Hiển thị các bài đăng có nhãn WeChat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn WeChat. Hiển thị tất cả bài đăng

WeChat trả cho Sao Việt 200 triệu đồng để quảng bá

Những ngày qua, câu chuyện về phần mềm Wechat với bản đồ có vẽ thêm đường lưỡi bò đã trở thành đề tài gây xôn xao đến thế hệ trẻ yêu nước.

Bên cạnh một số hot teen, ca sĩ, người đẹp... tuyên bố "tẩy chay" phần mềm này, một bộ phận các sao teen cũng bị chỉ trích dữ dội vì đã quảng bá tích cực cho ứng dụng này từ giữa năm 2012, thời điểm Wechat "đổ bộ" vào Việt Nam và tạo thành cơn sốt.

Ngoài 2 cái tên hot của The Voice Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh, mới đây, cộng đồng mạng còn phát hiện thêm hàng loạt tên tuổi khác cũng từng quảng bá cho phần mềm này như: Bảo Thy, Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Cường Seven, Chi Phu, Khởi My, Diễm My 9X, Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh, Don Nguyễn, nhà văn trẻ Gào...

Theo tìm hiểu của iOne, Wechat chưa có đại diện chính thức ở Việt Nam. Mọi hoạt động PR, quảng cáo, kỹ thuật... đều do một số cá nhân người Việt được công ty Tencent thuê để phát triển phần mềm này một cách rộng rãi trên Việt Nam. Mục tiêu của Wechat là nắm được một cộng đồng thành viên trung thành trước, từ đó thu được lợi nhuận từ quảng cáo và bán thông tin cá nhân của người dùng cho các đối tác có nhu cầu, như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, trung tâm ngoại ngữ...

Để thâu tóm thị trường tin nhắn thoại và tin nhắn viết miễn phí, Wechat không ngần ngại bỏ ra một số tiền khổng lồ cho khâu quảng bá. Các "đại sứ" mà ứng dụng này nhắm đến là các sao teen, hot bloger... những người sở hữu đối tượng fan trung thành ở lứa tuổi teen, cũng là đối tượng khách hàng lớn nhất sử dụng các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí.

Từ giữa năm 2012, các bài Pr về phần mềm này xuất hiện tràn ngập hình ảnh các sao teen.

Theo một nguồn tin, hầu hết các sao quảng bá Wechat trên các trang cá nhân đều được trả phí cho các status, giá cả thế nào tùy thuộc vào độ hot. Theo đó, giá của một nam ca sĩ tên T được trả là 5 triệu đồng cho mỗi status. Với những ca sĩ, hot blogger có lượng friends và "follow" trên trang cá nhân đông đảo, phía Wechat "khoán" một mức giá trọn gói 10 nghìn đô (hơn 200 triệu), với điều kiện lượng status về Wechat phải được post liên tục, cách vài ngày post một lần. Không nhiều sao ký hợp đồng quảng cáo trọn gói này.

Việc các sao quảng bá cho một sản phẩm, ứng dụng nào đó là một hoạt động khá phổ biến từ trước đến nay. Vấn đề là họ vô tình không biết phần mềm này đã vẽ một tấm bản đồ không chuẩn xác về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo Việt Nam thời gian gần đây. Sau khi sự việc vỡ lở, nhiều sao đã xóa những status liên quan đến Wechat ra khỏi trang chủ và gỡ bỏ phần mềm này như một cách khẳng định lòng yêu nước.

Theo VnExpress, Genk
>> Xem thêm

WeChat phủ nhận việc "lờ tịt" Trường Sa, Hoàng Sa

Chiều ngày 31/1, trên Fan Page của mình, WeChat khẳng định những thông tin cho rằng ứng dụng này cố tình ẩn thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ là hoàn toàn sai sự thực và phản đối mạnh mẽ các nguồn thông tin không đáng tin cậy.

Thông báo của WeChat khẳng định luôn tôn trọng tính chính xác của bản đồ thế giới và vẫn hiển thị tên của 2 quần đảo trên Biển Đông. Bản đồ mà WeChat đang sử dụng là bản đồ do Google cung cấp. Người sử dụng có thể kiểm tra thông tin chính xác bằng cách đăng nhập vào WeChat, chọn tab "Location - Vị trí" và sử dụng chức năng "Zoom - Phóng To", hai quần đảo Việt Nam dưới tên quốc tế "Paracel Islands - Hoàng Sa" và "Spartly Islands -Trường Sa" sẽ được tìm thấy trên màn hình "Việc này đã được thử nghiệm trên một số tài khoản người dùng Việt Nam và được xác nhận là chính xác từ người dùng", thông báo WeChat khẳng định.

Ngoài ra, thông báo cũng chỉ rõ, WeChat cam kết lấy lợi ích của người dùng làm trọng tâm phát triển và bất kỳ thông tin sai lệch ảnh hưởng đến tầm nhìn cũng như mục tiêu sứ mệnh của WeChat đều bị lên án mạnh mẽ.

Bản đồ 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên ứng dụng WeChat phiên bản quốc tế.

Bản đồ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên ứng dụng Google Maps.

Trước đó, cộng đồng mạng Việt Nam đã đồng loạt tẩy chay ứng dụng WeChat - ứng dụng chat, gọi điện miễn phí trên Internet do phiên bản WeChat quốc tế vẫn sử dụng tấm bản đồ không hiển thị rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn ở phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này, có tên gọi Weixin, tấm bản đồ với "đường lưỡi bò" hiển thị rất rõ ràng. Vì vậy, vô tình tất cả người dùng WeChat tại Việt Nam đều xác nhận tấm bản đồ sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế này.

Theo ICTNews, Quản Trị Mạng
>> Xem thêm

Dùng WeChat là đồng ý với "đường lưỡi bò"?

Chuyện về WeChat không chỉ dừng ở việc hai ca sĩ trẻ Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn bị cộng đồng mạng phản ứng vì quảng cáo cho phần mềm, mà còn nhiều điều nguy hiểm đằng sau công cụ chat của Trung Quốc này.

Người dùng Việt Nam có lẽ không hề biết rằng, khi chấp nhận dùng WeChat, họ đã vô tình xác nhận chủ quyền "đường lưỡi bò" trên biển Đông là của Trung Quốc, được thể hiện trong bản đồ ngầm của sản phẩm này.

Trong bản đồ ở phiên bản tiếng Anh, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị WeChat cố tình "lờ tịt"!

Trong khi tại phiên bản tiếng Trung, "đường lưỡi bò" phi pháp lại được WeChat cho hiện rất rõ.

>> Xem thêm

WeChat chứa nguy cơ đe dọa an ninh

vncongnghe - Chức năng bảo mật trong ứng dụng nhắn tin di động WeChat của Tencent có thể theo dõi vị trí, nội dung riêng tư của hơn 200 triệu người dùng trong thời gian thực. Thông tin cảnh báo được đăng tải từ hãng tin Guardian (Anh).

Một phụ nữ sử dụng WeChat tại Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg

WeChat, hay còn gọi là Weixin (tên gọi tại Trung Quốc), là ứng dụng nhắn tin dành cho thiết bị di động thông minh như smartphone hay tablet được phát triển từ năm 2011 bởi tập đoàn Internet Trung Quốc Tencent.

Tương tự các ứng dụng cùng nhóm phổ biến hiện nay như Viber hay WhatsApp, ngoài tin nhắn dạng văn bản, WeChat cho phép gửi tin nhắn dạng âm thanh, chia sẻ vị trí địa lý của người dùng... thông qua mạng WiFi hay 3G (mạng dữ liệu) thay vì mạng viễn thông như tin nhắn SMS / MMS truyền thống.

WeChat tổng hợp các công cụ truyền thông xã hội như Twitter, Facebook và Skype, có nhiều ngôn ngữ khác nhau bao gồm cả tiếng Nga, Anh và Ả Rập. Cũng tương tự các công cụ truyền thông xã hội khác, WeChat có thể truy xuất đến danh bạ của người dùng, nội dung tin nhắn, xác định vị trí địa lý thông qua GPS (định vị vệ tinh).

Theo Guardian, số lượng người dùng WeChat tăng rất nhanh ở châu Á (phần lớn ở Trung Quốc), lên đến hơn 200 triệu người theo công bố của Tencent trong tháng 9-2012. WeChat là ứng dụng truyền thông xã hội đầu tiên của Trung Quốc có tiềm năng bành trướng thị phần ra toàn cầu.

Từ sự phát triển rộng lớn đó, các nhà hoạt động chính trị bày tỏ mối lo ngại về các chức năng bảo mật trong dịch vụ nhắn tin âm thanh của WeChat theo dõi những hoạt động của người dùng trong thời gian thực.

Khi WeChat chính thức ra mắt thị trường Đài Loan trong tháng 10, các nhà lập pháp sở tại cũng bày tỏ sự lo ngại về một mối đe dọa an ninh quốc gia khi nó có thể tiếp xúc các thông tin liên lạc riêng tư.

Adam Segal, một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cho rằng không chỉ có WeChat tiềm tàng nguy cơ lỗ hổng an ninh. "Các dịch vụ và phần mềm công nghệ thông tin về cơ bản tất cả đều không an toàn. Nhiều công nghệ có một số loại lỗ hổng bảo mật mà kẻ thù có thể tìm ra và khai thác, thu thập thông tin tình báo".

Ông đưa ra cảnh báo cho người dùng trên toàn cầu cần lưu ý khi sử dụng các ứng dụng di động, cho dù chúng được tạo ra tại Mỹ nhưng cũng không thể miễn dịch các cuộc tấn công mạng. "Các lỗ hổng an ninh nằm sâu hơn so với ứng dụng, thậm chí xuất phát từ chính các thiết bị". Adam Segal lấy minh chứng qua các thiết bị HTC và iPhone gần như đều được sản xuất bởi Trung Quốc.

Tencent, công ty Internet lớn nhất tại Trung Quốc và cũng là hãng phát triển WeChat từ chối bình luận về thông tin do Guardian đăng tải. Trước đó trong tháng 11 trên một tờ báo địa phương, Tencent tuyên bố "chúng tôi thực hiện bảo mật dữ liệu người dùng cẩn trọng trong hoạt động phát triển và vận hành thường nhật. Chúng tôi cũng tuân thủ các luật định liên quan tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động".

Trước đó, nhiều hãng thông tấn tại Trung Quốc và Hãng truyền hình CCTV cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ đe dọa người dùng WeChat. Ứng dụng này có chức năng Look Around giúp tìm kiếm các tài khoản WeChat khác đang ở gần xung quanh vị trí hiện tại của mình. Bọn tội phạm dựa vào đó xác định vị trí và nơi ở đối tượng mục tiêu. Số lượng sử dụng WeChat để phạm tội tăng vọt tại nhiều thành phố ở Trung Quốc.

THANH TRỰC (theo Guardian, Techniasia)
Theo Tuổi Trẻ
>> Xem thêm

Cảnh báo ứng dụng di động WeChat “làm mưa làm gió” tại Việt Nam

vncongnghe - Ứng dụng di động WeChat, một trong những ứng dụng giao tiếp có nguồn gốc từ Trung Quốc, đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam, có thể khiến người dùng bị nguy hiểm thực sự và là công cụ được ưa thích của bọn tội phạm.

“Look Around” là tính năng được tội phạm 
lợi dụng để xác định vị trí các nạn nhân tiềm năng

Nguy hiểm cho người sử dụng
WeChat (hay còn có tên gọi Weixin tại Trung Quốc) là ứng dụng di động cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên smartphone… và hoạt động dưới dạng một cộng đồng như mạng xã hội. Đây là một ứng dụng của Tencent, một trong những hãng phần mềm lớn nhất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ an toàn của ứng dụng di động này đang bị đặt ra một dấu chấm hỏi khi nó đang được tội phạm sử dụng để gây ra tội ác, gây nguy hại thực sự cho người sử dụng, chứ không chỉ đơn giản là việc đánh cắp thông tin trên thiết bị.

Cụ thể, WeChat, hoạt động trên cả nền tảng Android lẫn iOS được trang bị tính năng “Look Around”, cho phép những người sử dụng khác dễ dàng nhận biết được những ai sử dụng WeChat ở gần vị trí của mình. Điều này cho phép những tên tội phạm có thể ngay lập tức xác định và liên hệ với nạn nhân để thực hiện tội phạm dễ dàng hơn.

Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, tòa án địa phương ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã kết án một người đàn ông họ Cao, 32 tuổi, 8 năm và 6 tháng tù vì tội danh hãm hiếp phụ nữ.

Được biết, y đã sử dụng WeChat để làm quen với những cô gái trẻ ở thành phố Ningbo, sau đó nhờ đến tính năng “Look Aroud” trên ứng dụng này để xác định vị trí của họ. Sau khi đã đạt được sự tin tưởng của các nạn nhân, Cao đã chở những cô gái trẻ này đến những nơi vắng vẻ và thực hiện hành vi tội ác của mình. Cao thừa nhận đã hãm hiếp 7 cô gái trẻ bằng thủ đoạn của mình.

Trong khi đó, cảnh sát ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, cho biết kể từ tháng 12 năm ngoái, họ đã nhận được báo cáo về 20 trường hợp trộm cắp và lừa đảo liên quan đến ứng dụng WeChat.

Một trong những lý do chính khiến WeChat là công cụ yêu thích của tội phạm là “nhờ” tính năng “Message in a bottle” (thông điệp trong chai), cho phép người dùng có thể gửi tin nhắn đến những người dùng bất kỳ khác đang sử dụng WeChat, dựa vào những thông tin này, những tên tội phạm càng có thể cơ sở để thực hiện hành vi tội ác của mình.

Với việc sử dụng công cụ di động phục vụ cho tội ác, một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Từ sự bất cẩn của người dùng hay từ các nhà cung cấp ứng dụng, khi không quản lý được các tính năng trên sản phẩm của mình cung cấp?

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi trang mạng iFeng của Trung Quốc, có đến 42% số người tham gia khảo sát (trong tổng số 31.742 người) cho rằng Tencent, “cha đẻ” của WeChat phải chịu trách nhiệm cho việc ứng dụng của mình bị tội phạm lợi dụng.

“Mặc dù có những thiết lập tùy chọn trên WeChat, tuy nhiên chừng đó là chưa đủ”, Chen Qifeng, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải cho biết. “Càng nhiều tính năng được trang bị, càng khiến cho người dùng cảm thấy bối rối khi thiết lập các tùy chọn của ứng dụng”.
Trong khi đó, Xia Jiapin, một luật sư ở Bắc Kinh thì cho rằng Tencent cần phải cảnh báo người dùng một số nguy hiểm tiềm năng mà một số chức năng có thể gây ra khi sử dụng.
Tuy nhiên, hiện tại Tencent chưa lên tiếng về việc có kế hoạch nâng cấp hay cập nhật các biện pháp an toàn để bảo vệ người sử dụng hay không.

Ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Giống như dịch vụ web lớn tại Trung Quốc như Baidu, Tencent cũng không giấu tham vọng mở rộng thị trường trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ đó.

WeChat đang trở nên rất phổ biến trong cộng đồng người sử dụng di động Việt Nam

Xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, WeChat đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng di động phổ biến nhất và được nhiều trang báo cũng như các diễn đàn quảng cáo rầm rộ.

Đáng chú ý, ngay cả các “ngôi sao thần tượng tuổi teen” cũng không tiếc lời ca ngợi ứng dụng di động này trên các trang cá nhân của mình, điều này càng khiến cho WeChat nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến ở Việt Nam. Hiện tại, WeChat là một trong những ứng dụng di dộng có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, trên cả nền tảng iOS lẫn Android.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp phạm tội nào tương tự như ở Trung Quốc, tuy nhiên khó có thể nói trước rằng những tội phạm không lợi dụng những ứng dụng di động này để gây nên hành vi tội ác của mình, nhất là khi Tencent vẫn đang còn khá thờ ơ với việc cảnh báo và cập nhật các biện pháp bảo vệ hợp lý. Hơn ai hết, người sử dụng cần phải cảnh giác và tự bảo vệ cho chính mình.

abcviet (theo dantri.com.vn / Xaluan.com)
>> Xem thêm
/
Copyright © 2012-2015 VNCongnghe
Đặt làm trang chủ Đặt làm trang chủ

Trang chủ | Quảng cáo | Liên hệ | RSS | Sitemap | Lên đầu trang