của các ngân hàng thương mại trong nước với các ngân hàng nước ngoài có giấy phép hoạt động như một ngân hàng tại Việt Nam”, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Nam Á cho biết. Hàng năm, IDG sẽ thực hiện khảo sát này song song với khảo sát về “Hành vi khách hàng khi sử dụng dịch vụ/sản phẩm của ngân hàng” để qua đó, ngân hàng có hướng phát triển công nghệ phù hợp.

V.N
Theo pcworld.com.vn
>> Xem thêm
/
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang