Hiển thị các bài đăng có nhãn Viettel. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Viettel. Hiển thị tất cả bài đăng

Viettel trao học bổng cho 20 sinh viên đặc biệt tỉnh Thái Nguyên

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel và Tỉnh Đoàn Thái Nguyên trao học bổng trị giá 10 triệu đồng/người cho 10 sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi.

Tối 5/10, tại Thái Nguyên, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã tổ chức trao học bổng cho 10 sinh nghèo học giỏi và 10 tân sinh viên là thủ khoa xuất sắc trên địa bàn.

Ngay đầu buổi lễ, Tổng Công ty Viễn thông Viettel công bố quyết định tuyển thẳng 2 sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng đang học tập có thành tích tốt vào làm việc tại Viettel. Hai sinh viên này là: Nguyễn Thị Hà, lớp K7 Quản trị kinh doanh tổng hợp B, Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên; Bùi Thị Dịu, lớp Tin học Kế toán K9A, Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông Thái Nguyên.

>> Xem thêm

Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viettel

Thoái vốn tại một số công ty nhỏ. Tập trung Viễn thông, công nghệ, truyền hình.

Xây dựng Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thành đơn vị kinh tế quốc phòng mạnh, năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh và cơ cấu hợp lý, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.


Đó là mục tiêu của tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2013-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

>> Xem thêm

Viettel làm phần mềm bán hàng cho Vinamilk

vncongnghe - Vinamilk vừa ký hợp đồng dùng phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến của Viettel...

Lễ ký kết hợp đồng dùng phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến giữa Vinamilk và Viettel.

Ngày 21/2/2013, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký hợp đồng dùng phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Được biết, đây là hệ thống tổng thể quản lý bán hàng đảm bảo dữ liệu tập trung, xử lý trực tuyến, giám sát vị trí và lộ trình tức thời do Viettel xây dựng cho Vinamilk. Hệ thống này bao gồm phần cứng, phần mềm, thiết bị đầu cuối được kết nối Internet băng rộng qua 3G và cáp quang. Toàn bộ do Viettel cung cấp trước và Vinamilk sử dụng dưới hình thức thuê dịch vụ.

Hệ thống phần mềm của Viettel sẽ giúp bộ máy bán hàng của Vinamilk bao gồm nhà phân phối, giám sát bán hàng và nhân viên bán hàng sẽ được kết nối trên một phần mềm sử dụng trên các thiết bị đầu cuối được kết nối Internet băng rộng qua 3G và cáp quang.

Vinamilk cho biết, những đối tượng có đặc thù công việc liên tục di chuyển như nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng của Vinamilk sẽ được trang bị máy tính bảng có kết nối 3G, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và camera số. Khi tiếp xúc với điểm bán, những thông tin liên quan về tình hình hàng hóa, tiền hàng... tại mỗi điểm bán sẽ được cập nhật ngay tại thời điểm nhân viên bán hàng có mặt. Ngoài ra, hình ảnh về trưng bày sản phẩm, biển hiệu... của nhà phân phối, điểm bán cũng được cập nhật theo thời gian thực…

Minh Anh
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Bói toán, lô đề bị chặn trên mạng Viettel

Từ ngày 1/2/2013, các CP hợp tác với Viettel nhận được thông báo phải đăng ký trước kịch bản nhắn tin và nội dung dịch vụ cung cấp đến thuê bao Viettel. Đi kèm với quy định này là hàng loạt chế tài chặt chẽ được đưa ra, nhẹ thì nhắc nhở, phạt tiền, nặng có thể bị cắt đầu số và thanh lý hợp đồng.

Người dùng bức xúc với tin nhắn phản cảm

Vào thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày chị Hà ở Phan Huy Chú, Hà Nội nhận được cả chục tin nhắn rác. Nội dung thì “thượng vàng, hạ cám”, từ sim số đẹp, đến bói toán, lô đề, thậm chí là cả những tin nhắn có nội dung nhạy cảm mà theo chị “đọc thôi đã thấy đỏ mặt”.

Không chỉ được gửi trong ngày, các tin nhắn rác kiểu này đôi lúc còn “nhè” đúng nửa đêm để “dội bom” khiến chị Hà rất bức xúc. “Tắt máy thì sợ ai có việc cần không liên lạc được hoặc có tin nhắn khuyến mại mà không biết, mở máy thì mỗi ngày nhận được cả đống “rác”, xóa đã mệt chứ nói gì đến thử xem dịch vụ như thế nào”, chị Hà chia sẻ.

Cũng may cho chị Hà đã không tò mò thử nhắn tin lên các đầu số vẫn dội bom hàng ngày vì "Dù nhắn đúng cú pháp hay không, nội dung tin nhắn trả lời “nhảm” tới cỡ nào thì thuê bao vẫn bị trừ mất 15.000 đồng", một nạn nhân của kiểu lừa đảo này cho hay.


Nguyên nhân của “vấn nạn” này là do trước đây, CP thuê đầu số của các doanh nghiệp được tự do kinh doanh các dịch vụ trên đầu số đã thuê. Lợi dụng chính sách này, một số CP sử dụng các đầu số để quảng bá và kinh doanh các dịch vụ phản cảm: bói toán, lô đề, thậm chí là cả những dịch vụ nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục… để trục lợi khiến người tiêu dùng thực sự bức xúc.

Sau khi nghị định 77 của Chính phủ về Chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1/1, các nhà mạng đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn thư rác gửi tới thuê bao của mình. Hàng loạt các biện pháp được áp dụng triệt để như cảnh báo qua website, wapsite, xây dựng tổng đài tiếp nhận tin nhắn rác và hệ thống chống spam thông qua đo tần suất và số lượng gửi tin quá lớn trong ngày... đã khiến vấn nạn tin nhắn rác giảm mạnh.

Tuy nhiên, các biện pháp này mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” là khi tin nhắn đã được gửi đi và đôi khi vô tình “chặn nhầm” các tin nhắn có nội dung tốt đồng thời bỏ sót các tin nhắn có nội dung không lành mạnh.

Sẽ hết thời?

Để giải quyết tận gốc vấn nạn tin nhắn rác, đặc biệt là các tin nhắn phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, từ tháng 1/2013, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên chính thức đưa vào áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên việc quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (command code) với tất cả các đầu số ngắn đang cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, các CP phải đăng ký kịch bản nhắn tin và nội dung dịch vụ cung cấp đến thuê bao Viettel. Những tin nhắn đăng ký có nội dung lừa đảo, mê tín sẽ không được duyệt để khai thác dịch vụ. Các CP vi phạm nội dung cung cấp bị phạt tới 30 triệu đồng/lỗi. Đối tác vi phạm lỗi nội dung quá 3 lỗi/6 tháng sẽ bị cắt đầu số và thanh lý hợp đồng.


Trong trường hợp thuê bao spam tin nhắn không đúng với kịch bản, hoặc có nội dung cấm sẽ bị quét chặn, và người dùng sẽ được hoàn lại tiền tin nhắn khi nhắn tin sai cú pháp hoặc click vào những thông tin lừa đảo.

Những quy định này có thể là dấu chấm hết cho các nội dung không lành mạnh trên mạng Viettel.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết, quy định mới này đã được Viettel thông báo cho các doanh nghiệp hợp tác cung cấp nội dung (CP) từ ngày 1/2 bằng văn bản. Hiện đã có khoảng nửa triệu kịch bản tin nhắn đã được đăng ký, đảm bảo nội dung sạch, mang lại tiện ích cho khách hàng.

"Sau khi nghị định 77 của Chính phủ về Chống thư rác có hiệu lực từ ngày 1/1, Viettel đã quét chặn được khoảng 100.000 tin nhắn có nội dung lừa đảo, mê tín, spam. Hiện mỗi ngày, Viettel chặn khoảng 3.000 tin nhắn rác gửi tới thuê bao. Riêng việc chặn, cắt thuê bao thì khó khăn hơn, bởi cần phải làm rõ thuê bao này nhắn tin rác số lượng bao nhiêu, có phải là tổng đài spam hay không và có khiếu nại của người nhận thì mới thực hiện được việc cắt này", ông Dũng chia sẻ.

Tuệ Phong
Theo Vietnamnet
>> Xem thêm

Viettel ra mắt smartphone 3G V8404 siêu rẻ

Viettel vừa đồng loạt khai trương hệ thống trải nghiệm và bán smartphone chính hãng có tên gọi SMART tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc và ra mắt dòng sản phẩm smartphone 3G, 2 SIM V8404 giá chỉ 1,6 triệu đồng.

Khách hàng đến tham dự khai trương hoặc mua điện thoại tại hệ thống SMART sẽ được tham dự chương trình bốc thăm mua máy V8403, V8404 với giá chỉ 50.000 đồng/chiếc.

Hiện hệ thống SMART của Viettel đã có mặt tại 103 cửa hàng giao dịch trên toàn quốc. Mở rộng hệ thống SMART thể hiện quyết tâm của Viettel trong việc theo đuổi mô hình cung cấp giải pháp đồng bộ máy điện thoại smartphone chính hãng kèm dịch vụ ưu đãi cho người dùng.

Điểm khác biệt tại hệ thống phân phối điện thoại SMART của Viettel là khách hàng được thoải mái trải nghiệm các sản phẩm smartphone từ cao cấp đến bình dân kèm dịch vụ trước khi quyết định sở hữu một chiếc điện thoại. Bên cạnh đó, thỏa thuận đạt được giữa Viettel và các nhà cung cấp điện thoại smartphone hàng đầu như Nokia, HTC, Samsung, Apple… sẽ giúp Viettel đạt được mục tiêu cung cấp các dòng điện thoại chính hãng cho người tiêu dùng Việt Nam với chi phí thấp nhất trên thị trường.

Mặt khác, hệ thống SMART được bố trí ngay trong các cửa hàng giao dịch cũng giúp Viettel tiết kiệm được rất nhiều chi phí - điều kiện cần thiết để giảm giá thành sản phẩm. “Đây là những yếu tố giúp chúng tôi có lợi thế trong cạnh tranh với các đơn vị cung cấp điện thoại trên thị trường hiện nay”, ông Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel khẳng định.

Tại hệ thống SMART, khách hàng dễ dàng tìm thấy những dòng điện thoại cao cấp phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay: iPhone5, HTC OneX+, Samsung Galaxy Note 2, Lumia 920, LG nexus 4… với chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các thuê bao Viettel. Song song với sản phẩm cao cấp của các hãng tên tuổi, Viettel vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh cung cấp các dòng smartphone giá rẻ đặt hàng riêng cho người dùng Việt Nam như điện thoại 3G V8403 với giá 1,5 triệu đồng và các dòng máy SumoSim.

Đặc biệt. trong dịp khai trương hệ thống Smart lần này Viettel giới thiệu bộ điện thoại smartphone 3G, 2 SIM V8404 giá chỉ 1,6 triệu đồng/chiếc. V8404 có cấu hình tương đương máy V8403 và sử dụng hệ điều hành Android 2.3.6, màn hình cảm ứng điện dung đa điểm, nhưng V8404 có dung lượng pin nâng cấp lên đến 1700mAh. V8404 và V8403 được đánh giá là bộ đôi smartphone giá rẻ và phù hợp với nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng.

Theo ICTNews, Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Viettel tiết lộ doanh thu và vốn đầu tư tại nước ngoài

Nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận tại các mạng viễn thông của Viettel ở nước ngoài hiện như thế nào?...

Thương hiệu Unitel đang khẳng định được uy tín trên đất Lào - Ảnh: P.M.

Tại hội nghị tổng kết năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đến năm 2012 đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%.

Số doanh thu trên được Viettel thực hiện tại 7 thị trường mà tập đoàn đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 4 thị trường đã kinh doanh, còn lại đang ở giai đoạn triển khai đầu tư, xây dựng.

Dù vậy, trước đó, chưa có một số liệu cụ thể, chi tiết về số vốn đầu tư thực sự, khả năng sinh lời, khấu hao tại mỗi thị trường mà Viettel đầu tư được công bố ra ngoài.

Một lãnh đạo của Viettel cho VnEconomy biết, trong tổng số vốn đầu tư tại mỗi thị trường, Viettel chỉ mang dưới 50% số vốn trong nước đi đầu tư, còn lại hơn 50% là Viettel tự đi vay ngân hàng tại những quốc gia đầu tư và nợ tiền từ các nhà cung cấp thiết bị, sau đó có lợi nhuận sẽ khấu hao, trừ nợ dần. “Tất nhiên, vay được, nợ được thì Viettel cũng phải có uy tín”, ông nói.

Đến hết 2012, theo Tổng giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân, tập đoàn này đã chuyển 84 triệu USD về nước. Trong đó, được biết, chiếm tỷ trọng phần lớn là thị trường Camphuchia.

Viettel dự kiến, năm 2013 sẽ chuyển về nước 150 - 160 triệu USD từ bốn thị trường đã kinh doanh gồm Campuchia, Lào, Mozambique và Haiti.

Theo thông tin mà ông Xuân đưa ra tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ít hôm trước, nếu bóc tách từng thị trường thì mức độ từ doanh thu, thời gian sinh lời, khấu hao cũng như tiềm năng tại mỗi thị trường mà Viettel đầu tư là tương đối khác nhau.

Tại Campuchia, Viettel đầu tư với số vốn là 40 triệu USD. Ông Xuân tự tin nói, hết năm 2013, Viettel sẽ trả hết toàn bộ nợ vay ngân hàng để đầu tư cho mạng ở Campuchia, trở thành mạng đã khấu hao hoàn toàn. Ông cho biết, mạng di động Metfone của Viettel tại Campuchia được chuyên gia thế giới đánh giá năm 2014 có giá trị thị trường là từ 800 - 900 triệu USD.

Với mạng di động Unitel tại Lào, Viettel đầu tư sang với số vốn là 8 triệu USD - gấp đôi số tài sản mà mạng viễn thông của Lào có lúc đó. Hiện Unitel đã có lãi.

Ông Xuân cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu - dòng tiền đã trừ đi khấu hao của Unitel cỡ 50%, nghĩa là doanh thu 10 đồng thì dòng tiền dương đem lại được 5 đồng.

Tiếp đến là mạng tại Mozambique. Viettel khai trương tháng 5/2012 và cuối năm nay cũng bắt đầu có lãi. Dự kiến doanh thu tại Mozambique năm 2013 là 240 triệu USD, trong đó, 120 triệu USD doanh thu không phải trừ chi phí khấu hao tài sản cố định. Viettel dự kiến trong vòng 3 năm sẽ khấu hao và trả hết nợ ngân hàng.

Tại Haiti, khoản vốn đầu tư của Viettel vào thị trường này được tính toán khoảng 300 triệu USD, gấp gần 8 lần so với số vốn bỏ vào mạng Metfone tại Campuchia, tuy nhiên, tỷ trọng lợi nhuận tại thị trường Haiti trong tổng nguồn thu tại nước ngoài của Viettel còn khá thấp.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel sắp ra mắt "siêu phẩm" smartphone V8404

Một nguồn tin từ Viettel cho hay, nhà mạng này sắp tung ra chiếc smartphone tiếp theo V8404 - hậu duệ của Viettel V8403, với nhiều cải tiến hấp dẫn. Tuy nhiên nhà mạng chưa tiết lộ cấu hình, giá bán cũng như thời điểm ra mắt chính thức của smartphone mới.

Được biết, V8404 cũng được Viettel đặt hàng từ đối tác Trung Quốc với một số tính năng phục vụ nhu cầu và sở thích của người dùng Việt Nam. Máy đang được Viettel thử nghiệm và chuẩn bị những khâu cuối trước khi tung ra thị trường. Tuy nguồn tin từ Viettel không khẳng định thời điểm lên kệ của V8404 nhưng chúng tôi dự đoán smartphone này sẽ ra mắt vào khoảng đầu hoặc giữa tháng Hai tới.

Viettel V8403 đang khá "hot" trên thị trường

FPT Products cũng vừa tung ra chiếc smartphone giá rẻ FPT HD II có giá và cấu hình gần tương đồng chiếc FPT HD thế hệ I nhưng có thêm một số nâng cấp về tính năng cũng như thiết kế đẹp mắt hơn. Rất có thể Viettel V8404 cũng sẽ là một phiên bản nâng cấp tương tự của Viettel V8403 – thêm tính năng nhưng giữ nguyên giá bán, bởi mức giá rẻ và chất lượng khá đang là điểm thu hút nổi bật nhất của V8403 trên thị trường smartphone giá rẻ. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Theo Vnreview, Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Đơn xin cấp phép truyền hình cáp của Viettel bị “ngâm”

Tập đoàn Viễn thông Quân đội kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp phép truyền hình cáp...

Gần 10 năm qua, các công ty truyền hình cáp đã phát triển được 2,5 triệu thuê bao, độ phủ 10% - Ảnh minh họa.

“Viettel đã xin cấp phép từ tháng 2/2012, đến nay đã 10 tháng nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang xem xét. Đề nghị Bộ sớm cấp phép truyền hình cáp cho Viettel”.

Kiến nghị trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đưa ra tại hội nghị tổng kết năm của ngành thông tin và truyền thông, ngày 24/12.

Theo ông Hùng, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình đã hội tụ, mạng lưới đã là một. Vì thế, một công ty có hạ tầng cáp quang đến xã đầu tư thêm để cung cấp truyền hình cáp sẽ giảm chi phí đầu tư từ hai đến ba lần, giúp cho dịch vụ này có thể phổ cập đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Gần 10 năm qua, các công ty truyền hình cáp đã phát triển được 2,5 triệu thuê bao, độ phủ 10%, giá dịch vụ có xu hướng tăng, gần 10 năm qua đã tăng 3 lần”, ông Hùng ví dụ ngắn gọn về sự phát triển của ngành truyền hình cáp.

Nên theo ông, khi các công ty viễn thông tham gia thị trường này, sẽ tạo ra sự bùng nổ về truyền hình cáp, ngoài ra, với mạng cáp đồng trục của truyền hình cáp có thể làm thay đổi cơ bản Internet băng rộng, từ dưới 10MGb/s lên 100MGb/s.

“Chiến lược của Viettel trong thời gian tới là đưa truyền hình tới các hộ gia đình. Về cơ bản mục tiêu phổ cập này sẽ được thực hiện vào năm 2018”, ông Hùng cho biết.

Trước đề xuất của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm đồng tình để doanh nghiệp phát triển ngay khi có khả năng và mong muốn triển khai các dịch vụ mới, vì thế cơ quan quản lý nên bàn bạc hỗ trợ. “Viettel có sáng kiến thấy cơ hội làm ăn rồi và đề xuất thì Nhà nước phải đối thoại sớm”, Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong quý 1/2013, cụ thể là trong tháng 1, chậm nhất là tháng 2, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có trao đổi, ý kiến trả lời doanh nghiệp về việc triển khai dịch vụ mới như thế nào và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2013.

“Nếu chưa thật yên tâm thì cho làm thí điểm trước với quy chế tạm thời trong vòng một năm, sau đó nếu được thì triển khai chính thức”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Thủy Diệu
Theio vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel đầu tư viễn thông và Internet vào Cameroon

vncongnghe.com - Ngày 3/12 tới, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ chính thức ký kết đầu tư hạ tầng để cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại quốc gia Cameroon.

Thủ đô Yaoundo của Cameroon. Đây là một trong những nước đông dân nhất tại châu Phi, với diện tích 475.440 km2, dân số (năm 2008) là 18.467.692.

Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết tại lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam, diễn ra ngày 1/12.

Hiện tại, Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 6 quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam (gồm Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Tanzania). Tại Tanzania, Viettel đầu tư theo hình thức mua lại 65% cổ phần của công ty Epocha & Golden Ocean Tanzania Limited (Egotel) với tổng số tiền là 18,05 triệu USD.

Nay, Cameroon sẽ là thị trường thứ 7.

Đây là một trong những nước đông dân nhất tại châu Phi, với diện tích 475.440 km2, dân số (năm 2008) là 18.467.692. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội của Cameroon là 21,88 tỷ USD, tăng trưởng 2,1% so với năm 2009. GDP bình quân đầu người của Cameroon đạt khoảng 1.100 USD người/năm. Hoạt động kinh tế lớn nhất tại Cameroon vẫn là nông nghiệp (chiếm khoảng 70%).

Theo Viettel, trong năm 2011, đơn vị này đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận từ những thị trường nước ngoài. Dự kiến năm 2012, số tiền chuyển về sẽ tăng gấp đôi, tương đương 80 triệu USD.

Ngoài những thị trường trên, Hội đồng Quản trị Viettel Global trước đó cũng đã thông qua chủ trương thành lập công ty Viettel Timor Leste Ltd. tại Đông Timor. Đây sẽ là công ty do Viettel Global nắm 100% vốn điều lệ, để triển khai, thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông trên toàn bộ lãnh thổ Đông Timor, với tổng vốn đầu tư là 14.919.294 USD.

Nhiều khả năng, Đông Timor sẽ là quốc gia thứ 8 mà Viettel ký kết hợp đồng đầu tư hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

Theo Xã Luận
>> Xem thêm

Lần đầu tiên Viettel “soán ngôi” VNPT về doanh thu?

vncongnghe.com - Vài năm trở lại đây, cả hai tập đoàn đã có cuộc “chạy đua” âm thầm về mức cam kết doanh thu...

Kết năm 2011, doanh thu của Viettel đạt 117.000 tỉ đồng và VNPT đạt 120.800 tỉ đồng.

Nhiều khả năng lần đầu tiên, doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ vượt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tại sự kiện Tuần lễ VNPT (VNPT Week) 2012 sáng 26/11, ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT chắc chắn đạt được mức doanh thu 130.000 tỷ đồng năm 2012. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ VNPT năm 2012 tăng gấp đôi so với năm 2011.

Còn lợi nhuận toàn tập đoàn, ông Đức cho biết phải đợi báo cáo hợp nhất cuối năm mới rõ.

Nếu mức doanh thu 130.000 tỷ đồng này không có sự thay đổi tính đến ngày cuối cùng của năm 2012, thì kế hoạch doanh thu 135.800 tỷ đồng mà VNPT đặt ra cho năm 2012 và phấn đấu thực hiện sẽ bị “âm” 5.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Hoàng Đức cũng khẳng định, năm 2012, cả doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước của VNPT sẽ đạt được theo kế hoạch đặt ra.

Khác với VNPT, cách đây ít hôm, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel cho VnEconomy biết, doanh thu năm 2012 của Viettel dự kiến đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Nếu Viettel đạt được mức doanh thu này, và VNPT chỉ hoàn thành mức doanh thu phấn đấu là 135.800 tỷ đồng thì, lần đầu tiên, Viettel sẽ chính thức “soán ngôi” VNPT về doanh thu.

Vài năm trở lại đây, cả hai tập đoàn đã có cuộc “chạy đua” âm thầm về mức cam kết doanh thu.

Năm 2010, VNPT vượt mức doanh thu 100.000 tỷ đồng và dẫn trước Viettel khoảng 10.000 tỉ đồng (VNPT đạt 101.569 tỉ đồng so với 91.134 tỉ đồng của Viettel).

Đến năm 2011, Viettel đặt mục tiêu sơ bộ sẽ đạt doanh thu gần 110.000 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn này đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ với chỉ tiêu doanh thu khoảng 130.000 tỷ đồng.

Về phía VNPT, tập đoàn đưa ra mục tiêu doanh thu năm 2011 khoảng trên 120.000 tỷ đồng, sau đó cũng điều chỉnh lên 130.000 tỷ đồng. Kết năm 2011, doanh thu của Viettel đạt 117.000 tỉ đồng và VNPT đạt 120.800 tỉ đồng.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel ra mắt dòng điện thoại Smartphone i-Series

vncongnghe - Gia nhập thị trường điện thoại di động hơn một năm, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel đã tung ra rất nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú phù hợp với số đông người tiêu dùng. Tiếp nối sự thành công đó, trong tháng 11/2012, Viettel tiếp tục trình làng hai model mới: Smartphone i6 và i9.

Smartphone i9 nổi bật với các ứng dụng công nghệ mới nhất.

Smartphone i6 với bộ vi xử lý mạnh mẽ 1GHz, ROM 4GB, RAM 512MB. Máy chạy hệ điều hành Android 2.3.6, giao diện được thiết kế lại tối ưu thân thiện với người sử dụng.

Điểm nhấn của Smartphone i6 là máy sở hữu màn hình Retina 3.54”, với độ phân giải cao 640x960 pixel cùng 16M màu cho hình ảnh sắc nét, mượt mà tới từng chi tiết. Máy được trang bị Camera sau 5MPx cho hình ảnh trung thực, sắc nét với đèn trợ sáng Flash. Mặt trước là Camera VGA cho phép đàm thoại video call. Với Wi-fi chuẩn n, hỗ trợ GPS và kết nối 3G mạnh mẽ, cùng những ứng dụng và các trang mạng xã hội được tích hợp sẵn như: Imuzik, MobileTV, Youtube, Yahoo Messenger, Skype, Facebook… i6 thực sự sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị về công nghệ.

Kiểu dáng cũng là một thế mạnh của i6 với thiết kế thời trang và tinh tế cùng hai màu đen, trắng. i6 sẽ là lựa chọn phù hợp nhất với người dùng muốn có một chiếc smartphone hiện đại và tiết kiệm.

Giá bán lẻ i6 dự kiến là: 2.950.000 đồng.

Nếu như i6 nổi bật với thiết kế và màn hình sắc nét thì Smartphone i9 sẽ làm người dùng sửng sốt vì hiệu năng của máy vượt xa sự mong đợi với smartphone có mức giá từ 3-4 triệu đồng.

Smartphone i9 hoạt động trên nền Android 4.0.3 Ice Cream Sandwich, nổi bật với màn hình lớn 4.0” sử dụng công nghệ IPS cho hình ảnh sáng và sắc nét ở mọi góc nhìn. Máy được trang bị bộ vi xử lý tốc độ 1GHz, bộ nhớ trống 2.5GB cộng với chíp đồ họa hỗ trợ mạnh mẽ các dòng game 3D đỉnh nhất trên thị trường. Với camera sau 5MP cùng đèn Flash và camera trước VGA, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm để ghi lại những bức ảnh tốt nhất cũng như thực hiện các cuộc gọi video với người thân.

Thêm một điểm nhấn cho Smartphone i9 là khả năng truy cập Wi-fi, định vị GPS hay kết nối mạng qua 3G vô cùng ấn tượng, với dung lượng pin “khủng” 2500mAh cùng cảm ứng cực mượt giúp người dùng thoải mái lướt web, xem phim, truy cập các trang mạng xã hội hay chia sẻ hình ảnh, video chỉ bằng chạm và vuốt nhẹ. Cũng giống như i6, Smartphone i9 được tích hợp sẵn đầy đủ các ứng dụng cơ bản như Imuzik, MobileTV, Youtube, Yahoo Messenger, Skype, Facebook…

Giá bán lẻ i9 dự kiến: 3.690.000 đồng.

Smartphone i6, i9 hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm đầy hấp dẫn. Các model máy nằm trong dòng i-series đều là sản phẩm “hai SIM - hai sóng”, dùng cho tất cả các mạng. Khi mua Smartphone i6, i9 khách hàng sẽ được tặng kèm 1 thẻ nhớ 4G và 1 SIM Viettel có sẵn tiền trong tài khoản.

Theo Xã Luận
>> Xem thêm

Bắt đầu bán điện thoại “made by Viettel”

VNC - Viettel vừa chính thức bán smartphone giá rẻ do tập đoàn sản xuất...

Khách hàng dùng thử smartphone tại hệ thống trải nghiệm của Viettel.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa đồng loạt mở hệ thống trải nghiệm tại 11 điểm thuộc địa bàn Hà Nội và chính thức bán smartphone giá rẻ do Viettel sản xuất.

Cụ thể, smartphone giá rẻ “made by Viettel” có tên là V8403, được đặt hàng riêng cho người tiêu dùng Việt Nam với giá bán 1,5 triệu đồng/chiếc.

Viettel cho biết, V8403 là chiếc điện thoại smartphone 3G hai SIM sử dụng hệ điều hành Android 2.3.6. V8403 hỗ trợ thẻ nhớ lên đến 32GB, độ phân giải màn hình TFT 262.000 màu, cảm ứng điện dung đa điểm, kích cỡ màn hình 3,5 inches, pin có thời gian chờ lên tới 250 giờ.

Cùng với việc chính thức cung cấp smartphone “made by Viettel”, tập đoàn này cũng đồng loạt mở hệ thống trải nghiệm, đưa ra giải pháp tổng thể từ trải nghiệm đến cung cấp sản phẩm (gồm các dòng smartphone cao cấp của các nhà cung cấp như Apple, HTC, Samsung, Nokia…) và dịch vụ viễn thông đi kèm.

Tại các hệ thống này, người dùng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ 3G và các dịch vụ giá trị gia tăng ngay trên các sản phẩm smartphone.

“Việc khai trương hệ thống smart tại Hà Nội là một bước đi thử nghiệm để doanh nghiệp tiến tới mở rộng trên phạm vi toàn quốc”, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, cho biết.

M.Chung
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel, VinaPhone bắt đầu bán nanoSIM cho iPhone 5

VNC - Hai nhà mạng Viettel và VinaPhone cho biết sẽ bắt đầu cung cấp nanoSIM dành cho điện thoại iPhone 5 từ ngày mai, 16/10, với chi phí bằng với các loại SIM thông thường.

nanoSIM (trên, trái) nhỏ hơn 40% so với microSIM, và 60% so với SIM thông thường.

Đại diện Viettel cho biết, nanoSIM là loại SIM siêu nhỏ, nhỏ hơn 40% so với microSIM đang sử dụng trên điện thoại iPhone 4S, và 60% so với SIM thông thường. Đây là chuẩn SIM mới vừa được Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) thông qua vào tháng 6 vừa qua.

Theo Viettel, những khách hàng sử dụng iPhone 5 có thể đến 30 cửa hàng trực tiếp thuộc 5 tỉnh thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Đồng Nai để làm thủ tục đổi SIM, chi phí đổi SIM là 15.000 đồng. Với những khách hàng mới thì có thể đăng ký đấu nối các gói cước trả trước, trả sau của Viettel để sử dụng.

Thông tin từ VinaPhone cho hay hãng cũng sẽ bán ra thị trường nanoSIM từ ngày mai, 16/10 với giá 25.000 đồng. Khách hàng hiện tại của mạng này có thể đổi từ SIM thông thường và microSIM cùng với giá 25.000 đồng.

Hiện tại, về thời điểm bán iPhone 5, VinaPhone và Viettel, hai nhà mạng phân phối chính thức iPhone tại Việt Nam, chưa cung cấp thông tin chi tiết. Đại diện của hai nhà mạng đều khẳng định đang đàm phán với Apple và sẽ sớm đưa sản phẩm này về bán tại Việt Nam.

Trước đó, tại thời điểm iPhone 5 ra mắt, VinaPhone và Viettel khẳng định sẽ chính thức bán dòng điện thoại này từ tháng 11 tới.

iPhone 5 là dòng điện thoại thế hệ thứ 6 của Apple vừa được ra mắt vào giữa tháng 9 vừa qua. Chiếc điện thoại gây ấn tượng với thiết kế mỏng, nhẹ và màn hình rộng 4 inch. iPhone 5 cũng được trang bị nhiều tính năng và cấu hình mạnh mẽ hơn so với thế hệ iPhone 4S.

iPhone 5 sau khi được Apple bán tại 9 nước trên thế giới thì nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay cũng đã nhập mẫu điện thoại này về bán với giá rất cao, từ 26 triệu đồng. Một số cửa hàng cũng nhanh tay nhập về một loại kìm cắt nanoSIM từ SIM thông thường vì thế, việc sử dụng iPhone 5 vẫn diễn ra thông thường, khác với dự đoán trước đây khi Apple công bố sử dụng chuẩn nanoSIM cho dòng điện thoại mới.

Khôi Linh
Theo Dân Trí
>> Xem thêm

Chính thức có điện thoại “made by Viettel”

VNC - Loạt điện thoại di động đầu tiên do Viettel tự sản xuất trên dây chuyền của mình đã chính thức xuất xưởng...

Một góc nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại máy
Một góc nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại máy, máy tính của Viettel.

Tin từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, loạt điện thoại di động Sumo 2G V6206 đầu tiên do Viettel tự sản xuất trên dây chuyền của mình đã xuất xưởng và hoạt động đảm bảo chỉ tiêu chất lượng.

Cụ thể, theo tập đoàn này, Sumo 2G V6206 là điện thoại “2 sim 2 sóng” có thiết kế nhỏ gọn với trọng lượng 70 gram, hoạt động trên băng tần 900/1800 MHz. Kết nối mạng dựa trên sóng 2G GSM và GPRS (Class 10). Điện thoại này hướng vào nhóm khách hàng phổ thông.

Sumo 2G V6206 được trang bị màn hình TFT 262 nghìn màu, kích thước 1,77 inch độ phân giải 128 x 160 pixel. Bên cạnh đó là các tính năng giải trí như nghe đài FM, nghe nhạc MP3, chụp ảnh, quay phim,... và khe cắm thẻ nhớ microSD cho phép mở rộng bộ nhớ tới 32GB. Với những tính năng trên, Sumo 2G V6206 được trang bị pin 900 mAh, đem lại thời gian chờ lên tới 200 giờ và thời gian đàm thoại liên tục 5 giờ.

Viettel cho biết, đây là sản phẩm do công ty tự chế tạo hoàn toàn với quy trình sản xuất và lắp ráp được thực hiện trên dây chuyền sản xuất thiết bị tại Công ty Thông tin M1. Dự kiến sau khi đánh giá về toàn diện hiệu quả sản xuất, điện thoại Sumo 2G V6206 sẽ được chế tạo với số lượng lớn và phân phối tại các thị trường Viettel có triển khai kinh doanh.

“Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến mới của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị viễn thông sau khi sản xuất thành công số lượng lớn USB DCOM 3G và được thị trường đón nhận trong năm 2011”, tập đoàn này cho biết.

Sản xuất thiết bị là 1 trong 4 trụ quan trọng trong chiến lược phát triển của Viettel. Nhiệm vụ chính nhằm làm chủ công nghệ và tự sản xuất các loại thiết bị viễn thông, từ điện thoại di động cơ bản, smartphone, USB 3G, tablet và máy tính PC All-in-one.

Trong năm 2011, Viettel đã chế tạo thành công USB 3G và nhiều loại thiết bị tự động điều khiển như thiết bị cảnh báo sóng thần, thiết bị cảnh báo hồ chứa nước, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn,... Không giống nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam, những thiết bị viễn thông do Viettel sản xuất được chuẩn bị sẵn thị trường rộng lớn trong và ngoài nước.

Tháng 10/2011, Viettel chính thức vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có khả năng sản xuất nhiều chủng loại. Dây chuyền này có công suất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy điện thoại di động/năm hoặc 900 ngàn máy tính/năm, phục vụ cho nhu cầu thị trường của Viettel, bao gồm cả những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel tung gói cước 7Colors cho học sinh

VNC - Ngày 13/9/2012, Viettel ra mắt gói cước 7Colors dành cho các em học sinh phổ thông cấp I, II. Gói cước này giúp các bậc phụ huynh trong việc định hướng con em mình sử dụng điện thoại di động hiệu quả, có ích hơn.

Thuê bao 7Colors sẽ được gắn với thuê bao của bố mẹ và có những tính năng hữu ích giúp các bậc phụ huynh dễ dàng liên lạc, chăm sóc con cái

Viettel cho biết, 7Colors được thiết kế riêng biệt dành cho các em học sinh ở độ tuổi dưới 14. Sử dụng bộ hòa mạng 7Colors, các em học sinh có thể giữ liên lạc thường xuyên với gia đình mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời được cung cấp các thông tin học tập hữu ích, các câu đố kiến thức vào dịp cuối tuần. Tính năng đặc biệt này của 7Colors khiến chiếc điện thoại thông thường trở thành đồ dùng học tập thú vị giúp các em nâng cao kiến thức, phát huy tính sáng tạo của bản thân.

Thuê bao 7Colors sẽ được gắn với thuê bao của bố mẹ và có những tính năng hữu ích giúp các bậc phụ huynh dễ dàng liên lạc, chăm sóc con cái. Mặt khác vẫn quản lý được chi phí, mục đích sử dụng điện thoại của con em mình. Theo đó, thuê bao con chỉ được nạp tiền vào tài khoản không quá 50.000 đồng/tháng. Trong trường hợp tài khoản hết tiền, thuê bao con vẫn có thể gọi điện tới thuê bao của bố mẹ theo hình thức người nghe trả tiền cuộc gọi. Thuê bao bố mẹ cũng có thể nạp tiền cho thuê bao con để duy trì liên lạc. Đặc biệt, 7Colors còn giúp các bậc phụ huynh tra cứu định vị hiện tại của thuê bao con qua tin nhắn SMS.

Trên thực tế, sự bận rộn của cuộc sống hiện đại khiến việc sử dụng các phương tiện liên lạc cá nhân đem lại nhiều tiện ích. Nhiều bậc phụ huynh đã trang bị điện thoại di động cho con em mình mang đến trường để tiện liên lạc khi đưa đón, hoặc phòng sự cố. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều bởi sự e ngại về phương án quản lý cả về chi phí lẫn mục đích sử dụng.

“Theo nghiên cứu thị trường của Viettel, sự phổ biến và tiện lợi của kênh thông tin di động khiến phần lớn bậc phụ huynh muốn trang bị cho con em mình chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Tuy nhiên, chi phí và nỗi lo không kiểm soát được mục đích sử dụng của các em là lý do khiến các bậc phụ huynh phải cân nhắc đắn đo. Với những tính năng của 7Colors, Viettel mong muốn sẽ giải quyết được những vướng mắc trên của các bậc phụ huynh”, ông Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Viettel Telecom nói.

Bộ hòa mạng 7Colors được bán với giá 25.000 đồng/bộ, có sẵn 10.000 đồng trong tài khoản gốc sau khi kích hoạt và không giới hạn thời gian sử dụng. Trong vòng 60 ngày, thuê bao chỉ cần phát sinh một trong các hành động: nạp thẻ, phát sinh nhắn tin chiều đi có cước hoặc gọi điện chiều đi có cước giữa các thuê bao với nhau hoặc đăng ký thành công tính năng 7Colors. Sau khi hòa mạng thuê bao, khách hàng chỉ cần nhắn tin kích hoạt tính năng để sử dụng với mức phí duy trì tính năng 7Colors là 10.000 đồng/tháng.

Theo Xaluan.com
>> Xem thêm

Viettel “lép vế” về thị phần truy nhập Internet 3G

vncongnghe - Số liệu từ Sách trắng về Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2012 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều 4/9 cho thấy, tính đến cuối năm 2011 cả nước có hơn 16 triệu thuê bao truy cập Internet qua mạng di động 3G. Trong 3 nhà mạng lớn, Viettel có thị phần thấp nhất.


Thông tin trong cuốn sách trắng không đưa ra số lượng thuê bao cụ thể của từng nhà mạng, song công bố Viettel đạt 20,77% và nếu cộng thêm EVN Telecom là 0,37% sau khi sáp nhập thì đơn vị này đạt được 21,14%.

Trong khi đó, hai “ông lớn” còn lại là VinaPhone chiếm 35,92% và MobiFone là 42,11%. Còn “tiểu gia”Vietnamobile thì chỉ ở con số 0,83%.

Sự cách xa nhau khá lớn về thị phần thuê bao truy cập Internet qua mạng 3G như trên đã gần như nó tỷ lệ nghịch với lượng thuê bao của các nhà mạng. Điều này đã dấy lên một số hoài nghi về tính chính xác của số liệu.

Cụ thể, thị phần thuê bao điện thoại di động của Viettel chiếm áp đảo với 40,45% và khi “gộp” thêm của EVN Telecom (0,22%) thì con số này là 40,67%. Đứng kế tiếp là VinaPhone với 30,07%, MobiFone là 17,90%, Vietnamobile 8,04%, Gtel 3,21% và xếp cuối bảng là SPT với 0,1%.

Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với báo chí, lãnh đạo của một công ty viễn thông lớn cho biết hiện có nhiều tiêu chí về thuê bao 3G như thuê bao sử dụng các dịch vụ 3G và thuê bao đăng ký sử dụng các gói cước 3G.

Thêm vào đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố Việt Nam có 12,8 triệu thuê bao 3G. Như vậy, cách tính trong sách trắng được hiểu là các thuê bao sử dụng dịch vụ 3G.

Theo Vietnam+, Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Viettel, VNPT “bắt tay” Facebook xây cáp quang biển

vncongnghe - Viettel và VNPT vừa cùng với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook tham gia vào dự án xây dựng hệ thống cáp quang biển Asia Submarine-cable Express (ASE).

Hệ thống cáp quang biển ASE sẽ kết nối Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản và có nhánh đến Việt Nam.

Trang thông tin của Singapore là TodayOnline cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án ước tính là 450 triệu USD. Facebook là nhà đầu tư lớn nhất trong dự án này. Tuy nhiên, Facebook từ chối tiết lộ chi tiết khoản đầu tư này của hãng. Đáng lưu ý là một trang tin khác của Singapore là SGE (sgentrepreneurs.com) nói rằng sau khi tiết lộ việc Facebook là một nhà đầu tư, thì dự án này đã được đổi tên từ Asia-Pacific Gateway (APG) thành Asia Submarine-cable Express (ASE). Và quy mô hệ thống cáp ban đầu là 7.200km đã tăng lên hơn 10.000km khi có nhiều quốc gia tham gia hơn.

Hệ thống cáp quang biển này sẽ kết nối Malaysia đến Hàn Quốc và Nhật Bản, với 7 chi nhánh rẽ ra các quốc gia Asian khác bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, ASE có thể được kết nối đến các hệ thống cáp lớn khác đến châu Âu, Trung Đông, các phần khác của châu Á và Mỹ.

Dự án này sẽ hoàn thành vào quý 3/2014, giúp tăng tốc độ kết nối Internet trong khu vực châu Á. Hệ thống cáp sẽ có tổng dung lượng thiết kế là 54,8 terabit/giây, dùng công nghệ chiều dài bước sóng 40Gbps, nhưng trong tương lai có thể tăng khả năng bước sóng lên 100Gbps.

Theo các thông tin đăng trên BBC, dự án này được cho sẽ mang lại “một trải nghiệm người dùng tốt hơn cho những người dùng Facebook ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hong Kong, và Singapore”, và nó phản ánh “con đường của Facebook tiến vào phương Đông”, nơi hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng tốt, trong khi lượng người dùng của Facebook tại Mỹ đã bão hoà.

Ngoài hai hãng viễn thông của Việt Nam là Viettel và VNPT, dự án này còn có sự tham gia của 10 hãng viễn thông khác trên thế giới, bao gồm China Mobile, China Telecom, China Unicom của Trung Quốc, Chunghwa Telecom của Đài Loan, các nhà mạng Hàn Quốc KT và LG Uplus, hãng viễn thông Nhật Bản NTT Communications, StarHub của Singapore, Time dotcom của Malaysia, Philippine Long Distance Telephone (PLDT) của Philippine.

abcviet (theo dantri.com.vn / Xaluan.com)
>> Xem thêm

Viettel xuất ngoại: Chỉ hai năm là lãi!

vncongnghe - Trong một bản thông cáo mới đây về tuyển dụng nhân sự cấp cao, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, các mạng viễn thông mà Viettel đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài, chỉ sau hai năm đều bắt đầu có lãi.

Mạng di động Metfone của Viettel tại Campuchia. Năm 2011, Viettel chuyển về nước đạt hơn 40 triệu USD, lớn hơn số tiền mà Viettel đầu tư vào thị trường Campuchia. 

Theo Viettel, tập đoàn đang hoạt động tại 6 quốc gia, 3 châu lục với hơn 60 triệu thuê bao trên toàn cầu, trở thành 1 trong 15 mạng viễn thông có lượng thuê bao lớn nhất thế giới.

Tập đoàn này cũng cho biết, các mạng viễn thông mà Viettel đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài sau hai năm đều bắt đầu có lãi và sau 3 năm kinh doanh, Viettel bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2011, Viettel chuyển về nước đạt hơn 40 triệu USD, lớn hơn số tiền mà Viettel đầu tư vào thị trường Campuchia.

Viettel cũng dự kiến lợi nhuận năm 2012 chuyển về nước đạt hơn 80 triệu USD.

Hiện Viettel là một trong những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Năm 2011, doanh thu của Viettel gấp hơn 2.000 lần so với thời điểm gia nhập thị trường năm 2000.

Theo Viettel, năm 2012 đánh dấu chiến lược đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn đã qua giai đoạn “thử nghiệm, tìm đường” quan trọng, bắt đầu tăng tốc nhằm đạt mục tiêu hình thành thị trường nước ngoài 500 triệu dân đến năm 2015.

“Vì thế, việc củng cố đội ngũ nhân sự là một trong những hoạt động quan trọng trong chiến lược trở thành một tập đoàn viễn thông toàn cầu của Viettel trong giai đoạn mới”, thông cáo của tập đoàn Viettel cho biết.

Thủy Diệu
Theo vneconomy.vn
>> Xem thêm

Viettel thắng trong vụ kiện của ông Trần Minh Thịnh

vncongnghe - Ngày 21-6, sau một ngày xử phúc thẩm, TAND TP.HCM tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Trần Minh Thịnh (52 tuổi, huyện Bình Chánh), giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Phú về việc ông Thịnh kiện Tập đoàn Viễn thông quân đội - Công ty viễn thông Viettel.


Theo ông Thịnh, từ năm 2008, ông dùng số điện thoại thuê bao trả trước của Viettel và đến tháng 3-2010, ông liên tục bị các số điện thoại cùng mạng gọi đến quấy rối, với những âm thanh như tiếng thọc tiết lợn, tiếng gió thổi, dọa giết… làm ông bị ảnh hưởng tinh thần đến mức phải vào bệnh viện chữa trị.

Ông Thịnh đã nhiều lần đề nghị trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel cung cấp thông tin cá nhân của các chủ thuê bao quấy rối để ông khởi kiện họ về hậu quả gây ra cho ông nhưng Viettel không đồng ý.

Ngày 28-12-2010, ông Thịnh làm đơn khởi kiện Viettel tại TAND quận Tân Phú yêu cầu Viettel bồi thường cho ông 80 triệu đồng phí chữa bệnh và thiệt hại về tinh thần. Tòa cấp sơ thẩm cho rằng việc Viettel không cung cấp thông tin cá nhân của các chủ thuê bao quấy rối là phù hợp với Luật viễn thông.

Ông Thịnh trình bày bị quấy rối nhưng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh. Trên cơ sở đó, cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Thịnh về việc yêu cầu Viettel bồi thường.

Ông Thịnh cho biết sẽ có đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm xem xét vụ việc.

TÂM LỤA
Theo Tuổi Trẻ
>> Xem thêm

Viettel mở mạng di động lớn nhất Mozambique

(vncongnghe) - Sau hơn một năm xây dựng, Viettel đang sở hữu mạng di động lớn nhất, có vùng phủ rộng nhất tại Mozambique, và công bố chính thức kinh doanh tại nước này từ 15/5/2012 với thương hiệu Movitel.

Tại thời điểm khai trương, mạng của Movitel có 1.800 trạm phát sóng (2G và 3G), phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, chiếm hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique; 12.600 km cáp quang, chiếm 70% hạ tầng cáp quang của nước này.

Movitel cũng góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông và trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực sau Nam Phi và Nigeria.

Movitel kéo cáp viễn thông ở Mozambique (Ảnh: Viettel).

Mozambique là thị trường đầu tiên của Viettel tại châu Phi. Theo Viettel, thị trường này hứa hẹn tiềm năng thành công, vì mật độ điện thoại cả nước mới chỉ đạt mức 30,9%, thấp so với trung bình khu vực. Internet và điện thoại cố định gần như chưa phát triển (với mức sử dụng 1,52% và 0,52%), chất lượng và tốc độ thấp… Tuy nhiên, tỷ lệ dân số nghèo ở Mozambique cao với 55% dân số sống dưới ngưỡng 1,25 USD/ngày trong khi phải trả mức cước di động trung bình 10 USD/tháng, chiếm khoảng 20% - 25% thu nhập. Con số này ở các nước phát triển là 1%, còn ở Việt Nam là 4%.

Nhân viên Movitel tiếp cận người dùng của nước sở tại (Ảnh Viettel).

Tính đến thời điểm này, Viettel đã kinh doanh tại 5 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Haiti và Mozambique. Viettel cho biết, năm 2011 đã chuyển về nước hơn 40 triệu USD từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài và dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay.

ND 
Nguồn: Viettel 
Theo pcworld.com.vn
>> Xem thêm
/
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang